“Tôi nuôi con theo cách của tôi”

An Nhiên 2014-11-13 09:12
- Phải, "mới" hay "cũ", cực đoan hay không, đừng vội quan tâm đến. Hãy cứ để bản năng làm mẹ được lên tiếng, bởi vì, miễn sao cả mẹ, cả bé đều cảm thấy hài lòng, thoải mái là được.
Như rất nhiều bà mẹ nuôi con nhỏ khác, tôi cũng nhiệt tình tham gia các hội, nhóm, diễn đàn,... trên facebook, để học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm nuôi dạy, chăm sóc con cùng các mẹ khác. "Friendlist" của tôi cũng có đủ mẹ nuôi con kiểu Tây lẫn kiểu ta, có cả mẹ ở Việt Nam lẫn các mẹ sinh sống ở nước ngoài. Tôi cũng đọc không ít tài liệu về nuôi con kiểu này kiểu kia từ báo mạng, từ các "group", "forum"… Và chứng kiến không ít “cuộc chiến” bất phân thắng bại của các mẹ trên thế giới ảo, với đề tài muôn thuở: Làm sao nuôi con tốt nhất! Bởi tuy có chung mục đích, nhưng mỗi mẹ lại có cách nhìn nhận khác nhau về những phương pháp nuôi dạy con, nhất là những phương pháp mới hiện nay.

Vậy có thể các mẹ sẽ đặt câu hỏi rằng, tôi nuôi con theo cách gì sau những tìm hiểu đó? Có thể bạn sẽ nói tôi ba phải khi tôi trả lời: “Tôi nuôi con theo cách của tôi”. Và cách của tôi là gì ư? Là những điều tôi học được từ các tài liệu, từ kinh nghiệm thực tế của các mẹ và từ chính những cảm nhận của bản thân tôi về con. Nuôi con kiểu mới hay kiểu cũ, thực ra, mỗi cái đều có những ưu nhược điểm của nó, quan trọng là góc nhìn của bạn thôi. Tôi rất tâm đắc câu nói của một mẹ nào đó mà tôi đã đọc được: "Khi làm mẹ, bạn sẽ nhận ra rằng có những điều không thể phân biệt được rạch ròi rằng đâu là đúng, đâu là sai - đâu là tốt, đâu là không tốt, mà chỉ có đâu là phù hợp, đâu là không phù hợp, đâu là thoải mái, đâu là mệt mỏi. Cho dù bạn chọn cách nuôi con như thế nào, cho dù quan điểm của bạn có trái ngược hoàn toàn với của tôi nhưng bạn và con bạn cảm thấy ốn và hài lòng với điều đó, là được..."

 


"...Miễn sao cả mẹ, cả bé đều cảm thấy thoải mái là được".


Cực đoan hay không cực đoan?

Mọi thứ khi đã trở nên “quá” thì đều dễ trở thành cực đoan. Thực ra, phải nói rằng, khi nhiều mẹ đang chắt lọc những tinh hoa từ phương pháp mới trong việc rèn con ăn, ngủ, thì cũng không ít người thể hiện thái độ quá ư tôn sùng phương pháp đến mức ép buộc bản thân, người nhà và thậm chí cả con nhỏ phải theo “kỷ luật” do mẹ đề ra. Chúng ta đều biết rằng, trẻ em có những giai đoạn phát triển tương đối giống nhau, nhưng không hẳn đứa trẻ nào cũng giống đứa trẻ nào. Mỗi bé là một cá thể, một cá tính, vì thế, trong khi tiếp cận phương pháp mới, chúng ta cũng cần chắt lọc và tôn trọng trẻ.

Tôi đã chứng kiến rất nhiều bà mẹ trẻ tiến bộ rèn con theo phương pháp mới và đã thành công vì biết cách tiếp thu và tôn trọng trẻ. Chẳng hạn, một bà mẹ trẻ, mặc dù định hướng theo phương pháp BWL (Baby led weaning - ăn dặm tự chỉ huy), nhưng trước đó, cô cũng đã không ngại thử qua phương pháp cho con ăn theo cách truyền thống – xúc thìa. Chỉ khi bé không hào hứng và tiếp nhận việc xúc thìa thì cô mới bắt đầu cho con theo phương pháp mới, và quả là bé đã rất thích.

Bởi thế, cực đoan hay không, cũng không thể vơ đũa cả nắm, cái chính là cách thực hiện ở mỗi người. Tuy vậy, với các bà mẹ theo phương pháp chăm sóc con kiểu mới, để tránh trở nên “cực đoan” và tạo thái độ “thù địch”, nên chăng, hãy làm công tác tư tưởng với chồng, với gia đình và người thân để mọi người hiểu và chia sẻ. Và trên hết, hãy quan sát con, để giúp con dễ chịu nhất trong việc ăn, ngủ hay học hành...

>>> Xem thêm: Tranh cãi: Nuôi con kiểu thực dưỡng có nhẫn tâm với trẻ?

Nuôi con bằng bản năng của người mẹ

Tôi biết, dù theo phương pháp nào, người mẹ đều muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Không người mẹ nào mong muốn ép bé ăn, khiến bữa cơm hàng ngày trở thành nỗi sợ hãi, cũng chẳng người mẹ nào lại thích con mình cô đơn, càng không hề thích “đối đầu” với người thân trong việc rèn con trẻ. Đôi khi, chính những bà mẹ cũng cảm thấy rất cô đơn trong cuộc chiến nuôi dạy con này.

Với phương pháp mới, chúng ta dạy con tự lập, tự chủ với cuộc đời từ rất sớm. Các bà mẹ theo phương pháp này hơn hết, đều mong muốn con được lựa chọn những gì mình thích và phát huy sở trường. Đây là những gì thực sự rất đáng học hỏi. Tuy vậy, tùy theo từng bé, mẹ hãy lắng nghe xem bé sẵn sàng ở mức độ nào và cần điều chỉnh những gì cho phù hợp, không răm rắp theo “lý thuyết”, chắc chắn, sẽ chẳng ai bảo bạn “cực đoan” hết. Chẳng hạn, để bé khóc vài phút rồi bé chìm vào giấc ngủ, thế nhưng nếu bé khóc quá lâu, bạn cũng cần tìm hiểu lý do nhé. Việc bế bé và hát ru âu yếm cũng tuyệt vời lắm. Bé sẽ cảm nhận được rất nhiều tình yêu thương và sự ấm áp từ mẹ đấy.

Còn chuyện bế ẵm bé suốt ngày, bé vừa khóc đã chạy vội bế lên thì đương nhiên không nên rồi. Ngay cả việc đi rong cho con ăn cũng chẳng thú vị chút nào. Các mẹ theo phương pháp nuôi dạy con truyền thống cũng nên thay đổi, cũng như hướng ông bà điều chỉnh việc chiều chuộng bé quá mức để bé không “rịn” hơi và suốt ngày mè nheo bắt bế.

Hay như việc con tự chọn thức ăn hay mẹ xúc cho các bé, tùy từng hoàn cảnh, từng bé mà chúng ta áp dụng, miễn là các bé khỏe mạnh và hạnh phúc. Không hẳn chúng ta xúc cho các con thì các con sẽ kém tự lập đâu, giáo dục còn là một con đường dài cơ mà, những năm đầu đời quan trọng nhưng không phải là tất cả.

Đấy là nói về việc chăm sóc, nuôi dạy con. Còn về những “cuộc chiến” giữa các bà mẹ hay việc nói xấu mẹ chồng, nói xấu người này người kia, "group" nào cũng có hết, bà mẹ “nào đó” cũng không nên cực đoan và quy chụp nhé.

Chúng ta đều mong các con nên người, vì thế, các mẹ ơi, quan trọng nhất là hãy lắng nghe bản năng của mình và lắng nghe chính con mình nhé. Tôi “góp vui” vài ý kiến vậy thôi, không có ý “gây chiến”, vì dẫu sao, tôi cũng đang dạy con theo những gì tôi cảm nhận và nghĩ là đúng, theo cách của tôi.

An Nhiên
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


'Gà cưng' một thời của Vũ Khắc Tiệp: Người gánh nợ tiền tỷ cho mẹ ruột, kẻ sung túc bên chồng đại gia