Bà bầu ăn nhiều đường có hại gì? Mẹo hay để mẹ giảm lượng đường hợp lý
Tin liên quan
Ăn đường khi mang thai có an toàn không? Bao nhiêu thì thích hợp?
Thèm ăn khi mang thai là hiện tượng sinh lý tự nhiên, trong đó có không ít mẹ bầu đều có cảm giác thèm đồ ngọt. Tiêu thụ nhiều đường khi mang thai có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn và cả em bé.
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là bạn hoàn toàn cự tuyệt đường. Mẹ bầu có thể ăn đường và các thực phẩm ngọt nếu có kiểm soát lượng dùng, đồng thời khéo léo lựa chọn thực phẩm thay thế có lợi.
Bà bầu ăn nhiều đường là bao nhiêu? Thực tế không có tiêu chuẩn cụ thể cho lượng đường tiêu thụ. Nó còn tùy thuộc vào cân nặng, lượng đường trong máu, hiệu quả trao đổi chất và sức khỏe tổng thể của bạn.
Theo ước tính, một thìa cà phê đường tương đương khoảng 4g. Các chuyên gia sức khỏe sinh sản khuyến cáo mẹ bầu chỉ nên sử dụng tối đa 25g đường hoặc ít hơn. Nếu thích đồ ngọt, bạn có thể chọn ngũ cốc nguyên hạt và trái cây để giảm tiêu thụ đường công nghiệp.
Tác hại khi bà bầu ăn nhiều đường là gì?
Ảnh hưởng đến sự khỏe mạnh của thai nhi
Mẹ bầu tiêu thụ quá nhiều các thực phẩm có đường hoặc carbohydrate có thể làm tăng lượng đường trong máu của thai nhi. Tình trạng này thúc đẩy tăng sản xuất insulin và có thể dẫn đến thai quá to, gây nhiều rủi ro nguy hiểm khi bé chào đời.
Tăng nặng các triệu chứng thai kỳ
Khi mang thai, phụ nữ thường gặp phải các vấn đề phổ biến như buồn nôn, nôn, ợ chua, chán ăn, táo bón… Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ nhiều đường có thể làm những tình trạng này nghiêm trọng hơn.
Tinh thần uể oải
Thực phẩm chứa lượng đường cao thường tạo ra hiện tượng “calo rỗng” và dẫn đến thiếu dinh dưỡng. Ngoài ra, đường huyết tăng đột ngột cũng dễ khiến mẹ bầu rơi vào trạng thái mệt mỏi, thiếu sức sống.
Tăng cân bất thường
Ngoài vấn đề thiếu hụt dinh dưỡng thì bà bầu ăn nhiều đường còn dễ bị béo phì. Cân nặng tăng quá mức khi mang thai làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, gan nhiễm mỡ, bệnh tim mạch…
Tăng nguy cơ tiền sản giật
Đường huyết tăng cao còn khiến mẹ bầu dễ bị tiền sản giật hơn so với những bà bầu ăn uống có kiểm soát. Để giảm rủi ro nguy hiểm này, bạn nên cắt giảm thành phần đường công nghiệp, thay vào đó là thực phẩm có vị ngọt tự nhiên.
Vấn đề răng miệng
Ăn uống nhiều đường cũng dễ khiến bà bầu mắc bệnh răng miệng như sâu răng, viêm nướu, nhiễm trùng miệng, nhiệt miệng… Thậm chí, ngay cả trái cây có lượng đường tự nhiên cũng cần ăn đúng cách, kết hợp vệ sinh răng miệng hợp lý.
Mẹo hay giúp mẹ bầu giảm tiêu thụ nhiều đường khi mang thai
Ăn vặt là thời điểm dễ tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa đường nhất, vì vậy bạn nên lựa chọn đồ ăn vặt cho những bữa phụ khoa học và lành mạnh hơn. Nếu không thể cắt giảm hoàn toàn đường tinh luyện thì cũng nên hạn chế bánh ngọt, kem, kẹo, nước có ga…
Trái cây là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng tuyệt vời, đồng thời có thể thỏa mãn cơn thèm ngọt của bạn mà không phải hấp thu quá nhiều đường công nghiệp. Xoài, dứa, bơ, dâu tây… là lựa chọn tuyệt vời cho bạn, tuy vậy cũng nên hạn chế dùng nước ép.
Mật ong là chất tạo ngọt tự nhiên nếu bạn thích ngọt nhưng vẫn cần kiểm soát lượng dùng để tránh tác dụng phụ. Mẹ bầu có thể tăng cường thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như ngũ cốc nguyên hạt, bột yến mạch, các loại đậu, rau xanh và trái cây.
Sữa chua giúp cải thiện khẩu vị, duy trì lợi khuẩn cho đường ruột và là món ăn vặt tốt cho sức khỏe bà bầu. Mẹ cũng đừng quên bổ sung đủ chất xơ, protein và chất béo lành mạnh để duy trì thai kỳ khỏe mạnh nhé.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tác hại khi bà bầu ăn nhiều đường, đồng thời có giải pháp điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý.
Thiên Khuê (Theo Mom)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất