Bác sĩ phá thai: “Khủng khiếp nhất là khi cho ra, bào thai vẫn còn sống”

Thu Hà 2017-10-14 11:11
- Có ngày “đỉnh điểm” tại bệnh viện công, một mình bác sĩ Lê Thị Kim Dung từng xử lý tới 47 ca phá thai. Đây là một con số khiến chính bản thân bà cũng phải giật mình. Bác sĩ lĩnh vực nhạy cảm này cũng mang nhiều nỗi niềm.

Nỗi kinh hoàng của bác sĩ sản khoa

“Làm sao để an toàn cho bệnh nhân là yếu tố được các cơ sở sản phụ khoa đặt lên hàng đầu trong mỗi ca nạo phá thai. Khi Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới thì nạo phá thai là công việc hàng ngày ở các cơ sở sản phụ khoa”, bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Phụ trách Khoa sản Trung Tâm Y Tế 178 Thái Hà đã nói như vậy khi mở đầu câu chuyện về công việc bà đã làm trong mấy chục năm qua. 

Bác sĩ phá thai: “Khủng khiếp nhất là khi cho ra, bào thai vẫn còn sống”

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, người có hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực sản phụ khoa. Ảnh: Thu Hà

Theo bác sĩ Kim Dung nhận định, “tay nghề” bác sĩ phá thai ở Việt Nam khá cao, tỉ lệ tai biến do nạo phá thai thấp do... được thực hành quá nhiều. Nhưng không phải lúc nào may mắn cũng xảy ra.

Khi còn làm ở bệnh viện công lập, có ngày “đỉnh điểm”, một mình bác sĩ Dung xử lý tới 47 ca nạo phá thai. Đây là một con số khiến chính bản thân bà cũng phải giật mình. Công việc mệt mỏi, căng thẳng, bác sĩ ở viện công có rất ít thời gian để trò chuyện với thai phụ xem tại sao họ lại bỏ thai. Công việc chỉ đơn thuần là khám, bỏ thai và hẹn lịch tái khám.

Điều khiến bác sĩ trong nghề này thấy khủng khiếp nhất là phải “xử lý” những ca thai đã lớn. “Trước kia, chúng ta có chỉ định có thể phá thai đến tháng thứ 6. Khi đó, khi ra ngoài nếu còn nguyên hình thể thì thai nhi cũng không thể sống sót nổi.

Nhưng vẫn có những trường hợp thai nhi lớn hơn, ra ngoài vẫn còn sống. Đó là giây phút khủng khiếp nhất với những bác sĩ làm công việc này. Họ không biết phải làm thế nào với cái thai ấy”, bác sĩ Lê Thị Kim Dung chia sẻ.

Mổ bụng chỉ để phá thai

Theo bác sĩ Kim Dung, đa số các bà mẹ không muốn bỏ con. Chỉ bất đắc dĩ họ mới bị động đi đến quyết định nghiệt ngã này. Quyết định đó dù đúng hay sai, phần thiệt thòi, nguy hiểm vẫn là người phụ nữ phải gánh chịu.

Câu chuyện xảy ra cách đây mấy chục năm, khi đó bà là bác sĩ tại bệnh viện công: “Người phụ nữ rất xinh đẹp đến xin phá thai đã 12 tuần tuổi vì người yêu tử vong sau một tai nạn giao thông. Để có cơ hội làm lại cuộc đời, cô đã đi đến quyết định này. Nằm lên bàn, cô gái chỉ khóc.

Nhưng điều éo le là tử cung của cô gái bất thường, không thể tiếp cận được cái thai. Hôm đó, cả bác sĩ trưởng khoa cũng xuống can thiệp mà không thể làm gì được. Mọi thứ đã dang dở như vậy, việc đình chỉ thai không thể dừng lại. Lúc này, chúng tôi buộc phải đưa cô gái lên bàn mổ, rạch bụng đẩy tử cung lên để lấy cái thai ra ngoài.

Mổ bụng chỉ để phá thai, đó là điều không bác sĩ nào mong muốn. An toàn cho tính mạng người mẹ là yếu tố chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu.Nhưng những ca nạo phá thai luôn đặt bác sĩ vào những tình huống phải lựa chọn.

Đôi khi, chúng tôi rất muốn tránh, không làm nhưng nếu như vậy, các cô gái sẽ tìm tới cơ sở phá thai chui, rất nguy hiểm”, bác sĩ Dung hồi tưởng.

Bác sĩ phá thai: “Khủng khiếp nhất là khi cho ra, bào thai vẫn còn sống”

Mới sáng sớm, bác sĩ Kim Dung đã tái khám cho người bệnh thực hiện hút thai cách đây không lâu. Ảnh: Thu Hà

Giận nhiều ông bố không cho bé gái làm người

Một lần khác, có người phụ nữ lặn lội từ Hải Phòng đến Hà Nội gặp bác sĩ Kim Dung nhờ phá thai đã 12 tuần. Bà bầu này bị nhiều cơ sở từ chối phá thai vì đã từng sinh mổ hai lần, tử cung nằm vị trí bất thường. Người bệnh lặn lội đường xá xa xôi đến tha thiết xin phá, cực chẳng đã, bà Dung đã phải quỳ dưới đất nhìn ngược lên mới có thể xử lý ca này.

Vậy mà vài năm sau, người phụ nữ ấy lại tìm đến bà nhờ phá thai. Bà đã phải thẳng thắn đặt câu hỏi: “Lần trước phá thai đã khổ sở như vậy. Lần này lại đến tiếp. Vậy sự thật là thế nào?”. 

Khi đó, người mẹ mới thú nhận đã có hai con gái. Lần này siêu âm lại ra con gái, trong khi nhà chồng ép chị phải đẻ con trai nên chị phải phá để về "săn con trai".

Quá cáu tiết, nữ bác sĩ sản khoa đã gọi người chồng vào “xạc” cho anh ta một trận. “Tôi chỉ muốn buông tay, không làm nữa. Người chồng quá dã man! Chỉ vì khao khát con trai mà anh ta đặt vợ vào tình huống nguy hiểm. Mổ đẻ đã đau đớn, giờ lại phải phá thai khổ sở”, bác sĩ Dung bức xúc.

Trong cuộc đời hành nghề của mình, bác sĩ Dung cũng đã gặp rất nhiều ca người mẹ phá thai vì lý do thai là con gái như thế. Bà cảm thấy vừa thương vừa giận mỗi khi gặp cảnh người mẹ sụt sùi đến phòng khám vì bị chồng, gia đình ép phá thai.

“Rất khó để người mẹ mở miệng ra nói với bác sĩ lý do đó. Khát khao có con trai khiến nhiều cặp vợ chồng không từ bỏ bất cứ biện pháp nào để loại trừ con gái. Ngày trước siêu âm 12 tuần mới biết là gái hay trai. Hiện lợi dụng xét nghiệm chính xác tới 99% từ tuần thứ 8, nhiều ông bố bà mẹ đã không cho con gái lên làm người, gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính như hiện nay”, bác sĩ Dung bày tỏ. 

Bác sĩ Kim Dung khẳng định để giải quyết ráo riết những nỗi đau khổ đó, cách duy nhất là chị em phải có ý thức và kiến thức tự bảo vệ bản thân.

“Cơ thể là của chị em, lúc nào có thai và giữ lại thai hay không, bản thân người mẹ hoàn toàn có thể quyết định. Nhưng để làm được điều đó, tôi cho rằng người phụ nữ cần có công việc, có thu nhập, tự chủ để không phải “sống dựa” vào người đàn ông. Hãy chủ động lấy số phận cuộc đời mình và những đứa con của mình”, nữ bác sĩ sản khoa nhắn nhủ.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


30 phút làm thon gọn và săn chắc cơ (Phần 3)