Tái chế chai lọ nhựa, cô gái ở Tiền Giang làm vườn rau sạch “không tốn một xu”

2023-05-02 12:09
- Xuất phát từ mong muốn bảo vệ môi trường và có nguồn thực phẩm sạch, chị Bích Trâm quyết định thu gom các loại chai, lọ nhựa cũ để đem về tái chế thành các chậu trồng rau, tạo khu vườn “nhỏ mà có võ” lại tiết kiệm chi phí.

Chị Phan Bích Trâm (SN 1990, đến từ Tiền Giang) tuy còn trẻ nhưng luôn quan tâm đến vấn đề sống xanh và mong muốn có thể làm điều gì đó để bảo vệ môi trường. Từ suy nghĩ đó, năm 2021, chị bắt tay vào thu gom, tái chế các loại can, chai lọ nhựa và “hô biến” thành những chậu cây nhỏ xinh để trồng rau và hoa.

Ý tưởng này vừa giúp chị hiện thực hóa ước muốn bảo vệ môi trường và giữ gìn cảnh quan xung quanh, vừa cung cấp được nguồn rau sạch cho gia đình sử dụng hàng ngày.

"Thời điểm đó dịch Covid-19 bùng phát, mình có nhiều thời gian rảnh hơn nên nảy ra ý tưởng làm vườn trồng rau từ can, chai, lọ, bình nhựa,… Những vật liệu này khá dễ tìm, có sẵn tại nhà mà lại dễ xử lý, tiết kiệm chi phí. Việc tận dụng chúng để làm vườn cũng hạn chế được tình trạng xả rác thải ra môi trường", chị Trâm nói.

Tái chế chai lọ nhựa, cô gái ở Tiền Giang làm vườn rau sạch “không tốn một xu”

Góc vườn nhỏ làm từ các vật liệu tái chế của chị Trâm.

Tái chế chai lọ nhựa, cô gái ở Tiền Giang làm vườn rau sạch “không tốn một xu”

Các loại can, chai, lọ nhựa được nữ gia chủ tái chế, sáng tạo sinh động thành chậu hoa, chậu cây,...

Nghĩ là làm, chị bắt đầu thu gom những món đồ bỏ đi, không còn sử dụng trong nhà như vỏ chai nước suối, chai nước rửa bát, can nước giặt, chai dầu ăn hay ly, cốc trà sữa,...

Thậm chí, cô gái trẻ còn xin thêm phế liệu từ bạn bè, người quen và hàng xóm xung quanh để tái chế, làm thành chậu trồng cây các loại và trang trí khu vườn nhỏ quanh nhà.

"Làm vườn, trồng rau bằng đồ tái chế có ưu điểm là nguyên liệu sẵn có, không mất tiền mua nhưng nhược điểm là khó khăn hơn so với các loại chậu chuyên dụng khác.

Vì các loại chai lọ có kích cỡ không đồng đều nên mình phải xử lý, tính toán sắp xếp sao cho hợp lý để trồng được nhiều loại rau, tiết kiệm diện tích mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ", chị Trâm nói.

Tái chế chai lọ nhựa, cô gái ở Tiền Giang làm vườn rau sạch “không tốn một xu”

Một số loại rau trong khu vườn tái chế của chị Trâm.

Tái chế chai lọ nhựa, cô gái ở Tiền Giang làm vườn rau sạch “không tốn một xu”

Cô gái trẻ trồng thành công nhiều loại trái cây như dưa hấu, cóc,...

9X cho biết, trước khi trồng phải tiến hành bước xử lý, làm sạch chai lọ. Sau đó cắt ở phần đầu chai với chiều dài khoảng 1/3 vỏ chai. Riêng loại chai nhựa kích thước lớn, chị cắt làm đôi.

Tiếp đến, chị đục nhiều lỗ nhỏ dưới đáy chai trồng rau để tránh tình trạng cây bị úng nước. Cô gái trẻ cũng tạo thêm vài lỗ nhỏ ở mép chai, xỏ dây hoặc xuyên đinh qua để thuận tiện cho việc treo lên kệ gỗ hoặc đặt ở một số nơi phù hợp trong nhà.

Cách làm này giúp gia chủ có thể tận dụng mọi không gian để trồng cây, vừa tiết kiệm diện tích, vừa đảm bảo tính thẩm mĩ.

Tái chế chai lọ nhựa, cô gái ở Tiền Giang làm vườn rau sạch “không tốn một xu”

Để đảm bảo trồng trọt hiệu quả, tùy theo diện tích từng khu vực và giống cây sẽ trồng mà chị Trâm bố trí khoảng cách vị trí các chậu khác nhau.

Tái chế chai lọ nhựa, cô gái ở Tiền Giang làm vườn rau sạch “không tốn một xu”

Mỗi chai lọ sẽ được sử dụng để trồng từng loại rau với số lượng khác nhau, đảm bảo cây phát triển được, có đủ dinh dưỡng, ánh sáng và độ ẩm cần thiết.

Vì làm chậu từ đồ tái chế, kích cỡ nhỏ hẹp nên chị Trâm phải chú ý chăm sóc thường xuyên và sử dụng loại đất chuyên dụng để cây có đủ dinh dưỡng cho quá trình phát triển. Bên cạnh đó, 9X cũng bố trí tưới nước hợp lý, cung cấp độ ẩm cần thiết cho rau luôn tươi tốt.

Tái chế chai lọ nhựa, cô gái ở Tiền Giang làm vườn rau sạch “không tốn một xu”

Cô gái trẻ thiết kế vườn kiểu đứng, treo hoặc tạo các lớp không gian xếp tầng để tận dụng diện tích, trồng được nhiều rau hơn và tăng tính thẩm mỹ.

Tái chế chai lọ nhựa, cô gái ở Tiền Giang làm vườn rau sạch “không tốn một xu”

Ngoài làm vườn rau sạch, các vật phẩm tái chế từ nhựa còn được nữ gia chủ tận dụng thành chậu trồng hoa mười giờ để tô điểm không gian sống thêm sinh động, đẹp mắt.

Để quá trình trồng trọt thuận tiện và hiệu quả, chị ưu tiên trồng các loại rau theo mùa, phù hợp với khí hậu địa phương và cho thu hoạch thường xuyên như rau muống, rau cải, xà lách,…

Ngoài ra, cô gái trẻ cũng chinh phục thành công nhiều loại trái cây, quả leo giàn như dưa hấu, cóc, bí đỏ, ngô,… làm đa dạng nguồn thực phẩm sạch cho khu vườn.

Tái chế chai lọ nhựa, cô gái ở Tiền Giang làm vườn rau sạch “không tốn một xu”

Nhờ tái chế những vỏ chai nhựa bỏ đi mà 9X có thể thoải mái trồng rau trong những không gian nhỏ hẹp, tạo thành khu vườn nhỏ chẳng thiếu gì mà lại “không tốn một xu”.

Tái chế chai lọ nhựa, cô gái ở Tiền Giang làm vườn rau sạch “không tốn một xu”

Có thời điểm, khu vườn nhỏ của chị Trâm được bố trí tới 200 chậu rau, chủ yếu là cải bẹ xanh.

Tái chế chai lọ nhựa, cô gái ở Tiền Giang làm vườn rau sạch “không tốn một xu”

Những bữa cơm nhiều màu sắc, chế biến đa dạng từ các loại rau sạch trong khu vườn nhỏ mà 9X cất công thu gom phế liệu về tái chế, gây dựng nên.

Sau thời gian ngắn làm vườn một cách khoa học và dành nhiều tâm huyết, chị Trâm nhận thấy các chậu rau lên cây non đồng đều, phát triển tốt, sớm cho thu hoạch. Trong mùa dịch, gia đình chị cũng yên tâm có đủ nguồn thực phẩm sạch sử dụng hàng ngày nhờ khu vườn nhỏ làm từ vật liệu tái chế.

"Rác là nguyên nhân gây ô nhiễm, dẫn đến nguy cơ mắc nhiều bệnh nên mình muốn góp một phần sức lực nhỏ bé vào việc bảo vệ môi trường, thu gom làm sạch rác ở bất cứ đâu. Việc tái chế rác bỏ đi cũng là cách để làm đẹp cho cuộc sống. Khi làm được những điều có ích, mình thấy bản thân vui vẻ, lạc quan hơn", chị Trâm chia sẻ.

Ngọc Anh - Ảnh: Bích Trâm Phan

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Bé gái 2 tuổi rơi từ tầng 12A chung cư