Cận cảnh cuộc sống dậy từ gà gáy và hành trang vào bản luôn phải có đèn pin, nến của thầy cô điểm trường Tin Tốc - Điện Biên
Tin liên quan
Điểm trường Tin Tốc có 30 trẻ học mầm non và 20 em nhỏ học tiểu học. Vì không có đủ cơ sở vật chất nên các cháu phải ghép học chung cùng nhau.
3 lớp mầm non là lớp bé, lớp nhỡ, lớp lớn đều học chung một chỗ nên các cô cũng hết sức vất vả để chăm sóc cho các cháu. 20 em nhỏ học tiểu học có độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 3 cũng được ghép học chung một lớp và chỉ có 1 thầy giáo đứng lớp. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn là vậy, nhưng các thầy cô vẫn rất vui vẻ, lạc quan bám trường.
Thầy Quàng Văn Sơn năm nay đã 29 tuổi, 7 năm giảng dạy thì đến 5 năm gắn bó với điểm trường tiểu học Tin Tốc. Nhiều thế hệ trẻ em trong bản đều một tay thầy uốn nắn học viết, học đọc. Những năm tháng ở đây, ăn chung ở chung cùng dân bản. Nhiều hộ gia đình quý mến thầy đến mức còn xem thầy như người nhà, người anh em thân thiết.
"Bản thân tôi cũng là người dân tộc Thái, tôi cũng thấu hiểu sự vất vả, khó khăn của dân bản nơi đây. Vậy nên suốt những năm qua, tôi luôn cố gắng để giúp đỡ những đứa trẻ để các em biết đọc, biết viết, mở mang thêm kiến thức xã hội. Nhiều em đã đi học cao hơn, về bản vẫn nhớ đến thầy" - Thầy Sơn chia sẻ vui.
Vì nhiều lớp học ghép nên thầy Sơn phải chia bảng để dạy cho các em
Nhà thầy Sơn cách bản Tin Tốc hơn 100 cây số, hầu như cuối tuần nào thầy cũng về thăm nhà, rồi lại tranh thủ mua thêm đồ ăn, vật dụng cần thiết cho việc sinh hoạt để dùng trong bản. Cái gì cũng thiếu thốn, nhất là không có điện, vậy nên hành trang vào bản luôn phải có đèn pin và nến.
Vì lương thực trong bản không có sẵn, một lần cũng không thể mang vào nhiều đồ ăn, thầy Sơn tự mình trồng một vườn rau cải nho nhỏ ở ngay sau trường, xem như là một cách tăng gia sản xuất. Cứ sau mỗi buổi học, thầy lại cần mẫn xách nước suối từ dưới đồi lên để tưới cho vườn rau xanh.
Bữa cơm của các thầy cô ở điểm trường Tin Tốc cũng khá đơn giản và ăn như các em học sinh. Vẫn nguyên tắc cũ: đồ tươi ăn trước, đồ khô ăn sau. Vậy nên bao nhiêu đồ ăn tươi sống, ngon lành đều được dồn hết vào những ngày đầu tuần, còn những ngày cuối tuần thì mâm cơm chỉ còn rau xanh, cá khô, ruốc, vừng lạc. Vòng tuần hoàn cứ như vậy diễn ra quanh năm suốt tháng.
Cô Hoàng Thị Thiện năm nay đã gần 50 tuổi, nhưng mỗi tuần vẫn nhờ chồng đèo từ nhà vào bản để bám lớp mầm non.
Khoảng sân giữa hai mái nhà tranh là nơi các em nhỏ sinh hoạt
"Đường vào bản toàn đường mòn, mình tôi không đi được, nên mỗi lần vào đều nhờ chồng đèo. Đến lúc ra khỏi bản thì lại nhờ người dân tiện đường đưa đi. Lần nào quay vào trường cũng mang theo rất nhiều mì tôm để dành" - cô Thiện chia sẻ. Vì điểm trường nằm tít trên đồi, lại không có điện đóm gì, rất vắng vẻ nên các cô cũng không dám ngủ ở lớp. Cứ chiều tối, phụ huynh đến đón trẻ hết rồi, dọn dẹp xong lớp học, 3 thầy cô lại dắt nhau xuống bản xin ngủ nhờ nhà dân.
"Hai người giáo viên mầm non chúng tôi sau khi nấu cho các cháu ăn xong thì cũng nấu cơm ăn. Bữa trưa có gì ăn nấy, vì lớp tiểu học nằm ngay bên cạnh, cũng chỉ có một thầy giáo nên 3 người ăn cơm cùng nhau cho vui" - cô Thiện kể lại.
Vì dân bản dậy đi nương từ sáng tinh sương nên đưa trẻ đến lớp từ rất sớm. Nếu ở dưới xuôi, 7h - 7h15 mới là lúc nhà trường đón học sinh thì 6h sáng đã có người dân bản đến gửi con. Vậy nên hai cô giáo mầm non cũng phải dậy từ lúc gà còn chưa gáy, ăn vội tô mì tôm rồi tất tả leo qua 2 con dốc lên đồi để mở cửa lớp đón trẻ.
Bản nằm khuất sau núi nên mặt trời cũng lặn rất nhanh, dù mới 5h chiều đã không còn chút ánh nắng nào. Đèn đóm lại không có, vậy nên mọi hoạt động của các thầy cô đều phải làm trời còn sáng. Rồi nhân lúc trời chưa tối hẳn, các thầy cô lại dắt dìu nhau xuống bản để ngủ nhờ nhà dân. Một ngày cứ như vậy trôi qua ở điểm trường Tin Tốc.
Dù nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng các thầy cô vẫn luôn tìm được niềm vui. Nụ cười của trẻ thơ khi được đến trường dường như là niềm động lực lớn nhất cho người làm nghề nhà giáo. Và cả tình yêu mến của dân bản cũng tiếp thêm nhiều sức mạnh hơn cho thầy cô.
Cô Thiện kể lại: "Vào dịp Trung thu vừa qua, các cô cũng muốn tổ chức một ngày phá cỗ nho nhỏ cho các em học sinh vậy nên có kêu gọi mỗi gia đình đóng góp 30.000 đồng, mua bánh kẹo để các con liên hoan vào ban ngày.
Đến bữa tối, các phụ huynh đóng góp thức ăn, có nhà mang gà đến, có người mang cơm xôi đến, cộng thêm thức ăn của thầy cô cũng đủ 7 mâm cho mọi người liên hoan cùng nhau. Đêm hôm, cả người dân bản lẫn thầy cô đều ăn uống, nhảy múa lửa trại rất vui vẻ và đầm ấm".
Trường lớp mới của điểm trường Tin Tốc đang được hoàn thiện, khang trang hơn, chắc chắn hơn
Dịp 20/11 này, thầy Sơn và các cô giáo sẽ lại cùng nhau đón ngày lễ ngành tại điểm trường cùng các em học sinh. Hi vọng vào một ngày không xa, khi trường lớp mới được hoàn thiện, trẻ nhỏ ở bản nghèo này sẽ có cơ hội được học hành tốt hơn, điều kiện sinh hoạt của các thầy cô cũng sẽ được cải thiện, dù tương lai vẫn còn nhiều khó khăn.
Lương Chi
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất