“Chú lùn” 65 tuổi và hành trình tự học tiếng Anh, hai lần ghi dấu trên đất Mỹ

2019-10-05 17:06
- Chiều tối tại một cửa hàng nhỏ trên phố Hàng Cót, có người đàn ông tí hon ngồi lọt thỏm trước thềm cửa. Vóc dáng nhỏ bé của chú bị che khuất bởi những ông Tây to lớn ngang qua vỉa hè nhưng giọng nói, tiếng mời gọi thánh thót thì không thể lẫn đâu được: “Welcome to my store, chào mừng đến với cửa hàng của tôi. Tôi là “hạt thóc lép” Đinh Văn Phú".

 Ông Đinh Văn Phú (sinh năm 1955) là một người khuyết tật, cơ thể được ví như chú chim cánh cụt với chiều cao chưa tới 1m2 và cân nặng chỉ vỏn vẹn 36,5 kg.  

65 năm tuổi đời, hơn 40 năm mang trong mình những mặc cảm số phận và 30 năm nỗ lực trong hành trình mưu sinh đơn độc, ông Phú từng có lúc tin vào những lời người ta nói về mình, rằng ông chỉ là một con chim cánh cụt – một con chim không thể cất cánh bay lên bầu trời.  

Nhưng tiếng Anh đã thay đổi cuộc đời người đàn ông này. Bằng sự nỗ lực của mình, ông Phú tự học tiếng Anh và biến nó trở thành con đường để khẳng định bản thân tuy thấp lùn nhưng không hề “nhỏ bé”.  

Nỗ lực đã được đền đáp khi 2 lần liên tiếp ông được chọn là đại diện duy nhất của hội người lùn Việt Nam, được mời tham dự chương trình giao lưu Hiệp hội người lùn thế giới diễn ra tại Mỹ (năm 2009 và 2017).  

  Chú Đinh Văn Phú lớn lên với cơ thể khác người, chỉ cao 1m2 và nặng vỏn vẹn 36,5kg.    

“Họ nhìn thấy khuyết tật của tôi”  

Ông Phú là người gốc Hà Nội, sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em nhưng chỉ mình ông phải chịu ảnh hưởng của chiến tranh từ người bố từng làm chiến sỹ pháo binh. Lên một tuổi ông bị cơn sốt cao đến co giật, bệnh tình dai dẳng mãi đến năm 12 tuổi mới ổn định.  

Nhưng đó cũng là thời điểm người đàn ông này nhận ra cơ thể mình phát triển không bình thường với đầu to, chân tay ngắn và chiều cao không thay đổi nhiều dù bắt đầu bước vào tuổi dậy thì. Khi ấy, nhiều người từng gọi ông là “hạt thóc lép”, tức là hạt thóc bỏ đi, hạt thóc không thể nảy mầm.  

Lớn lên với cơ thể khác người, hành trình trưởng thành của ông Phú phải đối diện với không ít lời “thì thầm nhỏ to” về ngoại hình. Thậm chí, lúc đi học còn bị các bạn trêu chọc nhảy qua đầu nhưng không thể làm gì.  

Nhớ lại thời niên thiếu, người đàn ông này xúc động kể, bản thân từng bị từ chối hồ sơ dự thi Đại học Bách Khoa với lý do… không đủ sức khỏe. “Người ta nói: Nhỏ thế thì làm được việc gì, đi xin việc không ai nhận đâu đi học làm gì.” – ông Phú nhớ lại.  

  Ông Phú bồi hồi kể lại câu chuyện cuộc đời mình với nhiều thăng trầm    

Trong khoảnh khắc bị từ chối năm ấy, ông Phú đã khóc vì tiếc cho nỗ lực học hành mười mấy năm trời, vì dù biết bản thân có cơ thể khác người nhưng chưa bao giờ thôi cố gắng mà bấy giờ lại bị từ chối bởi lý do mà bản thân không có quyền được lựa chọn.  

Cánh cửa đại học đóng lại, vì không muốn trở thành gánh nặng của gia đình nên ông Phú lang thang khắp phố phường Hà Nội tìm việc để tự trang trải cuộc sống. Từ rửa bát thuê đến phục vụ bàn và lâu nhất là được nhận trông coi ở 1 gian hàng vải chợ Đồng Xuân.  

“Khi ấy tôi 20 tuổi, đó là những ngày khó khăn nhất trong cuộc đời, đi đến đâu cũng bị coi thường. Có lần đi ăn phở cũng bị chủ quán nghi ngờ hỏi: Anh có tiền không? Bé thế này làm gì ra tiền mà ăn phở. Nói thật, đời tôi chưa từng thèm ăn, mà chỉ thèm được học, thèm được yêu” – ông Phú chia sẻ.  

Cả một thời trai trẻ vất vả với hành trình mưu sinh đơn độc, ông Phú phải đối diện với bao nhiêu cặp mắt khắt khe của người đời. Nhưng vượt lên tất cả, ông hiểu bản thân mình có quyền được sống, và phải sống thật tốt.  

Nên cho dù bước đi có ngắn, chân đi có chậm chạp và thiếu vững vàng, ông vẫn sẽ tự bước tiếp những chặng đường tiếp theo của cuộc đời mình.  

Hiện tại, chú Phú vẫn sống một mình trong căn nhà nhỏ. Tự kiếm sống nhờ quán nước, tự chăm sóc bản thân mỗi ngày và coi lớp học tiếng Anh là nơi để gặp gỡ và bầu bạn với mọi người.    

“Tôi nhìn thấy khả năng của mình”  

Năm 1992, bố mẹ dồn hết tiền của mua cho ông Phú một căn nhà nhỏ ở mặt đường phố Hàng Cót, căn nhà chỉ rộng chừng 3m2. Chuyển về đây ở, cuộc đời người đàn ông này như mở ra ộôt trang mới, một trang nhiều hy vọng hơn.  

Bày hàng nước nhỏ, quán của ông Phú mở ra đúng thời kỳ đất nước mở cửa, mỗi ngày có hàng trăm lượt khách nước ngoài qua lại. Thấy vậy ông nghĩ: “Tại sao mình không học tiếng Anh? Năm xưa người ta từ chối không cho mình được tiếp tục đến trường thì bây giờ mình sẽ tự học, tự học để thỏa cái đam mê khám phá của mình".  

Căn nhà mặt phố chỉ rộng chừng 3m2 là nơi ở, nơi buôn bán cũng là nơi diễn ra lớp học tiếng Anh “đường phố” của chú Phú và những người bạn nước ngoài.    

Thời gian đầu việc học gặp nhiều khó khăn do đã nhiều tuổi (khi ấy ông Phú đã hơn 40 tuổi) lại phải tiếp xúc với ngôn ngữ mới nhưng chú vẫn cố gắng: Tự mua sách, tự học đánh vần từ mới… Khi ấy, hình dáng một người đàn ông “tí hon” ngồi ôm quyển vở, bập bẹ nói mấy từ tiếng Anh trở nên thật quen thuộc với người dân xung quanh Hàng Cót.  

Cứ thế đến năm 2002, may mắn trong một buổi chiều ngồi học cạnh quán nước ông Phú gặp Jim, một người Canada nhiệt tình và tâm huyết.  

Jim mến mộ tinh thần tự học của người đàn ông có ngoại hình bé nhỏ nên nhận bổ trợ tiếng Anh cho ông vào mỗi buổi chiều. Trong suốt ba tháng, quán nước trở thành lớp học và người khách hôm nào bất ngờ trở thành người thầy, người bạn ngoại quốc thân thiết của ông Phú.  

Sau khi Jim về nước, ông Phú lại tình cờ nhận được sự giúp đỡ từ nhiều “người thầy” mới. Mỗi người góp nhặt một chút kiến thức với lòng kiên trì và quyết tâm, khoảng 2 năm sau ngày bắt đầu làm quen với tiếng Anh, ông Phú đã biết sử dụng tương đối thành thạo ngôn ngữ mới.  

“Tiếng Anh đã thay đổi cuộc đời tôi. Biết tiếng Anh, tôi biết thêm được nhiều người bạn mới, biết cố gắng cho một mục tiêu mới và quan trọng hơn, tôi biết mình không vô dụng. Người ta chỉ nhìn thấy khuyết tật của tôi, nhưng chí ít, tôi đã nhìn thấy khả năng của mình, dù ít ỏi”, ông Phú chia sẻ.  

  Vì mặc cảm với cơ thể khác người nên chú không dám mở lòng với ai dù trái tim luôn khao khát được yêu thương.    

Năm 2009, bước ngoặt thay đổi cả cuộc đời ông Phú khi ông bất ngờ nhận được lời mời của chương trình Giao lưu Hiệp hội những người lùn trên thế giới diễn ra tại New York, Mỹ. Chuyến đi kéo dài trong 6 tháng, đi qua 6 tiểu bang của nước Mỹ. Tại đây, ông Phú là đại diện cho hiệp hội người lùn Việt Nam, giao lưu chia sẻ với những người chung cảnh ngộ khác trên thế giới.  

Bằng tiếng Anh, người đàn ông có dáng bé nhỏ này dõng dạc kể cho thế giới nghe về đất nước mình, về phong cảnh Việt Nam và về nghị lực sống phi thường của người Việt.  

Cảnh vật nước Mỹ hiện ra trước mắt ông Phú với đầy đủ màu sắc của sự hạnh phúc, của niềm tự hào cho những nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng. “Ngày tôi được mời đi Mỹ, tôi nói với mẹ mình là: Mẹ ơi, “hạt thóc lép” đã nảy mầm rồi”, ông Phú bật cười.  

Từ lần đầu tiên đến Mỹ (2009) đến lần thứ hai (2017) cho cùng một chương trình, ông Phú đều mang trong mình niềm tự hào của một người tuy thấp lùn nhưng không hề “nhỏ bé”. Tiếng nói đại diện cho những người khuyết tật cũng là tiếng nói của một người Việt Nam kiên cường không đầu hàng trước số phận.  

Không chỉ học tập cho riêng mình, từ năm 2010 đến nay, ông Phú duy trì một lớp học ngoại ngữ miễn phí cho học sinh, sinh viên,… đều đặn vào 5 giờ chiều thứ 6 hàng tuần. Những người bạn nước ngoài của ông thay nhau làm giảng viên còn ông luôn là một người trợ giảng nhiệt huyết.  

Lớp học kéo dài khoảng 2-3 tiếng, diễn ra tại chính quán nước vỉa hè của ông Phú, nơi ông đã từng học những chữ cái tiếng Anh đầu tiên. Ở lớp học này, học sinh không chỉ nhận được kiến thức mà còn được truyền cảm hứng từ câu chuyện cuộc đời của một người đàn ông “tý hon”, nhưng đã sống với tất cả những gì phi thường nhất.  

Theo Dân Trí

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Thượng Đế ban tặng cho 12 chòm sao khả năng vượt trội gì?