Mẹ ba con chia sẻ bí kíp cho con TUỔI ĂN DẶM đi du lịch "nhàn tênh"
Tin liên quan
“Chế biến đồ ăn dặm cho con thế nào khi đi du lịch?” luôn là câu hỏi khiến các mẹ nhức đầu tìm lời giải. Bởi đồ đạc mang theo quá lỉnh kỉnh. Đau đầu nhất là không thể chế biến đồ ăn dặm cho con trên đường đi như ở nhà.
Vì lẽ đó, rất nhiều mẹ than phiền “không thể đi đâu xa” khi có con nhỏ. Các mẹ chỉ ước “thoát kiếp bỉm sữa” để có thể lên đường du hý một cách thoải mái nhất.
Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Ngọc Trà My (Hà Nội), bố mẹ hoàn toàn có thể cho con đi du lịch từ khi con còn nhỏ xíu. “Với các bé chưa ăn dặm, đi du lịch cực nhàn, các bạn nên tranh thủ đi nhiều giai đoạn này, đừng sợ con còn quá nhỏ. Trước 5 tháng Alan đi du lịch hơn 10 chuyến, toàn chuyến đi xa nhưng càng đi con càng khoẻ, bú tốt ngủ tốt, sức đề kháng tăng đáng kể”, chị My chia sẻ.
Bé Alan được đi du lịch khắp nơi từ khi còn nhỏ xíu. Ảnh: NVCC
Hiện Alan đã đến tuổi ăn dặm và bé ăn dặm kiểu Nhật kết hợp tự chủ (BLW). Thế nhưng gia đình có năm thành viên này vẫn hào hứng lên đường, lái ô tô đi chơi xa như “chưa bao giờ mỏi mệt”.
Chị luôn cảm thấy “Không thấy vất vả, thậm chí còn vui nữa. Con ăn đến đâu mẹ sung sướng trong lòng đến đó. Mình khá hào hứng trước mỗi bữa ăn của con ở vùng đất mới”.
Những chuyến đi giúp bé Alan vẫn tăng cân đều, sức đề kháng tốt lên đáng kể. Ảnh: NVCC
Tiêu chí đa dạng nhưng GỌN NHẸ luôn được chị Trà My đặt lên hàng đầu khi đi du lịch.
Cách chị chuẩn bị đồ đạc, chế biến đồ ăn dặm cho con trong suốt chuyến đi đáng để các mẹ tham khảo.
Đồ đạc cần thiết
Một bình ủ giữ nhiệt + 3 chiếc thìa nhiều màu sắc, kích cỡ + hai bát nhựa đựng đồ ăn + một hộp đựng đồ trữ đông (hoặc hộp thường nếu dùng túi đá khô).
Sữa bột và bình bú nếu con bú bình.
Tất cả đồ ăn và đồ đựng đều để gói gọn trong cái hộp nhựa đựng đồ trữ đông, cực gọn gàng. Đến khách sạn thì bỏ đồ vào tủ lạnh.
Nếu đi vùng cao, đi cắm trại hoặc đến những nơi thiếu thốn điều kiện vật chất, các mẹ nên mang theo cái nồi cắm cháo mini hoặc nồi cắm điện mini.
Ngoài ra, mẹ nên mang thêm bánh ăn dặm, trái cây ăn dặm cho con cầm nắm, một ít đồ chơi gặm nướu để con ngồi trên ô tô, máy bay con có cái gặm chơi.
Giấy ướt, giấy khô để vệ sinh cho con khi cần.
Trong ba lô đồ của bé cần có sẵn: Quần áo, bỉm, kem chống hăm, dầu khuynh diệp, nước muối sinh lý, kem chống muỗi hoặc xịt chống muỗi, kem chống nắng....
Ngoài ra, tùy độ xa gần, lâu hay chóng của chuyến đi, mẹ nên cân nhắc có mang xe đẩy, địu cho bé.
Mẹ chính là "bình sữa di động" của con. Ảnh: NVCC
Thuốc cảm, dụng cụ rửa mũi, hút mũi, bù nước, men tiêu hoá, thuốc đau bụng cho người lớn, thuốc cảm người lớn, thuốc hạ sốt, bông băng, cồn vàng y tế để khử trùng… chuẩn bị có vẻ “hơi thừa” nhưng lại giúp mẹ chủ động xử lý khi con gặp vấn đề về sức khỏe.
Chuẩn bị nguyên liệu ăn dặm
Gạo, yến mạch, mì ăn dặm, các loại bún khô ăn dặm...
Rau củ, rong biển, cá quả, cá ngừ, cá hồi, thịt gà, lòng đỏ trứng, thịt bò...
Thịt cá, rau đã rây sẵn ở nhà, đông đá. Mỗi bữa dùng 1 – 2 viên mỗi loại.
Đồ ăn dặm cấp đông thành từng viên. Ảnh: NVCC
Dầu ăn cho vào hũ nhỏ, ưu tiên hũ có vòi. Hiện hũ có vòi bán ở các shop đồ Nhật, giá 40.000 đồng/ set 2 hũ.
Cách chế biến
Ngày đầu tiên: Nấu sẵn cháo cho vào bình ủ. Đến quán ăn, khách sạn chỉ cần lấy cháo ra bát, đánh đều lên là con ăn được.
Đồ trữ đông cho vào nồi cháo mini cắm một lúc là ấm, hoặc nhờ bếp của nhà hàng/khách sạn làm nóng lên cho con rồi trộn dầu ăn là con có bữa ăn nóng sốt.
Di chuyển nhiều nhưng chị Trà My vẫn ưu tiên cho bé Alan ăn "cháo mẹ nấu" nhằm đảm bảo dinh dưỡng. Ảnh: NVCC
Ngày thứ hai – ba: Tối trước khi đi ngủ, mẹ vo gạo bằng nước sôi, sau đó cho gạo vào bình ủ, đổ vào đó lượng nước sôi vừa đủ, cả ngày hôm sau con có cháo ngon ăn.
Đồ ăn đa dạng, ngon miệng, ngon mắt là "bí quyết" giúp bé Alan tăng cân. Ảnh: NVCC
Nếu mẹ muốn nhàn nhã, mẹ có thể làm súp, đông đá. Đến bữa hâm ấm lại cho con.
“Lười” hơn nữa, mẹ chuẩn bị cháo ăn dặm đóng gói sẵn, bột ăn liền, bình ủ nước sôi, bát muỗng. Tới bữa của con thì pha bột ăn liền, hoặc ăn gói cháo ăn liền đã pha sẵn.
Các mẹ nên chọn cháo ăn liền của Nhật đảm bảo dinh dưỡng và phù hợp với từng tháng tuổi của bé. Tuy nhiên, giá của cháo ăn liền cũng không rẻ, 80.000 đồng/gói 120gram ăn trong một bữa, gói nhỏ 80gram là 60.000 đồng. Chị Trà My cho rằng cháo ăn liền, bột ăn chỉ có thể ăn “chống cháy”. Nếu con chỉ ăn những đồ ăn đó với số lượng ít trong vài ngày thì được.
Đổi bữa để chống ngán
Hiện các shop Nhật có bán nhiều loại súp ăn dặm súp ngô súp khoai súp rau có đủ, đóng thành từng gói nhỏ riêng, khi ăn chỉ cần pha nước sôi, khuấy đều lên là được.
Bà mẹ ba con nhưng vẫn thành thơi khi đi du lịch. Ảnh: NVCC
“Các mẹ có thể thay đổi bữa, cho con ăn súp thay cháo để con đỡ ngán. Mình chuẩn bị cho con cả đồ ăn mình chế biến lẫn đồ ăn liền, do đó con không bị đói, không bị chán ăn hay lỡ bữa.
Thông thường các resort 5 sao, các nhà hàng cũng luôn phục vụ món cháo. Mẹ có thể đặt cháo do đầu bếp 5 sao nấu, dặn họ không nêm gia vị hoặc nêm nhạt là bé ăn. Bé quá nhỏ thì nhờ họ xay nát cháo ra. Đây là cách rất tối ưu và nhàn nhã cho cả gia đình. Bé lại phấn khởi khi được đi chơi, ăn cùng cả gia đình và khám phá vùng đất mới”, chị My chia sẻ.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất