Bộ Y tế xác nhận trẻ mắc hội chứng đầu nhỏ đầu tiên tại VN. Các thai phụ Việt cần làm gì?

2016-10-30 13:32
- Ngày 30/10, Bộ Y tế khẳng định em bé mắc dị tật đầu nhỏ tại Đăk Lăk có liên quan tới virus Zika. Và đây cũng là trường hợp mắc dị tật đầu nhỏ đầu tiên do Zika tại Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: “Việt Nam đã ghi nhận trường hợp mắc hội chứng đầu nhỏ liên quan tới virus Zika đầu tiên. Cũng như các dị tật khác, hội chứng đầu nhỏ hiện nay chưa thể điều trị được, cách tốt nhất là phòng bệnh là chính. Đặc biệt, là phòng muỗi đốt, phụ nữ có thai hạn chế đi tới vùng có người mắc bệnh.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện nay ở Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ cho các trường hợp trẻ nhỏ mắc dị tật. Đối với trường hợp bé mắc dị tật đầu nhỏ tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk nếu thuộc vào diện dân tộc thiểu số, gia đình chính sách… thì sẽ được nhà nước có hỗ trợ nhất định.

zika

Ngày 14/10, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế  đã ghi nhận em bé  sống  tại huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi chứng đầu nhỏ. Trẻ có các biểu hiện điển hình của chứng đầu nhỏ liên quan đến Zika: vòng đầu nhỏ hơn hẳn bình thường, trán phẳng. 

Qua điều tra dịch tế cho thấy người mẹ có biểu hiện lâm sàng mắc bệnh Zika vào lúc mang thai 3 tháng. Chưa phát hiện các yếu tố có thể gây dị tật đầu nhỏ cho bé từ người mẹ như nhiễm khuẩn, tiếp xúc hóa chất độc hại, hút thuốc lá, nghiện rượu bia.

Bộ đã xem xét các vấn đề về bệnh cảnh lâm sàng, các yếu tố dịch tễ, xét nghiệm, kết quả chụp cắt lớp não bộ và dựa trên kinh nghiệm của WHO cũng như việc xác định 02 trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ do vi rút Zika tại Thái Lan. Và đi đến kết luận cháu nhỏ ở tỉnh Đăk Lăk có triệu chứng dị tật bẩm sinh mắc chứng đầu nhỏ có nhiều khả năng nghi liên quan đến vi rút Zika và cũng là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam.

 Cũng theo khuyến cáo của Bộ Y tế, vi rút Zika đã lưu hành tại Việt Nam, phụ nữ có thai cần lưu ý:

- Phụ nữ đang mang thai và dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây nhiễm vi rút Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.

- Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu có phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng sốt, đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn kịp thời.

- Phụ nữ có thai không nên quá lo lắng, thực hiện khám thai thường xuyên, định kỳ đồng thời chỉ tiến hành xét nghiệm để phát hiện nhiễm vi rút Zika khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh và có tư vấn, chỉ định của cơ quan y tế.

- Toàn dân tích cực tham gia chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy để phòng chống bệnh do vi rút Zika, bệnh sốt xuất huyết lần 2 theo Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế. Chủ động kiểm tra các dụng cụ chứa nước, loại bỏ các vật liệu phế thải không để cho muỗi truyền bệnh vào đẻ trứng, sinh sản và phát triển; chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp dự phòng dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Những điều cần lưu ý khi tắm vào mùa lạnh