Người phụ nữ Hà Nội biến dầu ăn thừa thành xà phòng, vừa tiết kiệm vừa sống xanh

2023-04-29 16:03
- Mong muốn giảm ô nhiễm, giảm tác hại hoá chất tẩy rửa và tiết kiệm chi phí, chị Hậu quyết định tái chế dầu ăn thừa thành xà phòng để vệ sinh nhà bếp, bát đĩa,… cũng như lan tỏa lối sống xanh đến mọi người xung quanh.

Chị Phạm Minh Hậu (38 tuổi, sống ở Hà Nội) được nhiều người biết đến trên mạng xã hội với dự án tái chế dầu ăn thừa thành xà phòng, góp phần lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường và tránh lãng phí.

Chị Hậu cho biết bản thân dành sự quan tâm đặc biệt tới môi trường sống nên luôn cố gắng tìm ra các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm, giảm rác thải xả ra môi trường từ chính căn bếp của gia đình.

“Xuất phát từ mong muốn bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình nên mình nảy ra ý tưởng tái chế dầu thừa, một việc mình có thể làm được”, chị chia sẻ.

Người phụ nữ Hà Nội biến dầu ăn thừa thành xà phòng, vừa tiết kiệm vừa sống xanh

Chị Hậu dành sự quan tâm đặc biệt tới môi trường sống và luôn tìm các giải pháp sống xanh, tiết kiệm (Ảnh: Hậu Phạm).

Ban đầu, chị dự tính tái chế dầu thừa, sử dụng trong gia đình. Dần dần, việc làm của chị được nhiều người biết đến và ủng hộ rộng rãi, tạo thành trào lưu sống xanh lan tỏa tới nhiều gia đình khác.

Cũng từ đây, chị thành lập dự án tái chế dầu thừa thành xà phòng, vừa giảm ô nhiễm môi trường, giảm tác hại của hoá chất tẩy rửa độc hại, vừa tiết kiệm chi phí.

Để sản xuất xà phòng từ dầu ăn thừa, chị Hậu phải thực hiện quy trình tái chế tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Thậm chí, người phụ nữ quê Nghệ An còn theo học các khóa học từ cơ bản tới nâng cao để có kiến thức rồi nghiên cứu tự tạo công thức riêng phù hợp nhằm tạo ra loại xà phòng tái chế có khả năng tẩy rửa cao.

"Các loại dầu mỡ sau quá trình chiên rán thức ăn trong gia đình, nếu không bị chiên đi chiên lại quá nhiều lần gây cháy khét, được lọc bỏ tạp chất, cặn thức ăn còn sót lại đều có thể tái chế được", mẹ đảm cho biết.

Người phụ nữ Hà Nội biến dầu ăn thừa thành xà phòng, vừa tiết kiệm vừa sống xanh

Để tái chế dầu thừa thành xà phòng chất lượng, chị Hậu phải thực hiện quy trình tỉ mỉ, đảm bảo kỹ càng (Ảnh: Hậu Phạm).

Đầu tiên, dầu thừa đã qua sử dụng phải để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nước vào để dầu không bị mốc hỏng. Muốn làm xà phòng chất lượng, chị cũng tách biệt riêng dầu chiên rán thức ăn động vật và thực vật,…

Sau đó, chị tiến hành lọc bỏ cặn, tạp chất rồi dùng các nguyên liệu như nước cất, NaOH (xút), các loại tinh dầu tạo mùi thơm theo ý thích và át mùi dầu mỡ cũ. Xà phòng được làm theo đúng quy trình, sau hai tiếng sẽ hoàn thành một mẻ.

Người phụ nữ 38 tuổi nhấn mạnh, cần phơi xà phòng nơi khô ráo, thoáng mát 30-40 ngày để đảm bảo không dư xút gây hại da tay khi sử dụng.  Nhưng nếu dùng xà phòng chỉ để cọ rửa nhà vệ sinh thì có thể sử dụng luôn vào ngày hôm sau sau khi tái chế thành công.

Thông thường, với 1kg dầu ăn nguyên liệu, thêm phụ liệu sẽ thu được 1,5kg xà phòng, tương đương 15 bánh, mỗi bánh 100g. Mỗi lần giặt giũ, cọ rửa, chỉ cần ngâm vào nước thành dạng lỏng.

"Dầu ăn thừa thường lẫn mùi tanh của thức ăn, nên xà phòng tái chế không nên dùng để tắm hay dưỡng da. Có thể ngâm cùng cà phê một ngày rồi lọc lại trước khi làm, dầu sẽ có mùi dễ chịu hơn", chị Hậu nói thêm.

Sau khi tái chế dầu thừa thành xà phòng thành công, chị còn quay video kỹ lưỡng các công đoạn, chia sẻ công thức tỉ mỉ cho bạn bè, người quen. Với những người bận rộn không thể tự làm, chị Hậu và các thành viên trong dự án còn nhận thu gom, tái chế và chuyển sản phẩm tới tay người cần sau 1-2 tuần.

Người phụ nữ Hà Nội biến dầu ăn thừa thành xà phòng, vừa tiết kiệm vừa sống xanh

Trào lưu tái chế dầu thừa thành xà phòng được nhiều gia đình hưởng ứng, hướng đến lối sống xanh, an toàn với môi trường (Ảnh: Huệ Chip).

Người phụ nữ Hà Nội biến dầu ăn thừa thành xà phòng, vừa tiết kiệm vừa sống xanh

Xà phòng sáng tạo từ dầu dừa cũng nhận được nhiều sự quan tâm nhờ tính an toàn và thân thiện môi trường (Ảnh: Queenie Zeng).

Thậm chí, trong mùa dịch Covid-19 kéo dài, việc vận chuyển bị đình trệ, không thể gửi dầu ra ngoài Hà Nội. Để tránh quá tải, đảm bảo an toàn cháy nổ, chị Hậu thành lập các điểm thu nhận và tái chế ở từng khu vực, gọi là trạm tái chế vệ tinh. Các đầu mối này được chia sẻ lại kiến thức để hướng dẫn lại cho người khác, đồng thời tiếp nhận dầu thừa mang về tái chế và cho ra thành phẩm.

Thông qua dự án, chị Hậu mong muốn có thể lan tỏa lối sống xanh, truyền đi thông điệp hạn chế rác thải tới mọi người để cùng chung tay bảo vệ môi trường sống, mang đến bầu không khí trong lành, sạch sẽ.

Ngọc Anh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


6 cung hoàng đạo để quá khứ ám ảnh mối quan hệ hiện tại