Trường học không phải nơi người lớn cố tạo những bất ổn trong đầu trẻ

2015-08-20 15:18
- Tôi hiểu là với một chương trình học chưa hoàn thiện, với những buổi đến lớp của con chưa thực sự hài lòng, thay vì ta cứ dạy con mình nhìn xoáy vào những nỗi bất an,... thì hãy dạy con coi nhẹ những thứ nặng nề...

Những ngày bọn trẻ chuẩn bị bước vào năm học mới, hôm nào tôi cũng thấy bạn bè mình chia sẻ những câu chuyện quanh vấn đề đi học, quanh việc chọn lớp chọn trường. Ngày nào cũng thấy "new feeds" trên facebook nổi lên những bài viết từ ý kiến cá nhân đến góc nhìn chuyên gia, từ nhiều nguồn khác nhau. Người khen kẻ chê. Rồi lại thêm cả chuyện có cậu bé chê bai, “mắng mỏ” ngành giáo dục; có cô nhà văn khẳng định Bộ giáo dục cũng không hề có lỗi, lỗi nằm ở dư luận đang đòi hỏi những tiêu chí không đúng cho con mình… Có người bạn hỏi tôi xem có nên chuyển nhà để đến gần một trường quốc tế cho con đi học ở đó, cho thuận tiện không? Có người khác lại hỏi, có nên vay mượn đầu tư để con đi du học? Một chị bạn tôi tâm sự, chị quyết định ra nước ngoài định cư, để bọn trẻ không phải học phổ thông trong nước. Có người bạn khác không chuyển trường cho con, cũng không có tài sản gì để bán mà cho con du học (vì nhà còn đi thuê) thì đang ngồi thản thở, kêu ca đầy nỗi bi ai thất vọng, về việc đáng lẽ theo chị ấy thì con trẻ không cần gò lưng luyện chữ, cũng chẳng cần phải chịu đựng những giáo điều nặng trịch, chị đọc những bài viết được share trên mạng xã hội và so sánh với rất nhiều lo lắng...

Tất cả, làm cho mùa tựu trường năm nay thành một chủ đề không thể “hot” hơn!

Tôi nhìn "bạn nhỏ" của nhà mình - cô con gái chuẩn bị vào lớp một; thực sự, tôi không muốn chính mình và con mình phải nghĩ ngợi nhiều thế đâu!

Trường học không phải nơi người lớn cố tạo những bất ổn trong đầu trẻ

Dù rằng tôi cũng chẳng giản đơn được như cô nhà văn nọ, cố tình cho rằng mọi thứ đều tốt đẹp. Cố tình tô hồng lên hiệu quả của chương trình giáo dục phổ thông. Nhưng chắc tôi không định cực đoan để lu loa những điều bất ổn, mắng mỏ những người có trách nhiệm theo kiểu rất chung chung, bảo người ta không làm được thì nên từ chức. Bởi vì tôi biết, tô hồng mọi sự cũng không thể nào cải tạo được những hiện thực nhãn tiền. Nhưng nói quá nhiều về những điều bất ổn cũng không làm cho chúng ta có cuộc sống tốt đẹp được ngay!

Có lẽ mỗi người nên có một “vùng đệm” an bình. Tôi nhớ đến cách lọc nước của ông bà tôi ngày trước - tức là xây một cái giếng lọc. Nó khác với giếng khơi ở chỗ, nếu như giếng khơi tiếp nhận trực tiếp nước từ mạch đất thì giếng lọc có thêm “hào lọc”. Trong những hào lọc này có sỏi và cát. Nhằm mục đích lọc lại phần nước nhiễm mặn, nhiễm phèn… thành nước sạch để dùng. Tôi nghĩ, hào lọc nước dành riêng cho những chiếc giếng lọc ấy cũng giống như cái vùng đệm an bình cho “giếng tâm hồn” của chúng ta. Chúng ta không thể cứ tiếp nhận mọi thứ và để cho những điều vẩn đục ấy khuấy động mình lên. Ta buộc phải chấp nhận một sự thật là ta cần nước, và nước sạch quanh ta có thể đang nhiễm phèn. Ta hiểu như vậy để ta kiên nhẫn chắt lọc, để gạn đục khơi trong thay vì ta tiếp nhận mọi điều vẩn đục và để những điều ấy khuấy động tâm hồn mình lên, thậm chí chiếm chỗ của tâm hồn và điều khiển ta.

Tôi hiểu là với một chương trình học chưa hoàn thiện, với những buổi đến lớp của con chưa thực sự hài lòng, thay vì ta cứ dạy con mình nhìn xoáy vào những nỗi bất an,... thì hãy dạy con coi nhẹ một số thứ. Một đứa trẻ biết coi nhẹ những thứ nặng nề sẽ khiến nó trưởng thành tốt hơn là một đứa trẻ sớm biết học cách kêu ca và oán trách. Tôi không hề phủ nhận giá trị của một nền giáo dục tiên tiến đến tâm hồn con trẻ, nhưng tôi không muốn “đầu độc” con mình nhiều hơn bằng suy nghĩ rằng mọi thứ đang rất tệ. Dù sao thì với viêc đề ra những yêu cầu phù hợp, giúp con tìm hiểu thêm về thế giới qua những kênh phù hợp, tâm sự và lắng nghe con bằng cách thức phù hợp, tôi vẫn tin rằng con tôi không bị lạ lẫm, ngơ ngác về kiến thức xã hội, dù chương trình học trong nhà trường có nặng nề, mệt mỏi đến đâu.

Dù sao đi nữa, trong hoàn cảnh nào, con cái chúng ta vẫn có thể trở thành người tốt và không bị mất đi năng lực học hỏi của mình vì những thói quen nhàm chán trong trường học nếu chính chúng ta – những người làm cha mẹ, biết cách làm con mình bình an. Bình an chứ không phải cố gắng nhồi nhét và phân tích nhiều hơn…

Có lẽ, giữa một thế giới còn vô số những điều bất ổn, tôi nghĩ, những người làm cha mẹ đừng tạo thêm những nỗi bất ổn lớn hơn trong gan ruột con mình! Đừng biến các em trở thanh “cái máy” đổ lỗi và chỉ trích.

Nguyên Ân
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Bài tập đơn giản giúp cải thiện tình trạng gù lưng ngay tại văn phòng