Câu hỏi xé ruột của con gái nuôi ngày 1/6, người mẹ ứa nước mắt không nói nên lời

2017-06-01 06:55
- Nuôi con lớn lên từng ngày, thương yêu không khác gì con gái ruột nhưng người mẹ vẫn đau xót khi nghe câu hỏi của con đúng ngày 1/6.

Cách đây 12 năm, cô Ngọc Liễu (44 tuổi) có nhận nuôi một bé gái sơ sinh. Thời điểm đấy, vợ chồng cô lấy nhau gần 6 năm nhưng mãi mà chưa có con. 

Cô Liễu chia sẻ: "Gia đình tôi ở một huyện miền núi nghèo, thời đấy, nhiều người vẫn phải vào rừng để phát rẫy làm nương. Ban đầu, tôi tính về thành phố Vinh tìm trại trẻ mồ côi để nhận lấy một cháu bé làm con nuôi. Hôm đấy là cuối tuần, tôi đang sắp xếp việc nhà, gói đồ đạc thì thấy ồn ào ngoài ngõ. Tôi gọi ông xã cùng chạy ra xem thì thấy mấy nhà hàng xóm cùng túm tụm lại, rồi có tiếng trẻ con khóc rất to".

Khi rẽ đám đông bước vào thì cô nhìn thấy một cụ già đang đeo trên lưng một cái địu, trong cái địu là một bé gái sơ sinh còn đỏ hỏn được quấn trong một chiếc áo người lớn rách nát, bẩn thỉu. Khi mới nghe qua câu chuyện, thì cô biết bà cụ kia đang đi cho cháu.

Cô Liễu nhớ lại: "Số là bà cụ có một đứa con gái 18 tuổi đang mang thai thì chồng mất. Con gái bà cụ đi phát rẫy trong núi thì chuyển dạ giữa rừng. Nhưng khi bà mẹ trẻ vừa đẻ xong, đang cho con bú những giọt sữa đầu tiên thì bị rắn hổ bò vào lán cắn. Ngày hôm sau, bà cụ lên rẫy mang đồ ăn cho con thì thấy đứa con gái đã chết, còn đứa cháu nhỏ thì đang ngủ yên bên mẹ mình".

Đứa con khát sữa mẹ nên khóc liên tục, bà cụ nghèo thương cháu nhưng không thể một mình nuôi đứa bé nên đành đưa lên thị trấn, tìm người để cho đi. Ngay khoảnh khắc nghe được câu chuyện, cô Liễu có cảm giác như đây là định mệnh, đây chính là đứa con nuôi mà cô đang tìm kiếm. 

Nhớ lại giây phút đầu tiên bế bé gái trên tay, cô Liễu bồi hồi: "Khi tôi bế đứa nhỏ trên tay, ngón tay nhỏ xíu của nó liền sờ lên mặt tôi, mắt mở to tôi và nín khóc ngay. Cũng ngay lúc đấy, không hiểu sao tôi lại có cảm giác như bản năng làm mẹ trỗi dậy, chỉ muốn vạch áo cho đứa nhỏ bú dù không có một giọt sữa nào. Có thể cảm giác thèm khát được làm mẹ suốt nhiều năm qua đã khiến tôi cảm thấy thân quen với đứa nhỏ chăng?"

Cô Liễu trao đổi với bà cụ rằng muốn nhận đứa bé làm con nuôi, sẽ nuôi dạy và chăm sóc nó tử tế, bà cụ cũng bịn rịn ôm, thơm đứa cháu thêm một lúc rồi quay về. Cô Liễu liền tức tốc bàn với chồng đi ra UBND huyện để làm giấy tờ khai sinh và thủ tục nhận con nuôi luôn trong ngày. 

Nhận con nuôi cầu tự - liệu có yêu thương con nuôi như đứa con ruột rà

Nhận đứa nhỏ về, cô Liễu đặt tên cho con là Bảo Ngọc rồi chăm bẵm như con mình đẻ ra, mua đẩy đủ tã lót, bỉm sữa, thậm chí là hỏi han tìm các bà đẻ để xin sữa mẹ nuôi bé. Đến năm Bảo Ngọc được 4 tuổi thì cô Liễu mang thai đứa con trai ruột rà.

Người mẹ hiếm muộn chia sẻ: "Lúc biết mình mang thai, tôi mừng lắm, vậy là sau nhiều năm trời cầu khấn, chạy chữa khắp nơi, hai vợ chồng tôi cũng sinh được đứa con ruột. Thời điểm sinh đứa con trai thì Bảo Ngọc lên 5, đã đi học mẫu giáo nên tôi cũng rảnh rang để chăm con nhỏ. Ngọc biết là lên làm chị rồi nên cũng hiền lắm, đi học về là vào buồng thơm má em, lấy sữa cho em, suốt ngày gọi tên em Tũn ơi, Tũn à. Hai vợ chồng tôi thấy chị em quấn quýt nhau thế thì mừng vô cùng. Cũng tự dặn nhau là dù đã có đứa con ruột rà máu mủ thì cũng vẫn xem Ngọc như con ruột, tuyệt đối không phân biệt đối xử. Chỉ lo một mai này lớn lên, Ngọc biết mình là con nuôi lại nghĩ khác đi".

Nói về chuyện tình cảm của bố mẹ với con nuôi, con đẻ, cô Liễu cũng đã phải thở dài không ít lần, bởi lẽ mặc dù gia đình cô xem Ngọc như con ruột nhưng nhiều người không hiểu chuyện cứ đinh ninh rằng vợ chồng cô chắc chắn vẫn thương con đẻ hơn. Cô Liễu tâm sự: "Tôi đã từng phải nói chuyện với con rất nhiều lần để con hiểu bố mẹ yêu thương 2 chị em như nhau, không có chuyện phân biệt con nuôi, con đẻ. Ngọc nó cũng hiểu chuyện, hiền, ngoan, chăm chỉ nên tôi càng thương con bé hơn".

Vào mỗi dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6, cô Liễu lại sắm sửa quà cáp, quần áo, đồ chơi cho hai chị em như nhau để thể hiện sự bình đẳng. Người mẹ chia sẻ thêm: "Trẻ con nó nhạy cảm lắm, nếu cảm thấy đứa còn lại có gì hơn một chút là sẽ suy nghĩ ngay. Vậy nên tôi rất cẩn thận trong việc mua đồ cho hai chị em, cố gắng không để đứa nào cảm thấy bị thiệt thòi".

Câu hỏi của con đúng ngày 1/6

Đến năm Bảo Ngọc 8 tuổi, cũng đúng ngày 1/6, Ngọc chạy vào phòng hỏi mẹ rồi hỏi "con nuôi" nghĩa là gì. Cô Liễu nghe xong lặng người, hỏi con nghe được từ đấy ở đâu, bé Ngọc ngây thơ kể lại là mẹ bạn cùng lớp nói Ngọc là con nuôi của mẹ Liễu.

Cô Liễu nghe xong thì ứa nước mắt, ôm bé Ngọc vào lòng rồi chỉ bảo con là con của mẹ, là chị của em Tũn. "Nhưng những ngày sau con bé trầm tư hẳn, vẫn chơi với em trai nhưng thỉnh thoảng lại né tránh ánh mắt của bố mẹ. Tôi cảm giác cháu đã biết chuyện mình là con nuôi và lo lắng về việc đó. Nói thật, suốt nhiều năm qua, mặc dù vợ chồng tôi luôn xem Ngọc là con ruột nhưng cũng luôn cảm thấy có lỗi với con. Vì việc nhận nuôi Ngọc là để "lấy khước", để giúp việc có con ruột dễ dàng hơn, như thể mình đang lợi dụng đứa nhỏ vậy. Vậy nên, cả hai vợ chồng tôi đều cố gắng yêu thương cả 2 đứa con như nhau, bù đắp cho Ngọc để con không thấy mình bị phân biệt, hụt hẫng khi biết mình là con nuôi" - cô Liễu chia sẻ.

Cảm thấy cần phải ở bên con, chăm sóc con nhiều hơn để cho con hiểu việc dù là con nuôi cũng không ảnh hưởng gì đến tình yêu thương của bố mẹ, cô Liễu đã phải tìm cách để trò chuyện nhiều hơn với con, hỏi han những câu chuyện đời thường để Ngọc tự bộc bạch. Cuối cùng, cô bé cũng đã khóc òa lên, kể với mẹ chuyện bị những đứa bạn trong lớp giật tóc, trêu chọc là đứa mồ côi mẹ, là đứa đẻ rơi, là đứa con nuôi.

Nhớ lại cuộc nói chuyện đó, giọng cô Liễu có phần cảm động: "Lúc con khóc òa ôm lấy tôi rồi kể mọi chuyện, lòng tôi nhẹ đi rất nhiều, để con tin tưởng và chia sẻ chính là minh chứng cho việc con bé đã thực sự xem vợ chồng tôi là bố mẹ ruột dù biết mình là con nuôi. Tôi không kể nhiều về hoàn cảnh nhận con, tôi chỉ nói rằng một bà tiên đã trao tặng con cho bố mẹ, việc em Tũn lớn khôn khỏe mạnh, vui vẻ, hoạt bát chính là nhờ có con" . Lúc nghe mẹ xong thì mắt con bé sáng bừng, tự tay vỗ vào ngực bảo nhất định sẽ làm người chị tốt, bảo vệ và chăm lo cho em Tũn. 

Đã 2 năm trôi qua, Bảo Ngọc đã trở thành học sinh cấp II, cũng đã được cô Liễu nói thật về hoàn cảnh của mình. Vợ chồng cô Liễu đã thử tìm lại bà cụ ngày xưa nhưng cụ đã mất từ lâu. Cô chia sẻ: "Giờ Ngọc chỉ còn chúng tôi là người thân duy nhất trên đời, vợ chồng tôi sẽ yêu thương và chăm lo nó đến khi trưởng thành, cho con hưởng đủ tình yêu thương của bố mẹ".

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Ai cũng muốn có một người đàn ông chu đáo bên cạnh