Cô gái Việt 2 lần thi tuyển tiếp viên hãng hàng không quốc tế lớn nhất thế giới bật mí về lương 7 con số 0 và góc khuất cô đơn ít ai thấu hiểu (P.1)
Tin liên quan
Thi hai lần mới trúng tuyển
Trước khi trở thành tiếp viên hàng không, Lan Anh từng làm việc tại Đại sứ quán Chile tại Việt Nam. Tốt nghiệp khoa tiếng Tây Ban Nha, Đại học Hà Nội, cô cũng coi đây là một công việc đem lại rất nhiều triển vọng sự nghiệp.
Tuy nhiên, vốn ham du lịch nước ngoài, Lan Anh đã nghĩ đến chuyện nhảy sang một công việc khác để có thể đi khắp đó đây.
Biết tin hãng hàng không quốc tế 5 sao, một trong hai hãng hàng không quốc gia của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cùng với Etihad Airways, có trụ sở tại Dubai đang tuyển tiếp viên hàng không, Lan Anh đã bay từ Hà Nội vào Sài Gòn để thi tuyển.
"Mê mệt" bộ đồng phục của hãng là một trong những lý do khiến Lan Anh quyết tâm thi tuyển. Ảnh: NVCC
Lý do để Lan Anh “chấm điểm” ngay hãng Emirates Airlines chỉ bởi hãng có bộ đồng phục… quá đẹp! Hơn nữa, đây là hãng hàng không quốc tế lớn nhất thế giới, có tuyến bay kết nối 155 điểm đến tại 83 nước, vùng lãnh thổ. Điều đó đồng nghĩa với việc cô sẽ được ngao du rất nhiều nước trên thế giới.
Những ngày làm việc tại hãng hàng không Emirates Airlines. Ảnh: NVCC
Theo như cách nói của cô gái trẻ này thì đây là “một trận đánh lớn” vì cô vốn là kẻ ngoại đạo với hàng không, lại chưa bao giờ làm việc cho một hãng hàng không nào trong nước.
Ở lần thi tuyển đầu tiên, Lan Anh vượt qua 500 hồ sơ để đi đến vòng chung kết. Chỉ có 13 người trụ lại tại vòng thi này. Người phỏng vấn tuyển dụng Lan Anh là người Tây Ban Nha, cô tin chắc chắn rằng mình sẽ đỗ. Nhưng kết quả thật bất ngờ, Lan Anh bị đánh trượt vì người phỏng vấn tuyển dụng nhận thấy cô chưa có “tinh thần phục vụ” của một tiếp viên hàng không quốc tế.
6 tháng sau, cô thi tuyển lần thứ hai vào hãng và lần này thì thành công. “Lúc hãng gọi điện thông báo trúng tuyển là lúc mình đang ăn Tết ở nhà ông bà. Cảm giác lâng lâng, khó tả khi nghe cuộc điện thoại “vàng” đó!”, Lan Anh hài hước nói.
Đầu năm 2015, Lan Anh tạm biệt gia đình, một mình sang Dubai để dấn thân vào một hành trình mới với mức thu nhập cực kỳ hấp dẫn tới bảy con số 0, cao gấp ba lần lương “ở nhà” và đi kèm nhiều thử thách.
Công việc có view “đẹp nhất thế giới”
Để trở thành tiếp viên hàng không thực thụ, học viên phải trải qua 8 - 10 tuần đào tạo trong nhà trường. Điều đầu tiên tiếp viên hãng hàng không quốc tế cần đáp ứng được là… tiêm chủng đủ những mũi tiêm vắc xin bắt buộc.
Hòa nhập với môi trường làm việc có hơn 100 quốc tịch khác nhau là một thử thách lớn. Ảnh: NVCC
Tuy không vỡ mộng nhưng mọi thứ cũng không giống như cô tưởng tượng. “Hai tháng rưỡi đào tạo dài như ba năm học Đại học”, Lan Anh cho biết.
Đào tạo hàng không, các chuyến bay, kiến thức về máy bay, an toàn, phục vụ hành khách, cấp cứu khẩn cấp… Một lượng kiến thức khổng lồ phải nạp vào đã khiến không ít người đã phải bỏ cuộc ngay từ chặng đường đầu này.
“Ai cũng nghĩ làm nghề này chỉ cần mặt đẹp, cười xinh, chào hỏi, đi lại duyên dáng. Nhưng thật ra tiếp viên hàng không là người chịu trách nhiệm rất lớn trong suốt chuyến bay”, Lan Anh cảm nhận.
Đội hình nữ tiếp viên hàng không tại hãng hàng không quốc tế lớn nhất thế giới. Ảnh: NVCC
Mặc dù ở trong nước, cô thuộc hàng cô gái có chiều cao vượt trội. Vậy mà so với nhiều tiếp viên khác đến từ các nước khác nhau, Lan Anh thấp bé hơn. Nhưng mọi người nhìn thấy ở cô gái này sự quyết đoán, tinh thần cầu tiến và khả năng hội nhập rất tốt.
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, lần đầu tiên, một cô gái người Việt nhỏ bé được bước lên chiếc máy bay Boing máy bay B777 với sức chứa hơn 400 hành khách . Chuyến bay đầu tiên trong đời trong suốt 8 tiếng từ Dubai sang Thổ Nhĩ Kỳ, một mình với cả xe đồ ăn, nước uống cho khách hàng.
“Trong chuyến bay ấy, khi bay qua biển Đen, cơ trưởng đã gọi tôi vào buồng lái. Lần đầu tiên, tôi được tận mắt nhìn thấy biển Đen bao la, đẹp đẽ như thế!”, Lan Anh nhớ lại. Cô đã gọi đây là công việc “có view phòng làm việc đẹp nhất thế giới”.
Cô khẳng định làm tiếp viên một hãng hàng không quốc tế mặc dù có độ khó nhất định nhưng tựu chung lại, đây vẫn là một công việc rất lý tưởng với yếu tố “ba không”.
“Không quá khó, không stress, không phải đau đầu tìm kiếm khách hàng. Công việc đã có quy trình chuẩn cho sẵn, cứ thế làm bằng kỷ luật và sự tận tâm. Chỉ làm việc lúc lên máy bay, khi xuống khỏi máy bay là cắt đứt với công việc, đầu óc nghỉ ngơi hoàn toàn”, Lan Anh nhận định.
Góc khuất cô đơn của nghề ít ai thấu hiểu
Mặc dù rất yêu quý, đam mê công việc nhưng Lan Anh cũng phải khẳng định đây là công việc khá… cô đơn. Bởi một mình tiếp viên phải nỗ lực vượt qua những thử thách người ngoài ít ai mường tượng được.
Bởi cả hãng có 36.000 tiếp viên, mỗi chuyến bay lại làm việc với một đoàn tiếp viên mới nên số lần “đụng mặt” nhau chỉ tính trên đầu ngón tay. Như thế, bạn thân ở hãng lại càng hiếm hoi.
Khi công ty mở đường bay thẳng về Hà Nội, Lan Anh mới được trở về nhà. Ảnh: NVCC
Lan Anh đã từng khóc vì nhớ nhà và cảm giác lạc lõng. Mãi 9 tháng sau khi hòa nhập môi trường mới, khi công ty mở đường bay thẳng về Hà Nội, Lan Anh mới được trở về nhà.
Cô nhận ra: “Nghề nào cũng có góc khuất riêng. Chịu được thì tiếp tục, không chịu được thì phải tìm công việc khác phù hợp hơn”.
Đồng nghiệp vui vẻ nhưng kỷ luật giờ giấc khủng khiếp đến từng giây. Ảnh: NVCC
Thử thách kinh khủng nhất là kỷ luật giờ giấc. Bước ra khỏi sự chiều chuộng của ở nhà, Lan Anh “lạc” vào một môi trường quy tụ hơn 100 quốc tịch khác nhau. Mỗi dân tộc lại có một tính cách, văn hóa khác nhau và mọi người phải thích nghi với sự đa văn hóa đó.
Tất cả nhằm đảm bảo an toàn cho các chuyến bay. Ảnh: NVCC
Để đảm bảo công việc vận hành trơn tru, an toàn cho các chuyến bay, mọi thứ đều tuân theo một quy trình chuẩn tính bằng…giây. Có một lần, cô nàng đến công ty chậm mất 15 giây. Mặc dù khi check – in, cửa vẫn mở nhưng hai ngày sau bay về, Lan Anh vẫn nhận được email thông báo “bạn đã đến trễ 15 giây”. “Hãng quy định không được vi phạm đến trễ quá hai lần. Vi phạm đến lần thứ ba là lập tức bị nghỉ việc”, Lan Anh cho biết.
Bởi giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn nên một bí mật ít ai nghĩ tới là tiếp viên hàng không dễ bị…tăng cân. Họ thường thức giấc lúc 12h đêm, tới công ty là 1h sáng, trang điểm, ăn sáng vào lúc 3h.
“Thời gian đầu chưa quen, không ít bạn bị tăng vù lên 6kg. Để giữ ngoại hình đẹp, tiếp viên hàng không phải giữ thói quen tập gym, đi bộ, bơi lội mỗi khi có cơ hội”, Lan Anh bật mí.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất