Trẻ bị ốm mà nôn trớ là do nguyên nhân này, bác sĩ BV Nhi Trung ương chỉ rõ cách để bố mẹ xử trí

2018-01-13 15:00
- Thời tiết lạnh trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Nếu cha mẹ không biết chăm sóc đúng cách, có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

Cần làm gì khi con bị sổ mũi

Ths. BS Lê Ngọc Duy, Phó Trưởng khoa Cấp cứu Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, thời tiết với nhiệt độ hạ sâu cộng thêm độ ẩm cao tạo điều kiện cho các vi khuẩn, vi rút, nấm mốc phát triển dễ gây ra bệnh hô hấp cho trẻ nhỏ (sổ mũi, ho, sốt…).

Trẻ nhỏ bị viêm đường hô hấp nếu được chăm sóc sẽ nhanh khỏi, giảm được biến chứng. Trẻ bị sổ mũi do có dịch quánh dẫn tới nghẹt mũi, tắc mũi. Để có thể thông thoáng mũi cho trẻ cần phải dùng khăn mềm, khô. Dùng nước muối sinh lý nhỏ vào từng bên lỗ mũi để làm loãng dịch, sau đó dùng dụng cụ để hút sạch dịch mũi.

Trẻ khi bị sổ mũi  thường bị nôn trớ là do dịch trong mũi nhiều, quánh và dính. Vì vậy, để tránh nôn trớ cần phải làm thông thoáng mũi của trẻ trước khi bú hoặc trước khi ăn.

chăm sóc bệnh nhi viêm đường hô hấp

Lưu y cần phải giữ ấm cho trẻ nhỏ, ăn đầy đủ dinh dưỡng.

Chuyên gia khuyến cáo, khi trẻ bị sổ mũi cần phải làm sạch mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý không dùng miệng hút dịch. Vì trong khoang miệng người lớn có rất nhiều vi khuẩn có thể lây nhiễm sang trẻ nhỏ. Không dùng bất cứ biện pháp dân gian như nhỏ tỏi, nhỏ thuốc lá có thể gây tổn thương niêm mạc mũi ở trẻ nhỏ, cha mẹ nên bế cao đầu trẻ hoặc kê gối cao khi trẻ nằm ngủ.

Nếu trẻ nhỏ có kèm theo sốt nhẹ (dấu hiệu của viêm đường hô hấp trên) cần cho trẻ nằm phòng thoát mát, mặc quần áo mỏng cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú nhiều, chỉ cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt cao 38,5 độ C.

Ho không tùy tiện dùng thuốc

Khi chăm sóc trẻ nhỏ bị ho không nên tùy tiện sử dụng thuốc ho lúc chưa có ý kiến của bác sĩ. Ho là triệu chứng của viêm đường hô hấp dưới nhiều hơn. Ho trong viêm đường hô hấp trên có thể do tăng tiết dịch nhiều đờm dãi, co thắt đường hô hấp trên. vì vậy không nên tự ý sử dụng thuốc.

Bác sĩ Duy cho hay: “Cách đây không lâu khoa đã tiếp nhận bệnh nhi 2 tháng tuổi bị ho, nhưng bố mẹ chủ quan không đi khám, chỉ cho uống si rô ho tại nhà. Khi bệnh nhi tiến triển nặng, người nhà đưa tới viện đã bị tử vong do suy hô hấp”.

Khi chăm sóc trẻ nhỏ, nếu thấy trẻ sổ mũi, ho, nôn nhiều cần phải đưa đi khám ngay lập tức. Cha mẹ cần phải xử lý đúng cách khi trẻ nôn như sau: cho trẻ nằm nghiêng, làm sạch chất nôn trong miệng, mũi, họng trẻ và thay quần áo cho trẻ. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc chống nôn khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Cha mẹ lưu ý hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh, tránh các yếu tố hại cho đường hô hấp (khói, bụi…).

“Để phòng ngừa bệnh đơn giản và hiệu quả giữ ấm cơ thể cho trẻ, khi ngủ cần giữ ấm vùng cổ. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, duy trì môi trường sống thông thoáng, tránh ẩm thấp và nơi đông người. Chú ý vệ sinh, ăn chín uống sôi để đề phòng bệnh tiêu hóa và bệnh ngoài da. Bên cạnh đó, cần phải tiêm phòng đầy đủ và nếu có biểu hiện của bệnh nên khám bác sĩ nhi khoa sớm để tránh bị biến chứng nặng”, bác sĩ Duy khuyên.

Đối tượng trẻ dễ bị mắc các bệnh trong những ngày lạnh gía là trẻ dưới 1 tuổi, trẻ sinh non, trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, trẻ có suy giảm miễn dịch, trẻ sau mổ… Ngoài ra, trẻ sống ở môi trường nhà chật hẹp, ẩm thấp, tiếp xúc, vệ sinh kém…cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Theo ghi nhận tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca nhập viện trong những ngày giá rét tăng, trung bình một ngày bệnh viện tiếp nhận 3.000 lượt khám. Trong đó, chủ yếu là bệnh nhi mắc bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa.

Ngọc Minh 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Tình yêu chân thật là yêu nhau một đời vẫn chưa đủ...