Mẹ 9X giải đáp 1001 câu hỏi thường gặp khi tập cho bé dùng thìa được các mẹ rần rần chia sẻ
Tin liên quan
Chị Trang chia sẻ, mỗi bé có tốc độ phát triển riêng, nên mẹ hãy dựa vào các kỹ năng vận động của bé mà xác định thời điểm thích hợp, để tập cho bé tự xúc ăn bằng thìa.
“Bé Tào Tháo ăn dặm truyền thống là chính, nên khi tập thìa sẽ lâu hơn các bạn ăn dặm BLW. Tào Tháo mất 2 tuần để tập tự bốc ăn cho thật thành thạo. Thêm 3 tuần nữa để tập ăn nĩa. Khi tập nĩa thành thạo rồi, thì chuyển qua ăn thìa luôn.Thời gian chuyển từ nĩa sang thìa là mất 1 tuần. Như vậy tổng thời gian để con có thể thành thạo khoảng hơn 1 tháng. Với nhiều mẹ, thời gian này có thể lâu, nhưng nó phù hợp với tốc độ phát triển của từng bé. Cho đến khi được 13 tháng, Tào Tháo đã có thể dùng thìa rất thành thạo, xúc cơm ăn thun thút”, chị Thuỳ Trang cho hay.
Bé Tào Tháo xúc thìa ăn rất thành thạo và tự tin (Ảnh: NVCC)
Theo đó, bà mẹ trẻ khuyên rằng, các mẹ nên cân nhắc một số yếu tố khác như:
-Bé đã ăn thức ăn thô được bao lâu rồi?
-Bé bắt đầu bốc ăn từ khi nào?
-Bé có hứng thú với việc tự ăn không?
Nếu mẹ đã cho bé ăn dặm bằng các loại thức ăn mềm và xay nhuyễn rồi, nhưng vẫn chưa cho bé tự bốc ăn, thì nên cho bé tập bốc các miếng thức ăn thô trước rồi hãy tập cho bé tự xúc ăn bằng thìa. Mục đích của việc này là để bé bắt đầu biết tự đưa thức ăn vào miệng. Bé 12 tháng tuổi đã có thể ăn được các miếng rau củ quả, mì ống ngắn…, miễn là các miếng không quá to và được nấu chín mềm (nhưng không nhuyễn).
Khi nào nên tập cho bé tự xúc ăn bằng thìa?
Chị Trang cho rằng, hầu hết các bé sẽ sẵn sàng tập tự ăn bằng thìa khi được khoảng 1 tuổi. Cũng có những biểu hiện chung ở bé, giúp mẹ biết rằng đã đến lúc tập cho bé tự xúc ăn bằng thìa.
Trước hết, mẹ cần lưu ý rằng, khi được khoảng 6-10 tháng tuổi, trong lúc đang ăn, bé có thể quay đầu đi chỗ khác, hoặc mím chặt miệng để thể hiện rằng mình no rồi. Còn khi lớn hơn một chút, bé sẽ có hành vi tương tự, nhưng là vào thời điểm trước khi ăn, lúc mẹ xúc một thìa thức ăn cho bé. Đôi khi, bé còn tỏ ra không thích hoặc cáu giận, hoặc giằng lấy thìa. Đây đều là những dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng và muốn tự mình xúc ăn bằng thìa.
Mỗi bữa ăn dùng thìa vời con trở nên lý thú hơn (Ảnh: NVCC)
Lựa chọn thìa phù hợp cho bé
Mẹ không nhất thiết phải mua bộ dụng cụ ăn riêng cho bé. Chỉ cần thìa ở nhà không quá nặng và dĩa không quá nhọn, thì có thể cho bé dùng luôn. Tuy nhiên, mẹ Tào Tháo cũng lưu ý, nếu mẹ chọn thìa nhỏ, vừa với tay bé thì bé tự ăn bằng thìa cũng dễ hơn. Còn nếu mẹ mua bộ đồ dùng mới, hãy chọn những chiếc thìa có phần tay cầm khá to, chắc chắn, hoặc dĩa có đầu tròn, không quá nhọn.
Bắt đầu như thế nào?
Hành trình để tập cho bé dùng thìa, được chị Thuỳ Trang chia sẻ cụ thể qua các bước sau:
Bước 1: Khi bé 12 tháng, mẹ giới thiệu cho bé dùng nĩa để ăn những loại hoa quả mềm như chuối, dưa hấu, đu đủ… thay cho việc bé bốc ăn hàng ngày. Mẹ cầm tay bé hướng dẫn găm vào hoa quả, rồi cầm tay bé đưa từ từ lên miệng cho bé ăn. Mẹ hướng dẫn bé tầm 3-4 lần như vậy. Sau đó, các mẹ hãy quan sát xem bé có tiếp tục dùng nĩa để găm thức ăn hay không? Thường thì bé nghĩ đây là 1 trò chơi, bé sẽ tiếp tục cố gắng găm thức ăn và cố gắng cho lên miệng. Tuy nhiên, nếu bé không làm như vậy thì các mẹ cũng đừng bỏ cuộc. Lần sau lại cố gắng và hướng dẫn bé’.
“Một số món ăn phù hợp để bé tự ăn bằng nĩa là: khoai tây cắt miếng và nấu chín, mỳ ống hình nơ hay hình vỏ sò, hoa quả mềm cắt miếng…
Khi cho bé tự ăn bằng nĩa, bố mẹ nên chú ý chọn những loại thức ăn đủ mềm để bé không bị hóc, nhưng vẫn đủ cứng để không bị trượt đi hoặc nát ra khi bé dùng dĩa xiên vào”, bà mẹ trẻ lưu ý.
Chị Trang rất khéo léo lựa chọn món ăn để bé xúc thìa dễ dàng (Ảnh: NVCC)
Bước 2: Sau khi cho bé tập dùng nĩa tầm 1-2 tháng, các mẹ chuyển qua tập cho bé dùng thìa. Khi bắt đầu tập cho bé tự xúc ăn bằng thìa, đầu tiên là các mẹ hãy dạy cho bé tập xúc nước để uống và hãy để các bé tự xúc.
Sau khi bé xúc nước thành thạo một chút, các mẹ cho các bé tập xúc muỗng ăn với các món ăn lỏng như súp hay sinh tố... Vì các món này rất dễ để các bé tập xúc. Ngoài việc tập cho bé xúc khi ăn, các mẹ cũng có thể bày thêm các trò chơi khác liên quan đến dùng thìa, nhằm giúp các bé thành thạo hơn ở động tác xúc như xúc nước từ ly này qua ly kia, dùng thìa xúc hạt gạo, dùng thìa xúc quả bóng nhỏ bỏ vô hộp…)
Bước 3: Cho bé tự xúc cơm ăn. Và mẹ cũng nên chuẩn bị thêm 1 cái muỗng, để khi bé tự xúc các mẹ có thể giúp gom cơm lại để bé dễ xúc hơn. Và hãy luôn ngồi cạnh bé cổ vũ khi bé tự ăn.
Làm sao để bữa ăn gọn gàng hơn?
Trong thời gian đầu tập cho bé tự xúc ăn bằng thìa, bữa ăn có thể sẽ kéo dài và rất bừa bãi. Tuy nhiên, bí quyết của chị Thuỳ Trang là để có thể dọn dẹp dễ dàng hơn, mẹ nên trải khăn lớn dưới ghế bé ngồi, bé ăn xong thì mẹ mang khăn đi giặt luôn, nên cho bé mặc những bộ đồ dễ cởi, dễ giặt.
Để bé ít quậy phá khi ăn, mẹ nên tạo ra và giữ những thói quen ăn uống đều đặn cho bé (ăn đúng giờ, ngồi đúng chỗ để ăn…). Bé nào cũng vui vẻ, thoải mái hơn khi có lịch sinh hoạt ổn định và không có quá nhiều sự lựa chọn.
Thành quả là chỉ mới 13 tháng, Tào Tháo đã dùng thìa xúc ăn khiến mẹ nhàn nhã (Ảnh: NVCC)
Làm thế nào để bé duy trì việc tập xúc thìa?
Có nhiều bé giai đoạn đầu rất hứng thú, nhưng sau đó lại nhõng nhẽo đòi mẹ đút cho ăn hoặc thậm chí từ chối tập tự xúc thìa. Do đó, mẹ bé Tào Tháo nhấn mạnh, bố mẹ hãy luôn cố gắng cho bé ăn cùng với gia đình để bé có không khí và niềm vui khi ăn uống.
“Ngoài ra, bố mẹ hãy luôn làm gương cho bé, tức là bố mẹ hãy cố gắng dùng thìa trong giai đoạn tập bé dùng thìa ăn. Vì với bé, việc được làm giống bố mẹ luôn là niềm vui và có nhiều hứng thú hơn.
Bên cạnh đó, sự khen ngợi và cổ vũ của bố mẹ và các thành viên trong gia đình luôn là vũ khí rất tốt để giúp bé có thêm động lực để cố gắng”, chị Trang bày tỏ.
Lê Huyền
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất