Mẹ bị thủy đậu có nên cho con bú?

Châu Anh 2018-03-12 15:00
- Bệnh thủy đậu đang vào giai đoạn cao điểm ở cả hai miền Nam - Bắc và dễ gây biến chứng nặng cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Vì thế, nếu muốn cho con bú, mẹ phải làm gì để không lây bệnh cho con?

Mới đây, một diễn đàn dành riêng cho hội chị em trên mạng xã hội vừa mới đăng tải câu chuyện vừa hài hước vừa éo le của người mẹ trẻ đang phải chăm con nhỏ nhưng bản thân lại mắc thủy đậu.

Nguyên văn lời chia sẻ: “Đang dịch thuỷ đậu, có mẹ nào nuôi con nhỏ mà dính bệnh không ạ? Em khổ quá, vì thằng con không theo ai, không ăn cháo, không uống sữa ngoài, khóc và tuyệt thực 1 ngày 1 đêm. Chỉ mẹ mới dỗ nín được, thương chảy nước mắt. Em đi khám rồi nên mới dám cho con ti ạ. Tặng mọi người cho xả stress cuối tuần nha”.

Mẹ bị thủy đậu có nên cho con bú?

Dòng trạng thái "gây bão" MXH của bà mẹ mắc thủy đậu.

Hình ảnh kèm lời chia sẻ ngay lập tức khiến cư dân mạng. Thương cảm cho tình cảnh éo le của người mẹ nhưng biểu cảm ánh mắt ngơ ngác nhìn mẹ như người xa lạ của cậu con trai khiến mọi người không khỏi bật cười. Tuy nhiên, cũng rất nhiều người tỏ ra băn khoăn: “Mẹ bị thủy đậu có nên cho con bú?”.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Truyền Nhiễm BV Nhi Đồng 1: “Bệnh thủy đậu là căn bệnh đến hẹn lại lên; cứ tầm tháng 12 bắt đầu xuất hiện, đến tháng 2 có nhiều dần, kéo dài đến tháng 4, 5 và tháng 6 bắt đầu giảm.Đây là bệnh lây qua đường hô hấp, virus có nhiều trong hầu họng của người bệnh, trong mụn nước cũng có vi rút. Bệnh lây trước khi ra mụn nước và khi mụn nước khô vẫn còn lây cho người khác đến 3 tuần, có khi cả nhà đều bị”. Chính vì vậy, việc cho con bú khi mẹ đang mắc thủy đậu có thể gây bệnh cho bé.

Vì là căn bệnh dễ lây nhiễm, nên đối với các trẻ càng nhỏ, sức đề kháng càng kém thì càng dễ mắc thủy đậu từ mẹ. “Bệnh này lây qua đường hô hấp vì vậy bạn nên cách ly với bé, kẻo chỉ cần bạn ôm, hôn bé, hắt hơi hoặc trò chuyện với bé thì dịch tiết bắn ra, bé hít phải sẽ bị nhiễm bệnh ngay.  Nhất là khi mẹ bế, để bé cọ xát làm vỡ các nốt mụn thủy đậu kẻo dịch từ mụn này sẽ làm bé bị lây bệnh”, BS chuyên khoa Nhi Nguyễn Hoàng Hải đưa ra lời khuyên.

Vì vậy, tốt nhất, khi mẹ mắc bệnh thủy đậu, các bác sỹ khuyên bà mẹ nên dùng máy vắt sữa để lấy sữa mẹ rồi nhờ người khác cho bé uống hằng ngày. Tuy nhiên nếu trong trường hợp cả hai mẹ con đã bị thủy đậu thì bạn lại có thể cho bé bú như bình thường.

Mẹ bị thủy đậu có nên cho con bú?

Vắt sữa cho con bú là cách tốt nhất để các bà mẹ mắc thủy đậu không lây bệnh cho con.

Theo BS Trương Hữu Khanh, hiện nay tỷ lệ người lớn bệnh lây cho trẻ em cũng nhiều. “Trẻ mắc thủy đậu từ người lớn sẽ có các biểu hiện dễ nhận ra như sau: Bé bỗng quấy khóc nhiều hơn, bú ít hoặc bỏ bú. Làn da bé nổi mẩn đỏ đặc biệt những nốt mẩn đầu tiên sẽ xuất hiện trên mặt sau đó lan ra toàn cơ thể. Mẹ sờ trán và người bé thấy nóng, kẹp nhiệt độ có thể lên đến hơn 39 độ C. Bé có thể gặp 1 vài dấu hiệu kèm theo là hắt hơi, sổ mũi, thở khò khè… chúng khá giống với biểu hiện của chứng cảm cúm mẹ cần chú ý phân biệt”.

Mẹ bị thủy đậu có nên cho con bú?

Trẻ mắc thủy đậu có thể bị những biến chứng nặng.

Còn với các bà mẹ, muốn nhanh khỏi thủy đậu, cần uống nhiều nước cam, chanh để tăng cường vitamin C, ăn đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng

Quan trọng nhất là trong toàn bộ thời gian bị bệnh hãy cách ly hoàn toàn với bé nếu như quan sát thấy bé chưa có dấu hiệu bị lây bệnh. Tuyệt đối bạn không được gãi lên vết mụn thủy đậu kẻo sẽ làm chúng lây lan nhanh hơn, nếu ngứa quá không chịu được thì có thể dùng dung dịch xanh Methylen 1% bôi ngày 2 lần, đi khám bác sỹ nếu bệnh kéo dài không khỏi”, BS Hải nhấn mạnh.

 Châu Anh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Du lịch Quy Nhơn: Eo Gió hoang sơ và đẹp ngỡ ngàng