Dân chung cư 'kêu trời' vì kiến ba khoang kéo đến cả đàn, nhớ những cách này để phòng tránh kẻo da rộp đáng sợ
Tin liên quan
Thông thường cuối tháng 9 mới bắt đầu xuất hiện kiến ba khoang nhưng khoảng 1 tuần này chung cư của chị Hường (Hà Nội) đã có loại kiến này.
Theo chị Hường, có những buổi tối, chị quét được rất nhiều kiến ba khoang. Khi mở đèn vào buổi tối, trên các bức tường trong nhà sẽ bắt đầu xuất hiện kiến ba khoang. Vì nhà có con nhỏ nên chị Hường lo rằng bé sẽ cầm kiến rồi bị dịch trong cơ thể của loại kiến dây lên người.
"Hàng xóm nhà tôi quét được vài ba chục con mỗi tối. Hiện nay, nhà tôi phải cẩn thận hơn, quần áo, khăn trước khi dùng đều phải giũ mạnh để lỡ có kiến còn biết. Chuyện bị ngứa vì kiến ba khoang thì năm nào tôi cũng bị. Vì có lúc kiến bò lên giường, nằm đè lên kiến và bị ngứa, phồng rộp da...", chị Hường cho hay. Những hộ dân như chị Hường chỉ biết sống chung chờ đến mùa đông thì nó sẽ hết dần.
Còn chị Khanh (Hà Nội) kêu ca nỗi sợ nhất mùa thu là kiến ba khoang. Năm ngoái chị Khanh từng bị ngứa, phồng rộp, đau rát trên da và nghĩ là bị zona thần kinh, bôi thuốc mãi không khỏi.
Kiến ba khoang xuất hiện tại chung cư ở Hà Nội.
"Khi đi khám tôi mới biết là phồng rộp do kiến ba khoang. Khăn tắm của tôi để ở giường, kiến bò lên trú ẩn từ lúc nào không ai biết. Khi tắm xong, tôi không quan sát, cứ thế lau người. Kiến bị vỡ ra nên nọc độc tiết bám lên da và gây phồng rộp. Suốt một tuần trời tôi khổ sở vì các vết đau, ngứa. Năm nay số lượng kiến ba khoang ít hơn nhưng tôi đã cẩn thận hơn để tránh gặp phải tình huồng như năm ngoái", chị Khanh kể.
Tại những khu vực chung cư xa trung tâm, xung quanh còn nhiều đồng, cỏ thì kiến ba khoang xuất hiện nhiều hơn. Chị Thương (Hà Nội) cho hay, gia đình chị đã đóng cửa, lắp kính cho cửa sổ nhưng kiến ba khoang vẫn bằng nhiều cách lọt vào trong nhà.
"Trước đây, tôi hay có thói quen giết kiến bằng tay, nhưng giờ không dám nữa. Vì nọc độc của kiến rất kinh khủng, chỉ cần dây ra tay rồi lan ra các bộ phận khác là phồng rộp, cảm giác rát và bỏng, thương tổn trên diện rộng có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận. Bây giờ nếu thấy kiến ba khoang, tôi sẽ dùng giấy để giết kiến hoặc đuổi chúng đi", chị Thương nêu kinh nghiệm.
Làm sao ngăn kiến ba khoang?
Kiến ba khoang là nỗi sợ của bất cứ gia đình nào. Chúng không cắn người mà nguyên nhân gây các vết phồng rộp trên da là chất Pederin. Chất này không được kiến chủ động tiết ra mà nó chỉ tồn tại trong cơ thể kiến. Khi cơ thể bị nghiền nát, chất này mới được giải phóng ra môi trường. Khi chất Pederin dính vào vùng da con người, nhất là vùng da non, vùng da nhạy cảm (da vùng mặt, cổ, cánh tay, bắp chân,…) thì các vùng da chỗ này sẽ bị phồng rộp, bỏng, đau rát.
Kiến ba khoang rất hay bò trên quần áo, khăn, đồ dùng gia đình... Do đó vào mùa kiến ba khoang nên quan sát kỹ hay giũ mạnh các đồ này rồi mới dùng để tránh chất dịch độc trong kiến bị tiết ra khi chà xát cơ thể kiến với bề mặt khăn, quần áo. Nếu có kiến ba khoang trong nhà không giết bằng tay mà dùng dụng cụ đẩy chúng ra ngoài rồi dùng giấy để bắt cho vào sọt rác.
Sử dụng bình xịt côn trùng để tiêu diệt kiến, ngăn chúng bò vào nhà. Vào buổi tối nên đóng các cửa sổ và cửa ban công hoặc hạn chế bớt ánh sáng tránh thu hút kiến. Chủ nhà nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn.
Giữ vệ sinh môi trường, dọn dẹp bớt đồ đạc không cần thiết, phát quang các cây cối hay bụi rậm xung quanh nhà tránh chỗ cho kiến và côn trùng trú ngụ. Khi ngủ nên có màn để tránh các côn trùng hay kiến ba khoang bò lên da.
Đông Ngân
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất