Thai nhi quay đầu khoảng bao lâu thì sinh và dấu hiệu thai nhi quay đầu mẹ bầu cần nắm rõ
Tin liên quan
Thai nhi quay đầu là một trong những tín hiệu cho thấy quá trình chuyển dạ sắp diễn ra. Vậy thai nhi quay đầu khoảng bao lâu thì sinh và dấu hiệu thai nhi quay đầu là gì, mẹ bầu cần tìm hiểu nhé.
Thai nhi quay đầu là gì?
Hình ảnh mô phỏng thai nhi quay đầu
Thai nhi quay đầu (hay còn gọi là ngôi thuận) là thuật ngữ sản khoa chỉ vị trí đầu của thai nhi chúc xuống phía dưới và phần gáy quay về phía bụng mẹ, từ đó tạo ra áp lực lên tử cung thai phụ, giúp cho quá trình chuyển dạ dễ dàng hơn.
Khi thai nhi quay đầu thì khi tử cung của người mẹ co thắt, em bé sẽ ra đời với tư thế thuận lợi, an toàn và đi qua đường vòng của hông mẹ một cách thoải mái, thai phụ cũng sẽ cảm thấy giảm đau đớn hơn.
Khi nào thì thai nhi quay đầu?
Thai nhi quay đầu sẽ giúp mẹ trải qua quá trình sinh nở dễ dàng hơn. Vậy khi nào thì thai nhi quay đầu? Theo các chuyên gia sản khoa thì
mỗi bà bầu sẽ có một thời điểm riêng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và sự co giãn tử cung của mẹ. Họ cho biết thai nhi quay đầu vào khoảng 32-36 tuần là lý tưởng nhất. Trong một số trường hợp, thai nhi có thể quay đầu muộn hơn 37 tuần, thậm chí bé có vị trí ngôi thuận khi mẹ bắt đầu chuyển dạ.
Theo nhiều nghiên cứu, khoảng 20% thai nhi quay đầu sớm hoặc muộn hơn thời điểm lý tưởng. Do đó chưa có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi khi nào thai nhi quay đầu. Và để xác định chính xác thai nhi đã quay đầu hay chưa thì người ta dựa vào siêu âm. Ngoài ra người mẹ cũng có thể cảm nhận được phần nào bằng cách để ý cử động của bé trong bụng.
Từ khoảng tuần 32 trở đi thai nhi có thể quay đầu, một số trường hợp sớm hơn hoặc muộn hơn
Dấu hiệu thai nhi quay đầu là gì?
Thai nhi quay đầu là một tín hiệu tốt giúp mẹ dễ dàng sinh nở hơn. Nhưng làm thế nào để nhận biết dấu hiệu thai nhi quay đầu? Thực tế mẹ bầu có thể nhận biết thông qua một vài dấu hiệu dưới đây.
Ấn nhẹ tay vào vùng xương mu thấy cứng và tròn
Nếu thai nhi quay đầu hoàn toàn, đầu bé sẽ hướng về phía âm đạo và tạo áp lực trực tiếp lên cổ tử cung. Lúc này mẹ ấn nhẹ vào vùng xương mu, thấy có gì cứng và tròn thì khả năng cao là đầu của thai nhi. Với thai nhi chưa quay đầu, phần mẹ sờ thấy sẽ là mông.
Vị trí nhịp tim thai nhi thay đổi
Khi bé chưa quay đầu, vị trí nhịp tim thường ở phía trên của bụng mẹ. Tuy nhiên khi đầu bé chúc xuống phần xương chậu thì vị trí nhịp tim thai cũng thay đổi. Lúc này nhịp tim mà người mẹ cảm nhận được phát ra ở vùng bụng dưới. Người mẹ hoàn toàn có thể ngồi trong phòng tĩnh lặng và tập trung xác định vị trí nhịp tim của thai nhi.
Thay đổi trong cử động thai
Những thay đổi trong cử động thai cũng là dấu hiệu cho thấy bé đã quay đầu hay chưa. Ở tư thế quay đầu, mẹ sẽ cảm thấy sự khác biệt hoàn toàn so với cử động lúc trước. Khi bé nấc hay đạp chân thì mẹ sẽ cảm nhận được âm thanh ở phần bụng dưới thay vì bụng trên như trước đây.
Siêu âm là cách xác định thai nhi quay đầu hay chưa chuẩn nhất
Siêu âm
Siêu âm là cách chẩn đoán dấu hiệu bé quay đầu một cách chính xác nhất. Nhờ hình ảnh siêu âm bác sĩ sẽ xác định được vị trí đầu thai nhi từ đó đưa ra kết luận bé đã ở ngôi thuận hay chưa. Hiện nay công nghệ siêu âm hình ảnh đã rất phát triển nên nhìn vào hình ảnh siêu âm mẹ bầu sẽ được tư vấn nhiều thông tin về thai nhi, trong đó có việc thai nhi đã quay đầu hay chưa.
Thai nhi quay đầu khoảng bao lâu thì sinh?
Như đã phân tích ở trên, từ khoảng 32 tuần trở đi thai nhi đã quay đầu. Nếu quá trình mang thai diễn ra "thuận buồm xuôi gió" và người mẹ trở dạ theo đúng dự kiến sinh thì khoảng tuần thai thứ 39 hoặc 40 em bé sẽ chào đời. Như vậy câu trả lời cho câu hỏi thai nhi quay đầu khoảng bao lâu thì sinh ở đây sẽ rơi vào khoảng 7-8 tuần. Tuy nhiên ở mỗi mẹ bầu thời điểm thai nhi quay đầu là khác nhau nên khoảng thời gian đó cũng khác nhau, không cố định ở một mức nhất định.
Thai nhi không quay đầu nguy hiểm như thế nào?
Nguyên nhân thai nhi không quay đầu
Thai nhi không quay đầu mẹ bầu dễ phải sinh mổ
Có một vài trường hợp mẹ bầu gặp tình trạng thai nhi không quay đầu. Điều này gây khó khăn cho quá trình sinh nở. Nguyên nhân chủ yếu có thể là do mẹ mang đa thai, không gian chật hẹp nên thai nhi khó quay đầu. Bên cạnh đó việc lượng nước ối quá ít hay quá nhiều cũng ảnh hưởng tới việc bé khó quay đầu. Nguyên nhân thai nhi không quay đầu còn đến từ nhau tiền đạo (nghĩa là bánh nhau bám vị trí bất thường) hay dây rốn thai nhi quá dài, tử cung người mẹ bất thường hoặc có u xơ tử cung.
Thai nhi không quay đầu nguy hiểm như thế nào?
Khi thai nhi không quay đầu sẽ mang đến một số bất lợi cho phụ nữ mang thai cũng như em bé, cụ thể:
- Người mẹ có nguy cơ sinh mổ cao, thời gian chuyển dạ kéo dài
- Mẹ bầu bị đau lưng dữ dội nhưng không phải là cơn gò tử cung
- Làm tăng nguy cơ em bé bị mắc lại trong âm đạo người mẹ và thiếu ô xy từ dây rốn.
Làm thế nào để thai nhi quay đầu?
Để có quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi và suôn sẻ hơn, mẹ bầu nên chịu khó vận động để kích thích thai nhi quay đầu. Thai phụ có thể tham khảo một số cách đơn giản giúp thai nhi quay đầu dễ dàng hơn dưới đây.
Người mẹ mang thai từ tuần 28 trở đi nên đi bộ mỗi ngày khoảng 20 phút để tạo ra những chuyển động trong khung xương chậu của mẹ bầu, kích thích thai nhi quay đầu xuống dưới.
Mẹ bầu nên đi bộ 20 phút/ngày từ tuần 28 trở đi để kích thích thai nhi quay đầu
Khi ngồi trên ghế mẹ bầu không để đầu gối cao hơn mông.
Mẹ bầu có thể tập tư thế như em bé đang bò và rướn người lên vài phút.
Khi nằm ngửa mẹ bầu không để chân cao hơn.
Mẹ bầu nên ngủ nghiêng về bên trái thay vì bên phải.
Ngoài ra, vào tam cá nguyệt thứ ba, bé bắt đầu có phản ứng với tiếng ồn từ bên ngoài. Lúc này mẹ bầu nên cho con nghe một vài bản nhạc du dương êm dịu bằng cách đặt tai nghe tại vùng xương chậu dưới. Bé sẽ dần chuyển động theo vị trí tiếng nhạc phát ra và có thể quay đầu một cách thuận lợi.
Như vậy bạn đã biết được thai nhi quay đầu khoảng bao lâu thì sinh và dấu hiệu thai nhi quay đầu thông qua bài viết này. Thai nhi quay đầu là hiện tượng thuận tự nhiên, tuy nhiên nếu trường hợp em bé "cứng đầu" thì mẹ bầu cũng không nên quá lo lắng. Y học ngày nay đã hiện đại hơn và hầu hết các trường hợp thai nhi không quay đầu hoặc ngôi ngược, có nguy cơ biến chứng sản khoa cao đều được chỉ định sinh mổ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Các mẹ bầu nên đi khám thai định kỳ, tuân theo các chỉ định của bác sĩ để trải qua thai kỳ thuận lợi.
Moon (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất