Nơi từng được vinh danh "thành phố xanh quốc gia", tỷ lệ cây xanh trên đầu người "khủng" nhất Việt Nam
Huế là thành phố cổ kính, từng được nhà Nguyễn chọn làm kinh đô. Cho đến nay, dù trải qua nắng gió, nhiều thăng trầm của thời gian nhưng kiến trúc kinh thành Huế vẫn giữ được nét xưa. Địa điểm này đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến với Huế.
Huế làm người ta mê mẩn không chỉ giọng con gái Huế, món ăn ngon, các công trình đền đài, lăng tẩm uy nghi mà còn là mảng xanh của thành phố với hệ thống cây phủ kín khắp nhiều tuyến đường đưa đến sự mát mẻ, bình yên khác xa nhiều đô thị khác.
Cung đường rợp cây xanh ở Huế.
Với hệ thống cây xanh được trồng từ lâu và chăm sóc cẩn thận, cho nên dù vào tháng 6 nóng nực, đi dạo trên các cung đường trong thành phố Huế vẫn cảm nhận được sự mát rượi. Nếu ai đã đến thành phố này thì nên đi dạo ở các con đường trồng hàng cây cổ thụ của đường Lê Lợi, Lê Huân, Lê Duẩn, Đoàn Thị Điểm, Đinh Tiên Hoàng, Hai Ba Tháng Tám..
Khu vực kinh thành Huế có mảng xanh ấn tượng.
Cảnh quan xanh mát 2 bên dòng Hương.
Theo thống kê, TP Huế có khoảng 65.000 cây xanh đô thị, trong đó trên đường phố có đến 38.000 cây với tầm 60 chủng loại. Với hệ thống cây xanh dày đặc, tháng 6-2016, Huế là thành phố đầu tiên của Việt Nam được WWF vinh danh là "Thành phố xanh quốc gia".
Trước năm 1975, các cây xanh được trồng ở Huế chủ yếu là xà cừ, nhãn, long não, nhạc ngựa thì sau năm 1975 cây xanh chủ yếu là cây phân tán, tạo bóng mát như phượng vàng và phượng đỏ. Để góp phần tăng thêm màu xanh cho các cung đường, Thừa Thiên Huế đã triển khai hàng loạt mô hình như "Huế - thành phố bốn mùa hoa", "Dòng Hương trong xanh", "Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - trật tự trị an" để giữ môi trường xanh. Huế là một trong số ít thành phố của Việt Nam vẫn giữ được hệ thống cây xanh cổ thụ trên các đường phố.
Bên cạnh hệ thống cây xanh trên vỉa hè các cung đường thì những công viên trong thành phố như "lá phổi" mang đến bầu không khí thanh bình và mát mẻ. Có thể kể đến công viên Lý Tự Trọng, công viên 3/2, công viên Thương Bạc, công viên Phú Xuân dọc bờ sông Hương dày đặc cây xanh. Ngoài cây xanh, còn có các cây hoa được trồng để tô điểm thêm màu sắc cho không gian.
Với mục tiêu phát triển bền vững được ưu tiên hàng đầu, Huế chú trọng phát triển du lịch xanh, xanh hóa đô thị, xử lý nước và rác thải hiệu quả, dùng năng lượng tái tạo.
Cây xanh, mặt nước trong đô thị có thể làm giảm nhiệt độ không khí từ 3,3-3,9°C khi diện tích đất cây xanh đạt 20-50% diện tích đất đô thị. Cây xanh đô thị có thể hấp thụ từ 40-50% cường độ bức xạ mặt trời. Cây xanh đường phố có thể giảm lượng bụi trong không khí. Mỗi người dân đô thị cần khoảng 10m2 cây xanh để đảm bảo không khí trong lành cho cuộc sống.
Không gian xanh ấn tượng nhất của thành phố phải kể đến là hai bên dòng sông Hương thơ mộng. Sông Hương - núi Ngự đã đi vào thơ ca và nổi tiếng ở thành phố này. Dòng Hương không chỉ tô điểm cho thành phố thêm duyên dáng, uyển chuyển mà còn cung cấp hơi mát để xua tan nắng nóng của ngày hè miền Trung. Hai bên dòng sông Hương là thảm cỏ xanh, các cây trồng cổ thụ được chăm sóc từ lâu đời.
Không chỉ chú trong bảo vệ không gian xanh của các con đường đã có từ lâu, tại các khu đô thị mới xây dựng cũng được chú trọng xanh hóa. Ví dụ như An Cựu City, khu đô thị mới An Vân Dương, Đông Nam Thủy An, Phú Mỹ An…
Tại đây, từ khâu quy hoạch ban đầu, đến quá trình xây dựng, cảnh quan và môi trường được chú trọng bài bản. Cụ thể như khu đô thị An Vân Dương nằm trên địa bàn 2 địa phương là Phú Vang và thị xã Hương Thủy. Trong tổng diện tích có 50ha là khu bảo tồn cảnh quan bờ sông, còn lại là nơi ở và khu sinh thái nông nghiệp trồng cây cảnh, vườn ươm và hoa...
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất