“Chiếc ghế suy ngẫm”- phương pháp phạt con tạo ra một em bé hạnh phúc và thông minh của mẹ Hà thành

Lê Huyền 2020-05-11 06:01
- Có rất nhiều hình phạt, ba mẹ dành cho con khi con hư. Tuy nhiên, chị Ngô Diệu Hiền (sống tại Hà Nội) lại luôn hướng đến cách giáo dục nhẹ nhàng, sâu sắc để con phát triển hoàn thiện nhất.

Chị Diệu Hiền là người yêu thích cuộc sống của "mẹ bỉm sữa" và dành nhiều thời gian tìm hiểu kiến thức nuôi dạy con. Bên cạnh đó, chia sẻ việc thực hành các phương pháp nuôi dạy con khoa học đến với các ba mẹ khác cũng là đam mê của chị, để kiến tạo những em bé thông minh và hạnh phúc. Một trong những kiến thức khiến chị quan tâm nhất, chính là phương pháp dạy con khi con mắc lỗi hay bướng bỉnh.

“Chiếc ghế suy ngẫm”- phương pháp phạt con tạo ra một em bé hạnh phúc và thông minh của mẹ Hà thành

 Chị Diệu Hiền và bé Bông (Ảnh: NVCC)

“Các mẹ có bao giờ phạt con, hay nổi nóng khi con hất đồ, làm hỏng, hoặc khi con bướng bỉnh chưa… Mình thấy, đa phần chúng ta thương không giữ được bình tĩnh trước những hành động phá phách của các con. Thế nhưng, mình khuyên rằng, các ba mẹ xin đừng chửi con, xin đừng mắng hay đánh con, thật sự rất nguy hiểm cho việc phát triển của con sau này. Chúng ta không thể tạo ra những em bé hạnh phúc và thông minh, nhưng con lại lớn nên bởi những hành động đánh mắng của chúng ta”, chị Diệu Hiền chia sẻ.

Mẹ bé Bông cho hay, chị từng gặp nhiều trường hợp nói rằng đưa ra rất nhiều hình phạt mà con vẫn không chịu nghe lời. Bằng chính kinh nghiệm và kiến thức trau dồi dồi của mình, chị cho rằng đừng nghĩ hình phạt hay sự răn đe của bạn, là có hiệu lực ngay đối với trẻ con.

Trẻ cần sự lặp lại một hình thức răn đe nhiều lần, để có thể hiểu và ngoan hơn. Nhiều cha mẹ cảm thấy hình phạt của mình có hiệu quả, ví dụ con sẽ không dám làm gì khi nhìn thấy cây roi, nhưng đó là điều đáng lo hơn là đáng mừng. Tâm lý trẻ con trước 5 tuổi rất nhạy cảm.

“Chiếc ghế suy ngẫm”- phương pháp phạt con tạo ra một em bé hạnh phúc và thông minh của mẹ Hà thành

Bé Bông vô cùng kháu khỉnh và đáng yêu (Ảnh:NVCC)

Nếu bé phải đối mặt với nhiều stress, bé rất dễ thu mình lại, trở nên ít hoạt bát, ít nói, dễ sơ chấn tâm lý và tự kỷ. Vì vậy, nên tránh việc dùng đòn roi khi phạt trẻ. Đặc biệt, việc thống nhất về cách dạy trẻ với các thành viên trong gia đình cũng được chị Diệu Hiền nhấn mạnh vì rất quan trọng, nhằm tránh việc trẻ sẽ bám víu vào người khác để chống đối.

“Sau khi nghiên cứu, mình có vài phương pháp áp dụng cho bạn Bông nhà mình như sau, khi con hất đồ ăn và phá phách đòi hỏi, mẹ sẽ cho con ngồi “góc chiếc ghế suy ngẫm". Khi Bông muốn chạy đi chơi và gào hét đòi ra ngoài mình sẽ cho con ngồi xếp gỗ hoặc chơi trò tháo ra xếp vào. Đối với các bé lớn hơn, các mẹ có thể cho con nhặt đỗ với đậu, giúp các con bình tĩnh và không còn đòi hỏi”, bà mẹ Hà thành bày tỏ.

Theo đó, hình phạt “chiếc ghế suy ngẫm” được chị Diệu Hiền chia sẻ cụ thể như sau:

Đầu tiên các ba mẹ chuẩn bị một chiếc ghế, khác biệt với những chiếc ghế trong nhà, chỉ dùng khi phạt con rồi đặt nó ở một góc cố định. Mẹ nói với con rằng, khi con khóc con sẽ được ngồi vào đây. Cụ thể là bướng bỉnh nhất quyết không nghe những lời giải thích, khuyên nhủ của mẹ. Hãy đưa con đến và buộc con phải ngồi vào “chiếc ghế suy ngẫm”.

“Chiếc ghế suy ngẫm”- phương pháp phạt con tạo ra một em bé hạnh phúc và thông minh của mẹ Hà thành

“Chiếc ghế suy ngẫm”- phương pháp phạt con tạo ra một em bé hạnh phúc và thông minh của mẹ Hà thành

Bé Bông đang chịu hình phạt "Chiếc ghế suy ngẫm" (Ảnh: NVCC)

Nơi đặt ghế cho con, chọn góc có thể khiến con phải tự mình suy nghĩ, bình tâm và nên tránh xa tivi hoặc đồ chơi. “Bé Bông cũng đã phải ngồi vào ghế khi khóc, gào lên khi đòi chơi gậy nguy hiểm. Mình đã đặt con vào ngồi ghế trong trạng thái đang nước mắt đầm đìa…”, chị Diệu Hiền nói.

Sau đó, chị hướng dẫn mẹ sẽ ngồi xuống, đối diện ngang tầm với con, giao tiếp bằng mắt với con. Cụ thể, khi Bông vẫn đang khóc trên ghế, chị ngồi đối diện với con và Bông càng gào to hơn, rồi đưa tay ra đòi mẹ bế…

Tuy nhiên, lúc này các ba mẹ hãy dùng giọng thật nghiêm để nói với trẻ rằng: “Con sẽ phải ngồi yên ở đây cho đến khi mẹ quay lại!”. Để thời gian cho trẻ tự điều chỉnh, số phút bằng số tuổi của trẻ. Với trẻ nhỏ như bé Bông hoặc lớn hơn, bố mẹ nên đi khuất tầm mắt của con, nhưng đảm bảo bố mẹ vẫn kiểm soát được những gì diễn ra với con.  

“Chiếc ghế suy ngẫm”- phương pháp phạt con tạo ra một em bé hạnh phúc và thông minh của mẹ Hà thành

“Với bé trên 2,5 tuổi, hãy yêu cầu một lời xin lỗi từ bé. Đối với bé từ 1-2 tuổi chỉ cần trẻ thể hiện đã hiểu và lắng nghe bố mẹ là được. Những điều này cho thấy bé đã hiểu quy trình và thông điệp của mẹ. Tất nhiên, mình thực sự bất ngờ về kết quả, bạn Bông tự hết khóc và ngồi im, bình tĩnh.

Ở góc suy ngẫm mẹ có thể dán hình con vật hoặc các hình dán mặt cười để con quan sát. Khi con hết khóc chúng ta vào và bế con ra, nói chuyện với con và thể hiện tình cảm bình thường”, mẹ bé Bông bày tỏ.

Chị cũng lưu ý thêm rằng, phương pháp chiếc ghế này có thể áp dụng cho mọi lứa tuổi, các mẹ hãy giúp con nhận thức được hành động của con không đúng ở chỗ nào. Hãy làm điều này khi con mắc lỗi. Chắc chắn sau đó, con sẽ có sự thay đổi rõ rệt trong hành vi, khiến ba mẹ trở nên bất ngờ.

Lê Huyền  

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Ly hôn là văn minh?