Nguy hiểm khi các mẹ chữa bệnh cho con qua... mạng

2016-11-28 16:12
- Vì thiếu kiến thức, vì liều lĩnh… nhiều bậc cha mẹ vô tình làm hại con trẻ khi sử dụng những “mẹo” vô căn cứ để chữa bệnh cho con. Tệ hơn, khi những mẹo truyền tai ấy được nhiều người chia sẻ và vô tư áp dụng.

Bất chấp những khuyến cáo của bác sỹ, rất nhiều cách tự chữa bệnh cho con được các ông bố, bà mẹ truyền cho nhau vô tình gây hại cho bé. Chẳng hạn, trên một diễn đàn dành cho phụ nữ, một thành viên đã nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm giúp bé sơ sinh bớt khóc đêm, đó là cho bé uống một loại thuốc ho của Pháp – không cần biết bé có bị ho hay không, và thuốc có do bác sĩ chỉ định hay không.

“Cách dùng như sau: trước khi đi ngủ khoảng 9h tối các bạn cho bé uống 5ml… chỉ mấy ngày như vậy thôi là bé quen giấc ngay…” – thành viên này chia sẻ.

Người này còn nhiệt tình cho biết, bản thân đã áp dụng cho các con mình, thấy hiệu nghiệm, đồng thời cũng đã “mách” cho nhiều mẹ và kết quả rất khả thi. Bên dưới bình luận của các mẹ phần đông là hào hứng hỏi tên thuốc với tinh thần học hỏi để dùng cho con mình!

Ngoài truyền tai các loại thuốc uống, thuốc bôi tự chế, các mẹ còn truyền tai nhau nhiều cách đắp lá chữa bệnh cho con, phổ biến khi trẻ bị mụn nhọt, rôm sảy…

mẹo chữa bệnh

Cha mẹ tuyệt đối không nên áp dụng những cách trị bệnh chưa được khoa học khẳng định, nên đưa trẻ đi khám bác sĩ khi có vấn đề về sức khỏe để được hướng dẫn điều trị

Chị Thu Hồng – (Hà Đông, Hà Nội) tâm sự, cũng vì tin lời chữa “mẹo” mà chị đã phải hối hận thật nhiều.

“Lúc đó là mùa hè, bé nhà mình mới được 3 tháng tuổi thì có dấu hiệu mẩn ngứa, nổi kê khắp lưng, ngực và mu bàn tay. Nghe lời hàng xóm mách tắm chanh cho bé sẽ đỡ, nên mình đã pha chanh vào nước để tắm bé không chút băn khoăn. Kết quả là ngay trong lúc tắm và sau tắm, bé đã khóc, ưỡn rất nhiều. Chỉ sau vài giờ thì mình phát hiện, không chỉ các phần da bị kê càng mẩn đỏ dữ dội, mà ngay những chỗ da nhạy cảm trên cơ thể bé như cổ, bẹn, ngấn chân… cũng có dấu hiệu đỏ rát. Đến tối thì ngấn cổ của con có dấu hiệu bị loét da… bé quấy khóc có lẽ vì đau, rát” – chị Hồng nhớ lại.

Kể từ đó, con có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, người mẹ cũng không dám tùy tiện chữa “mẹo” mà thường mang con đến ngay bệnh viện gần nhà để khám và điều trị.

Tại Khoa Chỉnh hình – Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), mỗi tháng các bác sĩ thường tiếp nhận vài trường hợp các bé nhập viện do gia đình tự đắp lá, đắp cao khi trẻ bị thương, gây viêm tấy lan rộng, thậm chí tạo thành ổ áp – xe. Có những trường hợp bệnh nhân vào viện khi vết thương đã bị nhiễm trùng huyết, hoại tử, phải cắt bỏ chi vì biến chứng nặng…

Đây là những bài học đắt giá, cảnh tỉnh các bậc làm cha, làm mẹ đang có con nhỏ. Cha mẹ tuyệt đối không nên áp dụng những cách trị bệnh chưa được khoa học khẳng định, không nghe theo những kinh nghiệm truyền tai hay tùy ý dùng thuốc cho con mà không có ý kiến của thầy thuốc để tránh những hậu quả khó lường cho con.

Trong một số trường hợp bé bị bệnh nhẹ, vẫn ăn, ngủ, chơi tốt và tươi tỉnh, cha mẹ có thể theo dõi, chăm sóc tại nhà bằng cách tuân theo nguyên tắc cho bé ăn đủ - bú đủ - uống đủ nước, giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ.  

Quỳnh Anh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 mỹ nhân Hàn từng bị tố mắc bệnh ngôi sao: Song Hye Kyo yêu sách, Jeon Ji Hyun chảnh chọe