Cô giáo trung niên mê làm từ thiện và biệt danh 'Cô Nga bao đồng'

Thanh Thảo 2017-03-16 18:20
- Là một giáo viên lâu năm của trường, nay là thủ thư, cô Nga có cơ hội tiếp xúc với các bạn học sinh, đặc biệt là học sinh hiếu học thường lui tới thư viện mượn sách. Từ sự thương cảm, cô biến thành hành động.

“Cô Nga bao đồng”

Về trường trung học phổ thông Sào Nam (Duy Xuyên, Quảng Nam) hỏi cô Nga (SN 1967) không những giáo viên mà hầu hết học sinh đều biết. Họ yêu mến và gọi cô với cái tên hơi kì quặc là “cô Nga bao đồng” vì suốt ngày cô lo lắng, quan tâm tìm hiểu những bạn học sinh trong và ngoài trường có hoàn cảnh khó khăn để tìm cách giúp đỡ.

Từ năm 2007 đến nay, không chỉ với các học trò nghèo mà đối với nhiều người nghèo trên địa bàn huyện Duy Xuyên, cái tên cô giáo Trương Thị Mỹ Nga cùng với hình ảnh một phụ nữ đứng tuổi lặn lội ngược xuôi tìm kiếm các mạnh thường quân và tự tay trao quà đã trở nên khá quen thuộc.

Là một giáo viên lâu năm của trường nay là thủ thư của thư viện, cô Nga có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn học sinh, đặc biệt là học sinh hiếu học thường lui tới thư viện mượn sách. Từ sự thương cảm với hoàn cảnh của học trò nghèo, cô đã biến tình thương thành hành động.

Chuyện nhà giáo mê làm từ thiện

Hình ảnh người phụ nữ với gương mặt phúc hậu đã trở nên khá quen thuộc với đa số học sinh nghèo huyện Duy Xuyên

Đối với học trò hiếu học của trường, cô thường vận động xin học bổng từ các tổ chức, doanh nghiệp như: Học bổng Hạt cát, học bổng Niềm tin, học bổng Icant, vận động cựu học sinh quyên góp… giúp đỡ các em có sách vở, quần áo và điều kiện đến trường. Đặc biệt cô còn giúp một số em có nguồn hỗ trợ để có thể tiếp tục theo học trong những năm Đại học.

Ngoài ra, chỉ cần biết ai có hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn, bệnh tật, cô sẽ không ngại bỏ thời gian và công sức để đến tìm hiểu, xác minh và tìm sự giúp đỡ. 

Bản thân là một người có sức khỏe không tốt, nhưng cô Nga vẫn luôn “bao đồng” trong việc giúp đỡ người khác. Cô còn được gọi với biệt danh “khách hàng thân thiết của bệnh viện”. Bởi mỗi lần nằm viện là lại thêm một lần cô phát hiện một mảnh đời thương tâm. Thế rồi, cô lại nỗ lực kêu gọi, vận động, quyên góp, giúp đỡ,… các hoàn cảnh này.

Cô tâm sự: “Đối với cô, tình yêu thương là một thứ tình cảm tốt đẹp. Trước những số phận, hoàn cảnh của các em, cô không thể nào không trăn trở. Cô luôn luôn muốn trao đi yêu thương và giúp đỡ các em bằng những việc làm trong khả năng của mình”.

Chuyện nhà giáo mê làm từ thiện

Cô luôn trao tận tay món quà được các nhà tài trợ quyên góp.

Ngoài vận động xin học bổng cho học sinh nghèo, cô còn tìm đến những hoàn cảnh bất hạnh như: gia đình anh Nguyễn Hạnh (Duy Trung, Duy Xuyên) vợ mất để lại 3 đứa con nhỏ, chị Khánh Vân (Duy Thành, Duy Xuyên) bị ung thư Vú và đang phải nuôi con nhỏ, em Lê Thị Thảo (Duy Vinh, Duy Xuyên) bị ung thư máu và mồ côi ba mẹ,…

Không dừng lại ở đó, cô còn vận động được các mạnh thường quân xin xe máy cho hai em sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng là cựu học sinh Sào Nam, lắp cửa cho nhà của em Văn Thị Yến Nhi (thị trấn Nam Phước), và còn là cây cầu cho hàng chục nhà tài trợ và người nghèo khác nữa.

Chuyện nhà giáo mê làm từ thiện

Quyên góp sách cho phòng đọc sách của nhà thơ Trần Phước Ninh

Khi được hỏi về việc cô có nhận được ủng hộ và giúp đỡ của gia đình cho “công tác” ngoài chuyên môn này không, cô vui vẻ kể: “Chồng và hai con cô cũng luôn ủng hộ cô. Có điều chồng cô lo lắng vì sức khỏe của cô không tốt lắm mà cứ suốt ngày “chạy” ngoài đường. Có bữa cô bỏ cả giờ ăn trưa để chạy đi nhận tiền của nhà tài trợ vì họ chỉ đi ngang qua Duy Xuyên giờ trưa thôi”.

“Mỗi lần xin được một suất học bổng hay nhận được tin có người chịu giúp đỡ những trường hợp mình đề xuất, cô vui lắm. Niềm vui đơn giản mà cũng giúp cô thấy trong người phấn khởi, khỏe hẳn ra. Không chừng nhờ làm từ thiện thường xuyên mà cô sẽ không đau ốm”, cô hào hứng chia sẻ.

Trở thành mạnh thường quân trong khả năng

Theo lời tâm sự của cô Nga, đi kêu gọi nhiều, bên cạnh gặp người cần giúp đỡ thì cũng gặp những nhà từ thiện vĩ đại. Từ đó cô cũng “lây” cái máu từ thiện của họ.

Đồng lương giáo viên không dư dả gì nên cô không thể giúp các học sinh và những hoàn cảnh bất hạnh như những người khác. Cô chỉ giúp trong khả năng của mình. Tuy nhiên, với sự nhiệt thành của cô, cô đã trở thành mạnh thường quân trong chính những người cô cưu mang, giúp đỡ.

Ngôi nhà cô đang sống cùng gia đình hiện nay, lâu nay cũng chính là ngôi nhà thứ hai của rất nhiều thế hệ học trò nghèo Sào Nam. Bởi vì trước đó, cô đã đón nhận các bạn học trò nghèo, mồ côi, nhà ở vùng sâu vùng xa (Duy Nghĩa, Duy Hải) đến sống và học tập tại nhà mình. Gia đình cô luôn xem các bạn như con cháu ruột thịt và sống hòa thuận vui vẻ.

Trong số những học trò cô cưu mang thì nay 1 người là giảng viên Đại học Quy Nhơn, 1 người làm ở công ty Đà Nẵng, 1 người làm ở UBND huyện Duy Xuyên. Và gần đây nhất là em Nguyễn Văn Bình (khóa 2011-2014) hiện là sinh viên năm 2 của trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. 

Thấy học trò của mình trưởng thành, cô Nga rất vui mừng. Nhất là khi những học trò cô lại quay về giúp đỡ các bạn cùng cảnh ngộ như mình.

Trò chuyện với Emdep.vn, Bình chia sẻ: “Cô Nga như người mẹ hiền thứ hai của em. Nhờ gia đình cô mà em mới có điều kiện học hành và hi vọng một tương lai tốt. Những năm cấp 3 ở nhà cô có lẽ là khoảng thời gian em không thể quên”.

Chuyện nhà giáo mê làm từ thiện

Cô Nga luôn được đồng nghiệp yêu quý.

Về động lực để làm những việc “bao đồng” đó, cô Nga chỉ nói ngắn gọn: “Vì cô cũng chỉ có một mong ước đó là tất cả mọi người đều có cơm ăn, áo mặc, các học sinh thì được học hành. Cô mong những việc làm của mình như một cánh én nhỏ, góp phần làm nên mùa xuân tươi đẹp hơn cho cộng đồng”.

Thanh Thảo

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Những sao Việt 'nên duyên' bạn thân nhờ đóng chung một bộ phim