Phù chân khi mang thai: Làm thế nào để giảm khó chịu cho mẹ bầu?
Tin liên quan
Nguyên nhân khiến bà bầu bị phù chân
Phù chân khi mang thai là hiện tượng phổ biến gần như xuất hiện ở mỗi bà bầu. Nó không những gây đau khó chịu mà còn làm trở ngại việc đi lại, sinh hoạt thậm chí ảnh hưởng cả giấc ngủ của mẹ.
Sưng phù khi mang thai còn gọi là chứng phù nề, đặc biệt biểu hiện rõ rệt ở hai chân, chủ yếu do lượng chất lỏng lưu thông trong cơ thể bạn tăng lên trong thai kỳ. Nhiều mẹ bầu còn bị sưng phù ở bàn tay, cánh tay, mặt…
Bác sĩ sản khoa cho biết: “Thai nhi càng phát triển, tổng lượng máu trong cơ thể mẹ càng tăng và có xu hướng chứa nhiều chất lỏng hơn. Phần nước này khó nằm hoàn toàn trong mạch máu nên rò rỉ ra các mô xung quanh, dẫn đến tình trạng sưng tấy.
Tam cá nguyệt đầu tiên
Nguyên nhân bà bầu bị phù chân ở giai đoạn này thường là do Relaxin - một hormone sinh sản tăng cao. Nó các tác dụng nới lỏng xương chậu cho cuộc chuyển dạ sắp tới, vì vậy cũng làm tăng kích thước bàn chân của mẹ bầu.
Tuy nhiên, phù chân cũng có thể do cục máu đông ở sâu trong cơ thể (còn gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu), gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Triệu chứng kèm theo là sưng đau, đỏ và nóng khi chạm vào chỗ bị phù.
Tam cá nguyệt thứ hai
Chân bị phù, nặng nề, đau ngứa râm ran là biểu hiện phổ biến. Chủ yếu do chất lỏng tập trung về phần thấp nhất của cơ thể, nhất là khi mẹ bầu đứng lâu sẽ khiến sưng tấy trầm trọng hơn.
Tam cá nguyệt thứ ba
Giai đoạn này, tử cung ngày càng phát triển tạo áp lực lên các chi dưới, dẫn đến tình trạng sưng phù ở bà bầu càng rõ rệt hơn. Ngoài ra, trọng lượng tử cung cũng tăng gánh nặng cho hệ tim mạch, làm chậm lưu thông máu, dễ gây phù và tê chân.
Mẹ bầu nên làm gì để giảm phù chân khi mang thai?
Mặc dù phù chân khi mang thai đa số trường hợp là hiện tượng bình thường, không gây hại cho mẹ và bé nhưng nó vẫn khiến bà bầu đau nhức, khó chịu. Bạn nên áp dụng những mẹo sau đây để cải thiện.
Có chế độ vận động thể chất hợp lý
Thiếu vận động không những khiến chức năng miễn dịch suy yếu, thai nhi kém phát triển mà còn làm tăng tình trạng sưng phù khi mang thai. Vì vậy, mẹ bầu cần tùy theo sức khỏe và điều kiện mà có chế độ tập luyện thích hợp.
Mỗi ngày ít nhất 30 phút tập thể dục nhẹ nhàng, điển hình nhất là đi bộ chậm rãi giúp tăng lưu thông máu, nâng cao sức đề kháng, thúc đẩy trao đổi chất và giảm phù nề. Ngoài ra, các bài tập yoga cũng tương đối tốt cho mẹ.
Giảm lượng muối trong chế độ ăn uống
Dung nạp quá nhiều muối có thể gây giữ nước trong cơ thể, làm tình trạng sưng phù và đau nhức nghiêm trọng hơn. Bà bầu nên hạn chế thức ăn nhanh và thực phẩm cho nhiều muối. Thay vào đó hãy tăng cường rau củ quả, thịt nạc và nguồn protein lành mạnh.
Uống đủ nước
Mỗi ngày bạn nên uống từ 8 đến 12 ly nước để cân bằng tình trạng giữ nước trong cơ thể. Ngoài ra, cung cấp đủ nước cũng giúp tăng cường trao đổi chất, hỗ trợ chức năng thải độc, phòng ngừa táo bón khi mang thai.
Tắm muối Epsom
Nghiên cứu cho thấy muối Epsom có khả năng hút các chất độc ra khỏi cơ thể và giảm viêm. Tắm bằng muối Epsom có thể giúp bạn giảm đau và căng cơ ở chân. Tuy nhiên, thời gian ngâm mình với nước muối Epsom pha loãng chỉ nên giới hạn ở 15 phút.
Massage chân
Bạn có thể nhờ anh xã giúp massage đôi chân đang bị sưng phù để giảm cơn đau nhức khó chịu. Động tác xoa bóp nên nhẹ nhàng và có thể thực hiện định kỳ mỗi ngày, vừa giảm phù chân vừa thúc đẩy tuần hoàn máu, giúp mẹ bầu dễ chịu toàn thân.
Cuối cùng cần lưu ý là, mặc dù phù chân ở bà bầu là bình thường nhưng không loại trừ khả năng do cục máu đông hoặc vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy, bạn cần quan sát nếu có biểu hiện bất thường nên kịp thời đến bệnh viện để kiểm tra.
Hy vọng bài viết sẽ giúp mẹ bầu xử lý tốt chứng phù chân khi mang thai, giảm các cơn đau nhức khó chịu, đảm bảo một thai kỳ nhẹ nhàng hơn.
Thiên Khuê (Theo Family)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất