“Con học dốt, chả sao đâu! Mẹ chỉ mong con là một học trò sáng tạo, hạnh phúc, chứ đừng phát điên vì học!"

Thu Hà 2018-04-16 06:30
- “Học đến mức phải chết, thì học để làm gì?”, “Tại sao học trò phải áp lực học hành đến mức tự tử?”. Đó là những câu hỏi xoáy vào tâm can bất cứ vị phụ huynh nào trong mấy ngày gần đây.

Trong một cuộc phỏng vấn về áp lực học hành vào năm 2013, cách đây 4 năm, cố PGS. Văn Như Cương đã kể cho tôi nghe nỗi trăn trở về một số trường hợp học sinh đặc biệt. Thầy Văn Như Cương đã chứng kiến ít nhất là ba trường hợp trong ba gia đình khác nhau, việc học quá căng thẳng của con cái đã mang lại những kết cục đáng buồn.

Cả ba cháu đều được đánh giá là học “rất giỏi” ở bậc THPT. Hai trong số đó được tiếp tục học ở nước ngoài, vào những trường ĐH có hạng…

Nhưng rồi một em bỗng có những hoang tưởng về nghiên cứu, em muốn phát minh ra những điều kì dị, và do đó hoàn toàn bỏ học, em phải điều trị ở bệnh viện rồi về nước điều trị tiếp. Hai trường hợp còn lại cũng mắc bệnh tâm thần mỗi em mỗi kiểu.

Những ngày này, khi câu chuyện đau lòng về một cậu học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Khuyến (Thành phố Hồ Chí Minh) vừa tự tử ngay tại trường, trước khi quyên sinh có để lại bức thư tuyệt mệnh viết rằng, vì không chịu được áp lực học hành từ gia đình, nhà trường. Tất cả những nỗi trăn trở năm xưa của Văn Như Cương cho đến giờ vẫn còn nguyên giá trị thời sự.

Tôi đã nhiều lần được nghe bác sĩ khoa tâm thần kể chuyện những cậu học trò học giỏi tới mức hóa tâm thần. Mặc dầu vậy, cậu vẫn lảm nhảm khẳng định mình không sao, trốn uống thuốc và nằng nặc đòi về đi học.

Tất nhiên không phải ai học giỏi, học nhiều cũng bị như vậy. Chỉ tiếc rằng nếu các em đó được học tập một cách bình thường, tự nhiên thì có thể không bị như thế…

“Con học dốt, chả sao đâu! Nhất định mẹ chỉ muốn con là một học trò sáng tạo, hạnh phúc, chứ đừng phát điên vì học!

Đừng để con trẻ phải tìm tới cái chết vì áp lực học hành. Ảnh minh họa. 

Tôi cảm giác các em học sinh cũng như chính phụ huynh thời nay đang bị “mắc kẹt” trong một mớ khát vọng. Nhiều bậc cha mẹ nói không cần con học giỏi, chỉ cần con được vui nhưng chỉ cần cô giáo nhắn tin phản ánh “con lười học” là lại nổi đóa.

Chị bạn tôi kể, mỗi lần chị dạy con học là nhà cửa lại ầm ào như có chiến tranh. Dù kìm chế lắm, chị vẫn “túm tóc tạt tai tát tới tấp” con, đến nỗi con bé lớp 3 hốt hoảng kể với bà nội là “Con tưởng con bị thần kinh khi mẹ dạy con học”.

Chị thấy mình biến thành “ác mẫu” mỗi khi dạy con học nhưng tức không chịu được. Đứa trẻ, thành thử chỉ vì nỗi sợ mẹ, sợ cô mà nhắm mắt nhắm mũi học.

Một lần theo chân một số phụ huynh tới các lớp học làm mẫu nhí, có chị phụ huynh khoe với tôi con chị đang học một lúc ba, bốn môn nghệ thuật. Sáng hát, chiều đàn, tối đi học mẫu nhí.

Chị không tiếc tiền thuê gia sư về nhà dạy đàn cho con. Và điều khiến chị sung sướng, nở mũi nhất là khi nhà có khách, con ra ngồi đàn vài bản “cho khách xem”. Trong lúc kể chuyện, chị liên tục nhắc cô con gái “đứng thẳng chân lên, đi nhanh chân lên con”, uốn éo, lắc hông sao cho “chuẩn”.

Tôi chợt không hiểu, chị đang cho con đi học nghệ thuật để con được sáng tạo hay là đang biến con thành “con rối nghệ thuật” trong tay mẹ?

Tôi cảm thấy sợ hãi khi giở cuốn tập toán của đứa cháu đang học lớp 1 trường công, học cộng tới phạm vi 100, tìm ẩn số x trong dãy số có lẽ là quá sức với cháu. Còn mẹ cháu, mỗi lần dạy cháu học là lại “phát điên”. Theo quan điểm của mẹ cháu thì cháu đang ở tốp 3 của lớp nên không thể học hành chểnh mảng, thụt lùi được. Nghe mẹ cháu nói, tôi sợ quá.

Tôi nghĩ nguyên nhân chính khiến đứa trẻ và chính phụ huynh của chúng “phát điên vì học” xuất phát từ sự kỳ vọng lệch lạc, thái quá của bố mẹ. Chương trình nặng, áp lực thi cử nặng, bệnh thành tích trong nhà trường, chúng ta ai cũng biết và đều trải qua.

Thế nhưng sự kỳ vọng của cha mẹ lại đẩy con vào một thái độ học tập chống đối, sợ hãi, thui chột sự sáng tạo. “Học dốt là phải đi hót cứt trâu”, “Học dốt chỉ có đi cuốc đất”… luôn là những cụm từ cha mẹ gán vào đầu thế hệ chúng tôi. Còn với bọn trẻ con bây giờ, bố mẹ thường dọa “học dốt chỉ có ăn cám”. Trộm nghĩ, không biết bố mẹ chúng ngày xưa có phải..."ăn cám" vì tội học dốt?

“Con học dốt, chả sao đâu! Nhất định mẹ chỉ muốn con là một học trò sáng tạo, hạnh phúc, chứ đừng phát điên vì học!

Cốt lõi của giáo dục là sáng tạo, yêu thương chứ không phải là nhồi nhét mớ kiến thức vào đầu. Ảnh minh họa. 

Tôi nhận ra, việc học tập theo kiểu nhồi nhét như vậy chẳng mang lại lợi ích gì khi chúng ta bước vào cuộc sống. Thẳng thắn mà nói, đa phần những gì học được là vô bổ trong khi những điều khác đáng học như học bơi để sinh tồn khi bị rơi xuống nước, học cách sáng tạo để làm việc hiệu quả, xây dựng đam mê nghề nghiệp... thì lại hoàn toàn thiếu hụt.

Điều nực cười là, những người bạn của tôi, nhiều đứa học dốt ngày xưa lại thành đạt, thích nghi rất tốt trong cuộc sống. Còn những người chăm chỉ học hành, học giỏi nức tiếng một thời thì giờ… lặn mất tăm. Quá khứ học giỏi chỉ là vô nghĩa!

Hai năm nữa, con gái bé nhỏ của tôi mới bước chân vào lớp 1 nhưng thú thật, tôi đã nghĩ đến việc chọn trường cho con từ bây giờ. Tôi không có ý chọn trường tốt, trường điểm, mà chỉ mong muốn tìm một môi trường con... học ít thôi để con có thời gian chơi.

Tôi nghĩ, khi chúng ta có những đứa con lành lặn khỏe mạnh đã là phúc phận trong cuộc đời. Chỉ cần con là một đứa học trò sáng tạo, vui vẻ, có đầy đủ các kỹ năng thích nghi tốt trong cuộc sống, thế là đủ. Học dốt một tí, ừ cũng được, chả sao, “dốt” cái này nhưng lại có năng khiếu, sở trường trong lĩnh vực khác. Cuộc đời còn nhiều thứ phải học lắm, cần gì phải chạy theo mớ kiến thức dài dằng dặc kia, phải không?

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


4 loại mặt nạ sẵn có trong nhà chăm sóc da khi trời nồm