Mẹ chật vật cho con bú vì đầu ti ngắn

2016-10-24 08:51
- Ngay sau khi sinh, các mẹ nên có tiếp xúc da thịt với bé, phản xạ tự tìm ti mẹ để bú sẽ giúp bé làm quen nhanh với ti mẹ kể cả ti mẹ bị ngắn hay thụt.

Mẹ sốt ruột vì đầu ti ngắn, khó cho con bú mớm

Mẹ Hương (Hà Nội) sinh con đầu lòng đã được một tuần nay nhưng em bé lại nhất định không chịu bú sữa từ mẹ vì đầu ti quá ngắn. “Mấy hôm đầu mới sinh bị tắc tia sữa nên mình không cho con bú được, chỉ nằm một chỗ rồi nhờ bà ngoại cho con ăn sữa mẹ vắt bằng bình. Hết tuần thì mình cho con bú được nhưng con không chịu ti mẹ, cứ nhìn thấy ti hoặc cho vào miệng là khóc thét lên dù rất đói. Thỉnh thoảng mình lừa lúc con ngủ hoặc cho con ăn no bằng bình lại nhét ti vào miệng con, nịnh một lúc thì bé cũng mút nhưng đầu ti ngắn quá, con không bú được lại khóc, đòi bú bình. Mình sốt ruột quá!”

Thực tế, rất nhiều bà mẹ đang trong tình trạng “đánh vật” với con mỗi khi cho bú bởi đầu ti ngắn, thụt. Vì đầu ti ngắn nên các bé khi bú không ngậm được, thường xuyên bị rơi ti ra ngoài, các bé cũng khó mút sữa nên ra ít sữa, thường hay khóc. Nhiều mẹ vì xót con đói bụng nên vắt sữa vào bình cho con ăn, tạo thành thói quen ăn bằng bình khiến các bé “chê” ti mẹ.

Đầu ti ngắn, mẹ chật vật cho con bú mớm

Nhiều bé sau khi bú bình thì nhất định không chịu bé mẹ.

Mẹ Phạm Hà (Thái Bình) cũng chia sẻ: “Lúc sinh cháu đầu, đầu ti mình cũng nhỏ nên bé con nhà mình cứ cho miệng vào một lúc là chệch ra ngoài, bị mấy lần như thế nên bé cáu khóc thét cả lên. Từ khi đấy cứ mỗi lần thấy ti mẹ là khóc. Mình cố vắt sữa mẹ ra cho vào bình rồi để con bú, đến tháng thứ 5 thì sữa hết phải xin sữa ngoài cho con ăn. Nhìn các bé khác được bú mẹ no xong lăn ra ngủ, miệng vẫn ngậm ti mãn nguyện mà mình buồn lắm!”

Chị Hương Lan (Hoàng Mai – Hà Nội) hiện cũng đang hết sức chật vật mỗi khi cho con bú chia sẻ: “Thật sự đầu ti ngắn cho con bú quá khổ. Mỗi lần cho bé ti thì phải ấn vào mà mãi mới nhét được vào miệng con, đầu ti cũng đau rát, phải bôi thuốc nên mỗi lần sữa về cho con bú thì phải rửa đầu ti. Mà đầu ti bé nên ngồi cho ti cũng khó, nằm ti cũng không được, xoay đủ kiểu. Ti bé, con khó bú nên sữa ra không nhiều, phải bú lâu, nhiều khi thương con mình cũng sốt hết cả ruột”.

Tìm đủ mọi cách để “nịnh” con bú ti mẹ

Nhiều bà mẹ vì xót con không bú được vì đầu ti nhỏ nên “chặc lưỡi” để con bú bình trước cho đỡ đói, nhưng khi bé bằng bình quen rồi thì nhất định không bú mẹ nữa. Các bà mẹ cũng vì thế mà hì hục quyết tâm “đánh vật” với con hàng tiếng liền để cho con quen bú lại ti mẹ.

Mẹ Hà An (Hà Nội) chia sẻ: “Đầu ti mình gần như bằng phẳng luôn. Mình phải kiên trì tập cho con bú cả tuần đầu tiên. Mình dùng 2 tay kẹp dẹp cả phần quầng và đầu ti rồi cho vào miệng bé. Làm như vậy nhiều cũng đau rát lắm nhưng mình cương quyết để con bú bằng ti mẹ nên cố chịu. Cuối cùng thì bé cũng bú được và quen với ti mẹ, mình mừng đến suýt khóc!”

Đã từng cùng hoàn cảnh với mẹ Hà An, chị Phương mẹ của hai nhóc tì dễ thương cũng chia sẻ kinh nghiệm cho con bí khi bị ti ngắn: “Trước khi cho bé ti các mẹ nên vê đầu ti một lúc cho mềm cả quầng vú và đầu ti thì bé sẽ ti dễ hơn. Bé nhà mình lúc trước trong 2 tuần đầu không chịu ti mẹ. Khi nào bé ngủ dậy thì mình cho ti đã làm mềm vào miệng bé. Ban đầu bé cũng chịu bú vì đói nhưng sữa khó ra nên bé nhè ra rồi khóc. Lúc khóc miệng bé mở to nên mình lại cho ti vào, miệng bé mở rộng nên ngậm được cả đầu ti lẫn xung quanh quần vú. Vì giữ ti trong miệng mà bé cắn chặt làm mình cũng đau rát lắm nhưng cũng phải chịu. Con ti được sữa mẹ mà không dùng bình là tốt rồi”.

Một số bà mẹ khác vì không xót con khó ti sữa nên cũng đã quyết định mua máy vắt sữa để tranh thủ kéo dài đầu ti, lấy thêm sữa cho con bú. Cũng có những mẹ dùng dụng cụ trợ ti để cho con bú dễ hơn.

Phương pháp giúp con bú được ti mẹ dù đầu ti ngắn

Bác sĩ Lê Ngọc Anh Thy – chuyên gia tư vấn về sữa mẹ chia sẻ phương pháp giúp bé bú được ti mẹ bị ngắn: “Điều quan trọng nhất để bé chịu bú ti mẹ là phải cho bé tiếp xúc với da thịt mẹ ngay từ khi lọt lòng. Thường sau khi sinh, bé sẽ có phản xạ mút và tìm vú mẹ, bé sẽ đưa tay lên quanh miệng hoặc cho vào miệng. Khi tìm thấy vú mẹ bé có thể dùng tay sờ, liếm ti mẹ. Giai đoạn này mẹ cần phải kiên nhẫn và tin tưởng ở bé, hãy cứ để bé tự thân vận động. Đối với những mẹ ti nhỏ, thụt thì càng phải kiên trì để bé tự học bú mớm. Các mẹ đừng cố ép nhét bằng được ti vào miệng con có thể gây ra tổn thương và làm đau chính mình, vì lúc mới sinh ra thì con đã có phản xạ tìm ti mẹ để bú, cứ để mọi việc tự nhiên, dù ti mẹ có bị thụt, ngắn thì bé vẫn sẽ tập làm quen được”.

cho con bú

Bác sĩ Anh Thy cũng khuyên các mẹ không nên cho bé dùng bình để bú ngay cả khi khó cho con ăn bằng ti. “Hãy kiên nhẫn cho con ăn bằng ti mẹ, nếu phải cho bé ăn bằng cách khác ngoài ti mẹ thì hãy cho con ăn bằng thìa, đừng cho con ăn bằng bình, nếu không bé sẽ chỉ thích bú bình mà thôi”.

Nếu mẹ nào lỡ cho con bú bằng bình từ đầu mà con không chịu ti mẹ thì có thể dùng đến dụng cụ trợ ti cho mẹ, hoặc dùng các biện pháp hỗ trợ để giúp ti dài ra như massage hay dùng máy hút sữa. Tuy nhiên, đây đều là những dụng cụ hỗ trợ, cách tốt nhất vẫn là các mẹ nên để bé tiếp xúc nhiều hơn với mình, giúp bé làm quen được tốt hơn.

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bí quyết giúp 'chàng hậu Mr Queen' có được gương mặt baby, làn da mịn màng