Chỉ siêu âm thôi chưa đủ! Mẹ bầu đừng quên việc KHÁM THAI định kỳ nếu không muốn nguy hiểm rình rập con yêu

Thu Hà 2017-09-18 19:00
- Khám thai và siêu âm rất quan trọng nhưng không ít mẹ bầu lại không chú ý đến việc khám thai. Trong khi đó, khám thai lại có lợi cho sức khỏe của cả hai mẹ con.

Vì sao khám thai và siêu âm quan trọng như nhau?

Lần nào đi siêu âm thai, chị Phương Nam (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) cũng nhận được câu hỏi của nhân viên lễ tân “Chị có khám thai, thử nước tiểu không?”. Và câu trả lời luôn là “Không”.

Lý do bởi một lần “thử” khám thai cho biết, chị Nam được bác sĩ sản khoa nghe tim thai, đo huyết áp, vòng bụng. “Bác sĩ sờ nắn bụng mấy cái rồi cho ra. Tất cả chỉ gói gọn trong 5 phút mà thu phí 150.000 đồng. Trong khi siêu âm được nhìn thấy con yêu trong bụng chỉ mất 200.000 đồng. Tiếc tiền nên tôi không muốn khám thai”, chị Nam phân trần.

Cũng có suy nghĩ tương tự, chị Minh Trang (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng việc khám thai chỉ quan trọng lúc gần sinh. “Siêu âm bác sĩ đã đo đầy đủ các chỉ số của em bé. Tôi nghĩ như vậy là đủ, không cần khám thai”, chị Trang nói.

Chỉ siêu âm thôi chưa đủ! Mẹ bầu đừng quên việc KHÁM THAI định kỳ vì điều này có lợi cho cả mẹ và con

Siêu âm và khám thai đều quan trọng như nhau. Ảnh minh họa. 

Hiện không ít mẹ bầu quan niệm như vậy nhưng theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phụ sản TW, việc mẹ bầu bỏ qua khám thai là không nên.

“Khám thai và siêu âm thai định kỳ là hai phương thức tiếp cận sản phụ khác nhau, bổ sung cho nhau. Khi mang thai, người mẹ phải trải qua các quá trình biến đổi về giải phẫu, tâm lý, nội tiết…để cơ thể thích nghi. Thời kỳ này, người mẹ cần có những hiểu biết cần thiết để có thể tự chăm sóc mình đồng thời biết được các yếu tố nguy cơ cho mẹ và bé có thể gặp phải. Bác sĩ sản khoa có thể cung cấp và hướng dẫn cụ thể cho mẹ những kiến thức này trong quá trình khám thai định kỳ”, bác sĩ Anh Tuấn lý giải.

Một lý do quan trọng khác là khám thai định kỳ còn giúp bác sĩ kịp thời phát hiện các nguy cơ tai biến, bảo đảm an toàn thai nghén và sinh nở. Do vậy việc khám thai và siêu âm định kỳ khi mang thai là việc làm cần thiết, có lợi cho sức khỏe mẹ và con.

“Giá trị của siêu âm chủ yếu chỉ tập trung đánh giá về thai nhi, gần như không cung cấp được những thông tin về người mẹ khi mang thai. Nhiều sản phụ ngộ nhận chỉ cần siêu âm là đủ và điều này dẫn đến những hậu quả rất đáng tiếc đôi khi là không thể cứu vãn như hỏng thai, tiền sản giật, rau bong non… và thậm chí nguy hại đến tính mạng cả người mẹ trong trường hợp sản giật, mẹ bệnh tim. Vì vậy, mẹ bầu cần hiểu rằng việc khám thai là bắt buộc!”, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Lịch khám thai định kỳ chuẩn mẹ bầu CẦN BIẾT

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết khi mang thai, cùng với siêu âm, người mẹ sẽ phải đi khám thai định kỳ tất cả 7 lần.

Chỉ siêu âm thôi chưa đủ! Mẹ bầu đừng quên việc KHÁM THAI định kỳ vì điều này có lợi cho cả mẹ và con

Mẹ hãy thực hiện khám thai lần đầu ngay khi phát hiện mình có thai nhé! Ảnh minh họa. 

Khám thai lần đầu: Vào thời điểm sau khi biết có thai, khoảng 6 tuần từ ngày kinh cuối cùng, bác sỹ sẽ kiểm tra xem thai đã vào tử cung chưa, có tim thai chưa và thai có bình thường hay không

Khám thai lần thứ 2: Vào khoảng tuần thứ 12, đây là thời điểm quan trọng để bác sỹ đo độ dày da gáy, xác định một số dị tật bẩm sinh sớm như thoát vị rốn, khe hở thành bụng, thai vô sọ.

Khám thai lần thứ 3: Vào tuần thứ 16 của thai kỳ, lần khám này chỉ nhằm kiểm tra xem em bé phát triển có bình thường hay không. Những thông số trên siêu âm giúp đánh giá xét nghiệm sàng lọc trước sinh.

Khám thai lần thứ 4: Khám thai vào tuần thứ 22, kiểm tra thông thường, siêu âm hình thái quan trọng nhất, giúp phát hiện hầu hết các bất thường hình thái thai và xét nghiệm nước tiểu.

Khám thai lần thứ 5: Vào tuần thứ 26, khám thông thường và tiêm phòng uốn ván.

Khám thai lần thứ 6: Vào 32, khám theo dõi, siêu âm đánh giá trọng lượng thai, xét nghiệm nước tiểu, máu loại trừ đái đường thai ngén và tiêm phòng uốn ván mũi 2.

Khám thai lần thứ 7: Vào tuần thứ 36, lần khám này mẹ sẽ được kiểm tra kỹ tình hình thai nhi, xét nghiệm dịch âm đạo, dự đoán về cân nặng của thai nhi và dự định về phương pháp sinh, ngôi thai, tình trạng nhau thai…

Các thông số của lần khám này được dùng để sử dụng khi mẹ nhập viện. Ngoài ra, tuỳ từng trường hợp mà bác sĩ yêu cầu sản phụ khám, xét nghiệm, siêu âm thêm để theo dõi các biến chứng thai nghén, theo dõi nước ối, ngôi thai, tình trạng bám của rau thai. 

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Giảm mỡ toàn thân ngay tại nhà (P2)