Không tiêm phòng vắc xin viêm màng não, con có thể bị cụt tay chân, cha mẹ đừng lơ là quên lịch tiêm chủng

Châu Anh 2017-12-26 10:18
- Cô bé 1 tuổi tại Anh đã phải cắt bỏ tay chân vì bệnh viêm màng não C. Lý do mắc bệnh là vì cô bé chưa được tiêm chủng vắc xin phòng ngừa viêm màng não.

Bé Kia Gott (1 tuổi, Anh) mắc phải căn bệnh viêm màng não C hồi cuối tháng 9. Bệnh tật chuyển biến xấu bất ngờ gây ra những biến chứng vô cùng nghiêm trọng khiến các bác sĩ buộc phải cắt bỏ hai tay chân của cô bé.

Không tiêm phòng vắc xin viêm màng não, con có thể bị cụt tay chân, cha mẹ đừng lơ là quên lịch tiêm chủng

Bé Kia phải cắt bỏ hết chân tay vì bệnh viêm màng não. (Ảnh Hudderfield Examiner)

Theo lời của bác sĩ thì ca bệnh của cô bé là trường hợp hiếm hoi mà họ chưa từng thấy trong 25 năm qua. Bên cạnh việc mất tay, Kia có thể bị tổn thương não nghiêm trọng. Cô bé đã vào viện ngày 23/9 và phải cắt bỏ tay 3 tuần sau đó. Các chuyên gia y tế dự đoán rằng cô bé bị tổn thương não lên đến 90%, cũng sẽ bị điếc, mù và tổn thương thính giác. Cô bé có nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu và tử vong đột ngột, phải mất nhiều tháng để phục hồi. 

Tại Việt Nam, viêm màng não được xem là bệnh nguy hiểm, dẫn đến những hậu quả nặng nề không chỉ cho trẻ em mà còn cho cả người lớn. Bệnh gây tử vong nhanh nếu không điều trị kịp thời. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng đa dạng. Bởi vậy, nhận biết sớm dấu hiệu của viêm màng não là cần thiết.

Trao đổi với PV Emdep, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW cho biết: “Viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng lớp màng bao bọc quanh não và tuỷ sống, thường do vi trùng hoặc virut gây ra. Bất cứ ai cũng có thể mắc phải bệnh này, nhưng nhóm đối tượng chính vẫn là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, trong đó trẻ sơ sinh thường có nguy cơ cao nhất”.

Đường lây truyền chủ yếu của căn bệnh này đa phần là qua qua đường hô hấp (ho, hắt hơi, dịch mũi...) hoặc do tiếp xúc thông thường. Cho dù là viêm màng não do virut hay vi khuẩn, bệnh cũng có thể trở nên nghiêm trọng. Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ điếc, chậm phát triển trí tuệ hoặc tử vong.

Không tiêm phòng vắc xin viêm màng não, con có thể bị cụt tay chân, cha mẹ đừng lơ là quên lịch tiêm chủng

Tổn thương nặng nề do bệnh viêm màng não. (Ảnh Hudderfield Examiner)

PGS Kính cho biết, viêm màng não là căn bệnh dễ tử vong vì phán đoán nhầm. Cụ thể: “Viêm màng não có những biểu hiện không rõ rệt, dễ nhầm lẫn với bệnh về hô hấp, cộng thêm sự chủ quan của một số phụ huynh, đến khi bệnh trở nặng thì khó mà tránh khỏi biến chứng”.

Biểu hiện ban đầu của bệnh thường chỉ là những triệu chứng nhẹ, chung chung như nhức đầu, sốt, cảm thấy khó chịu trong người… Vì vậy một số người vẫn hay nhầm đây là chứng cảm cúm thông thường. Khi tiến triển nặng hơn, có thể có một số triệu chứng như: đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, sốt cao, đau họng, đau bụng, đau cứng cổ, đau cơ và rất nhạy cảm với ánh sáng, một số trường hợp còn phát ban.

Đến giai đoạn đặc biệt nghiêm trọng, trẻ có thể bị hôn mê hoặc trở nên vô thức. Ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi, những triệu chứng này khó phát hiện vì bé chưa biết thể hiện bằng lời nói. Tuy nhiên có thể nhận thấy một số biểu hiện như bé rất dễ cáu kỉnh, bỏ ăn, nôn mửa hoặc tiêu chảy, bàn tay và bàn chân lạnh, phát ban, thóp phồng lên, có dấu hiệu khó thở hoặc động kinh.

Không tiêm phòng vắc xin viêm màng não, con có thể bị cụt tay chân, cha mẹ đừng lơ là quên lịch tiêm chủng

Viêm màng não là nguyên nhân gây tử vong của nhiều trẻ ở Việt Nam mỗi năm.(Ảnh minh họa)

Một trong những cách phòng bệnh viêm màng não được các chuyên gia y tế khuyến cáo có hiệu quả nhất hiện nay chính là tiêm phòng vắc xin. Những năm gần đây, bệnh viêm não – viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu gây ra liên tục được ghi nhận ở nhiều địa phương trên cả nước, tập trung chủ yếu ở trẻ em. Thực tế này khiến các bậc phụ huynh rất quan tâm đến tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não mô cầu cho trẻ.

 Theo PGS Kính, vắc xin chủng ngừa viêm não chứa các kháng nguyên nhằm kích thích cơ thể tạo kháng thể chống lại vi khuẩn gây bệnh. Hiệu quả bảo vệ của loại vắc-xin này lên đến 90%.

Dưới đây là lịch tiêm chủng các loại vắc xin viêm màng não chi tiết cho bé, mẹ nào cũng cần nhớ:

Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản

- Mũi 1: Khi trẻ đủ 12 tháng tuổi  

- Mũi 2: Sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần  

- Mũi 3: Sau mũi 1 là 1 năm. Sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại một lần, đến khi trẻ đủ 15 tuổi.

Vắc xin ngừa viêm màng não mủ do Haemophilus influenza (Hib)  

 - Trẻ từ 2 - 6 tháng tuổi: tiêm 3 liều liên tiếp cách nhau 1 đến 2 tháng, nhắc lại 1 liều lúc trẻ 16- 18 tháng.  

 - Trẻ từ 6-12 tháng tuổi: tiêm 2 liều liên tiếp cách nhau 1 đến 2 tháng, 12 tháng sau liều 2 thì nhắc lại 1 liều.

 - Trẻ trên 12 tháng tuổi: tiêm 1 liều duy nhất.  

Ngoài ra vắc xin phòng ngừa Hib còn nằm trong vắc xin phối hợp của vắc xin tiêm chủng mở rộng và dịch vụ, sẽ tiêm theo lịch khi trẻ được 2,3,4 tháng tuổi.

Vắc xin viêm não mô cầu AC – phòng ngừa bệnh não mô cầu do tuýp A và tuýp C: Tiêm mũi đầu tiên cho trẻ từ 2 tuổi trở lên (hoặc cho trẻ trên 6 tháng tuổi đã có tiếp xúc với người bệnh). Sau đó cần tiêm nhắc sau mỗi 3 – 5 năm.

Vắc-xin viêm não mô cầu BC – phòng ngừa bệnh não mô cầu do tuýp B và tuýp C: Tiêm cho trẻ từ 6 tháng trở lên. Bé cần tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi tiêm đầu 6 – 8 tuần.

Châu Anh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Thu Quỳnh khoe trọn hình xăm ở chân ngực: "Sẽ có người đánh giá không hay về tôi"