Mẹ trầm cảm giết con trai và cháu gái rồi tự tử: Khi căn bệnh bỗng biến thành ÁC QUỶ ám ảnh phụ nữ

2018-07-21 11:00
- Người mẹ mắc chứng bệnh trầm cảm siết cổ giết con trai 8 tuổi và cháu gái 6 tuổi ở một tòa nhà thuộc chung cư Thanh Hà khiến dư luận bàng hoàng. Nhiều người giật mình khi nghĩ đến căn bệnh âm thầm mà đáng sợ này.

Chưa bao giờ, căn bệnh trầm cảm lại đáng sợ như những ngày gần đây. Liên tục các vụ án mạng xảy ra khiến dự luận đau đớn, xót xa. Một cô giáo mang bầu 7 tháng trầm cảm nhảy cầu tự tử, người mẹ giết con trai 5 tháng tuổi vì trầm cảm sau sinh... Và một vụ án vừa xảy ra khiến ai cũng bàng hoàng.

Theo đó, vào chiều tối qua (20/7), một vụ án mạng đau lòng xảy ra tại căn chung thuộc khu đô thị Thanh Hà, Thanh Oai, Hà Nội. Một người mẹ mắc chứng trầm cảm đã giết hại con trai 8 tuổi và cháu gái 6 tuổi rồi chạy lên tầng thượng đòi tự tử. 

Mẹ trầm cảm giết con trai và cháu gái rồi tự tử: Khi căn bệnh bỗng biến thành ÁC QUỶ ám ảnh phụ nữ

Vụ án đau lòng xảy ra tối qua tại tòa chung cư thuộc khu đô thị Thanh Hà, Hà Nội

Người dân tại khu chung cư cho biết, sự việc bắt đầu từ lúc 18h cùng ngày, khi họ nghe thấy tiếng hét lớn phát ra từ căn chung cư của nghi phạm Hoàng Thị Sen rằng "tôi giết con rồi". Ngay sau đó, người phụ nữ này trèo lên tầng thượng có ý định tự tử nhưng đã được hai bảo vệ đưa xuống. Khi xuống chị này cho biết: "Tôi giết con tôi rồi".

Ngay sau đó, lực lượng bảo vệ đã chạy lên phòng của người phụ nữ này để kiểm tra và choáng váng khi phát hiện xác một bé trai đã lạnh trong chiếc bao tải và một bé gái nằm trong tấm chăn bông. 

Có lẽ, vụ việc này chính là lúc báo động mọi người cần cảnh giác và nhận thức rõ hơn về căn bệnh âm thầm mà đáng sợ này. Đúng như nhiều người nói, TRẦM CẢM biến người mắc bệnh thành ÁC QUỶ không kiểm soát được hành vi của bản thân.

Mẹ trầm cảm giết con trai và cháu gái rồi tự tử: Khi căn bệnh bỗng biến thành ÁC QUỶ ám ảnh phụ nữ

Những người mẹ mới sinh con dễ mắc chứng trầm cảm nhất. Ảnh minh họa

Tôi cũng là một người mẹ và từng rơi vào cảm giác đau buồn, chán nản bản thân, chán ghét những người xung quanh. Thậm chí có lúc, tôi rơi vào tình trạng "căm thù" con trai của mình. Đã có lúc, trong ý nghĩ, tôi muốn chồng chết đi, muốn giết con khi nghe tiếng nó khóc, quấy quả suốt đêm.

Khi ấy, mẹ đẻ ở xa, một mình thức đêm chăm con, ngày chịu đủ áp lực từ những lời quở trách của mẹ chồng, u uất vì kêu mệt nhưng chồng dửng dưng đáp lại: "Có phải mỗi mình cô đẻ đâu mà kêu", và thiếu thốn tiền bạc chi tiêu khi nghỉ sinh ở nhà nhưng lại mang tiếng "ăn sung mặc sướng, chỉ mỗi việc ở nhà chăm con".  

Nhưng may mắn, tôi đã vượt qua được giai đoạn đó nhờ tâm sự mọi điều với một người bạn. Khi ấy, tôi còn thầm nghĩ, người bạn đó chính là ân nhân, tri kỷ, thấu hiểu hết những nỗi đau buồn của mình. Người ấy như chiếc phao cứu sinh cứu rỗi tâm hồn đen tối của tôi khi rơi vào giai đoạn bĩ cực nhất. Có rơi vào tình trạng này, bạn mới thấu hiểu được, giá trị của một người bạn chịu LẮNG NGHE những chia sẻ của mình.

Trầm cảm đáng sợ lắm, nó có thể khiến người mẹ mất hết niềm tin vào cuộc sống, không nhìn thấy tương lai, tất cả chỉ là những điều tiêu cực, những mảng tối khiến con người ta không thiết tha gì với cuộc sống nữa. Cuối cùng, người trầm cảm coi cái chết là giải thoát và quyết định giết con với ý nghĩ, con đi theo mình sẽ chấm dứt nỗi khổ.

trầm cảm

Người bị trầm cảm cần lắm người biết lắng nghe những chia sẻ của họ. Ảnh minh họa

Phụ nữ mắc trầm cảm còn ám ảnh mỗi khi nghe tiếng con khóc hay con quậy phá. Tiếng khóc, tiếng la hét của đứa con khiến họ không thể nào chịu nổi và trong phút chốc, họ nhìn đứa con như QUÁI VẬT, như NGỌN NGUỒN CỦA SỰA ĐAU KHỔ với họ.

Người trầm cảm khá tương đồng với trạng thái mà dân gian gọi là "vong nhập". Khi đó, họ khóc cười, hò hét, thậm chí chửi bới, nói bậy không kiểm soát được. Họ vô thức nói, vô thức hành động và lúc ấy, họ không phải là họ. Trầm cảm như một con quái vật chực chờ xâm chiếm ý thức con người, lúc tỉnh lại, người bệnh không nhớ gì nữa và cực kỳ sợ hãi cảm giác đó.

Điều đáng tiếc, là hầu như tất cả những người xung quanh đều không hiểu, hoặc hiểu nhưng không thông cảm được với người bệnh. Người bị trầm cảm đều không tìm được tiếng nói với người xung quanh, do đó, một là họ đi tìm sự chia sẻ nơi khác, hai là họ càng co cụm lại, không muốn chia sẻ, giấu bệnh, và bệnh ngày càng nặng.

Người trầm cảm rất muốn đi tìm một chỗ dựa tinh thần. Ý thức của họ có thể không tỉnh táo, nhưng tâm hồn lại cực kỳ nhạy cảm. Một người lương thiện, hiểu biết, lắng nghe họ, thì họ sẽ coi đó là chỗ dựa, là cái cọc bấu lấy, và họ có cảm giác chỉ người đó mới mang lại bình yên cho họ, dù người đó xa lạ, người đó có yêu quý họ hay không, hay người ngoài có hiểu lầm mối quan hệ đó hay không, họ cũng không quan tâm. Cái họ cần là một chỗ dựa về tinh thần. Những lúc tỉnh táo, có thể họ lại chẳng cần nữa, nhưng lúc trống rỗng, thì họ có cảm giác chỉ người đó mới cứu được họ, và không được ở cạnh, chia sẻ, thì họ sẽ phát điên.

Điều bạn cần làm nhất khi có người thân mắc chứng trầm cảm là LẮNG NGHE. Bạn không cần phải khuyên can, dạy dỗ gì hết, đơn giản nhất là lắng nghe những lời tâm sự của họ. Khi trút hết nỗi lòng, họ sẽ tỉnh lại và trở về trạng thái bình thường. Người biết lắng nghe chính là cứu cánh của người mắc chứng trầm cảm.

Mọi trách móc, rỉa ráy, phân tích… đều không có ý nghĩa gì với người trầm cảm cả. Chỉ có lắng nghe, thấu hiểu và yêu thương mà thôi. Hãy lắng nghe, kể cả lúc, họ nói những điều trái khoáy, vô lý, kể cả sai, hay không chấp nhận được. Bởi đơn giản, lời nói, hành động đó không phải là họ, mà là của con quái vật trong vô thức.

Lắng nghe người trầm cảm, sẽ khiến ý thức họ vững vàng, mà tiêu diệt con quái vật trong vô thức của họ, đó là cách duy nhất giúp họ trở lại bình thường.

Ngô Thị Tháp

 

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Toner “Siêu căng bóng” liệu có thần thánh như lời đồn?