Bác sĩ trải lòng về những chiếc phong bì “ân oán” trong cuộc đời làm nghề cứu người: Bi hài suýt bị người nhà bệnh nhân… đánh vì “chê tiền”

2018-04-27 17:25
- “Cầm một chiếc phong bì, cảm giác ngượng ngùng, xấu hổ”. Đó là chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Đình Liên, chuyên khoa Ngoại – Tiết niệu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội). Anh khẳng định khi người bệnh tìm cách “dúi” phong bì là đưa bác sĩ vào tình thế khó xử, thậm chí là căng thẳng, áp lực.

“Cảm giác cái tâm mình gợn”…

Dù lịch làm việc kín mít nhưng tranh thủ một buổi sáng giữa tuần vắng bệnh nhân hơn mọi ngày, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, chuyên khoa Ngoại – Tiết niệu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đã dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn kéo dài 1 tiếng đồng hồ.

Thực ra, cuộc phỏng vấn này đúng là một cuộc trò chuyện, trải lòng của người bác sĩ nổi tiếng nóng tính, thậm chí anh tự nhận mình “khá khó chịu” như “chú lùn cáu kỉnh'' trong câu chuyện nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn.

Bác sĩ trải lòng về những chiếc phong bì “ân oán” trong cuộc đời làm nghề cứu người: Bi hài suýt bị người nhà bệnh nhân… đánh vì “chê tiền”

Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong một chuyến công tác. Ảnh: BSCC

Sau khi ra trường, phải mất 5 năm nỗ lực, bác sĩ Liên mới có thể ổn định công việc. Mua nhà trả góp 3 năm mới hết nợ, anh bảo như vậy là còn “may mắn” so với không ít bác sĩ trẻ cuối giờ vẫn phải ra bệnh viện tuyến huyện khám thêm đến tận 10h đêm sau một ngày làm việc mệt nhoài.  Bởi bác sĩ muốn cải thiện đời sống của gia đình, không có cách nào khác là “lạm dụng” sức lao động của chính mình.

Công việc bận, bệnh nhân đông, áp lực nhiều, bác sĩ đã quá quen với điều đó. Thế nhưng điều khiến anh “không thể quen nổi” là những lúc bệnh nhân tìm cách “dúi” phong bì.

“Bệnh viện mời bác sĩ mổ, trả công là chuyện bình thường. Nhưng khi người bệnh đưa phong bì, tôi cảm giác cái tâm gờn gợn. Làm công việc liên quan đến mạng người, phải cẩn trọng từng chút một mà đặt nặng vấn đề tiền bạc thì không thể thoải mái, chuyên tâm được.

Tôi quan điểm rất rõ ràng, tiền không ai chê nhưng hãy nhận phong bì khi cảm thấy xứng đáng, chứ không phải là vòi vĩnh, dồn ép. Khám chữa bệnh là công việc của bác sĩ. Không có phong bì, họ vẫn làm bình thường. Chi bằng cứ vui vẻ làm. Hơn nữa, y học là nghề không ai nói trước được điều gì, đôi khi vẫn có sự hữu hạn của nó. Với mỗi ca bệnh, người bệnh khỏe mạnh xuất viện, không có sự cố, tai biến là mừng lắm rồi!”, Bác sĩ Liên thẳng thắn bày tỏ.

Khi bác sĩ tìm cách từ chối lời cảm ơn

Có rất nhiều tình huống hỉ nộ ái ố xung quanh câu chuyện "bác sĩ - phong bì". Câu chuyện xảy ra cách đây 10 năm, khi đó bác sĩ Liên đang học nội trú năm thứ nhất, anh tiếp nhận một cặp sinh viên đưa nhau đến bệnh viện cấp cứu.

Chàng trai bị đứt hãm dương vật trong lần đầu tiên làm “chuyện ấy”, chảy máu toe toét. Khâu vá xong, hai bạn trẻ ngượng ngịu đưa phong bì: “Bọn em chẳng có gì, biếu anh chút tiền uống nước”.

Bác sĩ Liên đã từ chối và bảo “Bao giờ hai đứa lấy nhau, có tiền lương, còn nhớ đến anh thì qua mời anh cốc café là được”.

Bác sĩ trải lòng về những chiếc phong bì “ân oán” trong cuộc đời làm nghề cứu người: Bi hài suýt bị người nhà bệnh nhân… đánh vì “chê tiền”

"Làm công việc liên quan đến mạng người, phải cẩn trọng từng chút một mà đặt nặng vấn đề tiền bạc thì không thể thoải mái, chuyên tâm được". Ảnh minh họa. 

Cũng năm nội trú thứ nhất ấy, anh gặp một cô bé sinh viên bị tai nạn xe máy, dập nát ngón chân. Bố mẹ cô bé có điều kiện, cứ chạy theo bác sĩ gửi phong bì. Anh đành ôn tồn nói với người nhà rằng: “Em sinh viên mất ngón đã thiệt thòi, bao giờ em nó ra trường, xin được việc, tháng lương đầu tiên, mời cháu đi ăn thì cháu sẽ đi ăn”.

Bẵng đi một thời gian, rất lâu sau khi bác sĩ Liên chuyển sang bệnh viện Việt Đức, cô bé sinh viên năm xưa giữ ngỏ ý mời bác sĩ đã điều trị cho mình một bữa cơm nhân tháng đầu tiên lĩnh lương.

Một đôi bạn trẻ khác khiến bác sĩ Liên ấn tượng rất lâu. Chàng sinh viên đang học năm cuối gọi điện cho anh cầu cứu “Anh giúp em làm thế nào để phá thai. Bạn gái mới 20 tuổi”. Dù không thuộc chuyên ngành sản phụ khoa nhưng bởi người bệnh đã tin tưởng nên anh không muốn dập tắt niềm tin đó. “Bố vợ em hắc lắm. Nếu đến với cái bụng bầu này, ông ấy đánh chết”, chàng trai sợ sệt nói.

Đến nước này, bác sĩ Liên đành làm “tư vấn tâm lý” bất đắc dĩ. Phá thai là giải pháp đơn giản nhưng hậu quả về sau vô vùng nặng nề nên anh đã động viên đôi bạn trẻ về xin bố mẹ hai bên hỗ trợ cưới xin và…nuôi cháu trong thời gian đầu. Bên cạnh đó, ông bố trẻ sắp ra trường cũng sẽ đi kiếm tiền để trang trải cuộc sống.

“Sáu tháng sau, ông bố trẻ gọi điện cho tôi báo “vợ em sinh thằng cu” và cám ơn rối rít. Có chị bệnh nhân sau khi điều trị rụt rè gửi biếu tôi một túi xoài chín cây ngọt lịm.

Tôi cho rằng sau tất cả, điều khiến bác sĩ hạnh phúc nhất là tinh thần được thoải mái, được gặp lại người bệnh của mình trong niềm vui.  Tấm lòng của bệnh nhân chân thành, không khoa trương, trân quý là ở chỗ đó”, Bác sĩ Liên bộc bạch.

Nỗi ám ảnh “bác sĩ không nhận phong bì cũng bị đánh”

Chuyện thật như đùa, nhưng đây là chuyện có thật đã xảy ra với bác sĩ Liên trong một lần cấp cứu cho bệnh nhân. Cách đây 6 năm, một ca viêm ruột thừa nhập viện cấp cứu, bác sĩ Liên trực tiếp khám cho người bệnh. Nữ bệnh nhân khoảng 40 tuổi, khuôn mặt hiền lành, có phần khắc khổ. Dù 11h đêm nhưng anh vẫn liên hệ mổ sớm cho người bệnh. Khổ nỗi, thời đó bác sĩ gây mê không trực, phải đợi họ vào bệnh viện.

Trong lúc chờ đợi, có ông gầy đét như người nghiện cứ bám theo bác sĩ Liên khi anh đi xuống hành lang của khoa. Người đàn ông nằng nặc: “Bác sĩ ơi, giúp vợ em mổ sớm nhất nhé. Đây em có tí gọi là biếu bác đêm hôm vất vả”.

Vốn quy định của bệnh viện và ghét chuyện coi mạng người bằng cái phong bì nên anh nhất quyết không nhận và giải thích cho người bệnh có bàn mổ sẽ mổ ngay. “Lúc đó, người nhà bệnh nhân tưởng tôi gây khó dễ, mặt hằm hằm, ánh mắt đỏ lên như có ý định “ăn tươi nuốt sống”, Bác sĩ Liên nhớ lại.

May mắn tới 1h sáng, bác sĩ vào gây mê. Ca mổ kết thúc thành công cũng là lúc đồng hồ điểm 2h sáng. Sau 4 ngày, bệnh nhân được xuất viện.

Người nhà bệnh nhân vẫn chạy theo “Bác sĩ ơi, vợ em xong rồi nên bác đừng từ chối”. Sự kiên quyết từ chối phong bì của bác sĩ khiến anh ta đăm chiêu tỏ vẻ không hiểu “tại sao bác sĩ “chê” tiền kinh thế!!”

Bẵng đi một tháng sau, khi bác sĩ Liên đang đi ăn sáng với một bác sĩ khác tại quán phở đối diện bệnh viện. Người nhà bệnh nhân từng tỏ thái độ “hằm hè” bỗng dưng xuất hiện, cười toe toét: “Em chào bác sĩ, theo dõi bác mãi hôm nay mới gặp bác được ở đây. Bác cho em mời 2 bác bát phở”.

Anh ta thú thật hơn tháng trước, anh mới ra tù vì tội ngộ sát.  Anh nói: “Gần 10 năm trong tù thấy Hà Nội thay đổi quá. Vợ em tần tảo nuôn hai đứa. Em về chẳng giúp được gì thì đùng cái vợ đau bụng, đưa vào bệnh viện thấy bệnh viện thì sạch, các y bác sĩ phục vụ cứ như ở khách sạn nên em cũng kinh ngạc.

Ở đâu đa phần phải có “bôi trơn” nên em nghĩ mình cứ khôn đi tìm bác sĩ mổ cho vợ để đưa trước. Thế mà em thấy bác sĩ dám chối tiền của em đây đẩy. Lúc ở hành lang em định lao vào sống chết với bác. Nhưng nghĩ mình vừa ra mà thêm cái án nữa chắc con nó lập gia đình mình mới được về, thế nên em nhịn.

May mà em nhịn. Mấy ngày vợ em ở viện được bác chạy chữa hồi phục nhanh, hết đau em mới ân hận cái suy nghĩ khốn nạn của mình. Em cũng kiếm được việc tử tế nên hoàn lương. Nay em phải tìm bằng được bác để thú thật lòng mình để tạ tội”.

Bác sĩ trải lòng về những chiếc phong bì “ân oán” trong cuộc đời làm nghề cứu người: Bi hài suýt bị người nhà bệnh nhân… đánh vì “chê tiền”

Vấn nạn bạo hành nhân viên y tế chưa lúc nào thôi nhức nhối. 

Chiếc phong bì là lời cảm ơn chân thành của người bệnh đối với vị ân nhân đã cứu mạng mình. Nhưng cũng có thể, nó trở thành nỗi oan, gây oán, mối lo cho bác sĩ. Đặc biệt là trong bối cảnh vấn nạn bạo hành nhân viên y tế còn chưa chấm dứt thì nỗi lo này hoàn toàn dễ hiểu. 

Cho đến giờ, thỉnh thoảng người nhà bệnh nhân đặc biệt này vẫn liên lạc với bác sĩ từng điều trị cho vợ mình. Còn bác sĩ Liên thì chưa bao giờ quên sự cố suýt bị người nhà bệnh nhân đánh vì… “chê phong bì”.

Thu Hà

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Sau chia tay tại sao chúng ta luôn im lặng?