Cách kết hợp bữa chính và bữa phụ cho bé từ 5-6 tháng tuổi
Tin liên quan
Đối với các bé trong giai đoạn đầu của quá trình ăn dặm thì mỗi bữa ăn chính là những sự trải nghiệm mới và nếu được mẹ cho ăn một cách khoa học sẽ giúp vị giác, thị giác, khứu giác của các bé được kích thích một cách tốt nhất, ở giai đoạn này sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính để nuôi dưỡng bé. Qua mỗi bữa ăn mẹ cũng sẽ biết được sở thích ăn uống của bé để có các món ăn phù hợp trong các giai đoạn biếng ăn, tuần khủng hoảng và biết được các loại thức ăn có thể gây dị ứng cho bé.
Ngoài bữa ăn chính, các mẹ có thể bổ sung bữa phụ cho bé bằng các loại hoa quả và các loại thực phẩm dễ tiêu hóa như chuối, bơ, xoài, lê, đậu hũ yến mạch sốt hoa quả, khoai lang... vừa giúp kích thích vị giác cho bé, vừa giúp bé dễ tiêu hóa hơn, không gặp phải các tình trạng như táo bón.
Chia sẻ với PV Emdep về kinh nghiệm cho con ăn dặm của mình, chị Nguyễn Hà, một bà mẹ trẻ ở Thái Bình cho biết: “Một bữa ăn cho con ăn đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ bao gồm đầy đủ các nhóm thực phẩm: nhóm chất tinh bột, nhóm chất đạm, nhóm vitamin và khoáng chất. Mục tiêu của giai đoạn từ 5-6 tháng là để bé làm quen với thìa và vị của các loại thức ăn nên việc ăn dặm trong thời kỳ này không cần quá chú trọng về lượng.
Mới đầu mình chỉ tập cho bé ăn thử một thìa tinh bột, sau đó tăng dần lượng tinh bột và ăn thêm các loại thức ăn có chứa vitamin và đạm. Sau khoảng một tháng bé có thể nuốt tốt và ăn được nhiều loại thực phẩm hơn là thời điểm thích hợp để mẹ có thể cân đối dinh dưỡng các bữa ăn cho bé”.
Chị Hà và con trai.
Cụ thể, lượng thức ăn cho mỗi bữa của bé giai đoạn 5-6 tháng đó là:
- Tinh bột (cháo, bánh mì, khoai lang, khoai tây..): 30-40g.
- Chất đạm (đậu phụ, cá thịt trắng): 5-10g.
- Vitamin và khoáng chất (các loại rau củ, quả): 15-20g.
Một số thực đơn ăn dặm hiệu quả mà chị Hà làm cho bé Bin:
Theo chị Hà:“Trong giai đoạn làm quen này tình trạng táo bón rất hay gặp phải ở hầu hết các bé. Bản thân bé Bin cũng đã gặp phải, sau đó mình đã quyết định bổ sung thêm bữa phụ cho con là các loại hoa quả; các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ như yến mạch, khoai lang, khoai tây ăn kèm với sốt hoa quả hoặc trộn với sữa mẹ, rắc thêm hạt chia. Từ ngày kết hợp thêm bữa phụ con có vẻ thích thú với bữa ăn hơn và tiêu hóa cũng tốt hơn trước”.
Chị Hà thường hay cho bé ăn các bữa chính vào 10h sáng, 6h tối và các bữa phụ vào lúc 2h chiều khi bé ngủ dậy.
“Các loại thực phẩm lần đầu tiên bé ăn mình hay làm vào buổi sáng lúc 10h để giúp dễ dàng theo dõi dị ứng của bé và nếu có vấn đề gì còn đưa bé đi khám kịp thời. Bữa tối lúc 6h mình cho bé ăn cùng cả nhà để giúp bé có thể quan sát mọi người ăn và học kỹ năng tốt hơn, gắn kết bữa ăn với các thành viên trong gia đình. Các loại thực phẩm dùng trong bữa tối đều là các loại bé đã ăn và không bị dị ứng.
Trước mỗi bữa ăn chính 2 giờ mình không cho bé bú hay ăn thêm bất kỳ loại đồ ăn nào và cho bé tập các bài tập hỗ trợ phát triển các kỹ năng vận động. Mục đích là để bé có cảm giác đói, khi ngồi vào bàn ăn sẽ hào hứng hơn, thấy vui vẻ hơn khi được mẹ cho ăn”, chị Hà cho biết.
Khi cho bé ăn, tâm trạng của mẹ lúc cho bé ăn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cảm xúc của bé trong bữa ăn vì các bé rất nhạy cảm. Trong những ngày đầu của giai đoạn tập ăn cả 2 mẹ con chị Hà đều cảm thấy khá căng thẳng, do đó chị bế bé trong lòng và cho ăn, sau đó bé quen dần và ngồi vững hơn thì chị cho bé ngồi vào ghế ăn dành riêng cho trẻ.
“Bí quyết để giúp bé ăn tốt trong giai đoạn 5-6 tháng chính là cách đút thìa của mẹ: đặt nhẹ đầu thìa ở môi dưới của bé, bập bập vào môi bé để bé lấy thức ăn vào miệng bằng môi trên. Khi thức ăn đã vào miệng, bé ngậm miệng rồi thì rút thìa thẳng ra. Không đút thìa sâu vào trong miệng bé, sẽ làm cản trở bé học cách dùng môi và lưỡi di chuyển thức ăn vào sâu trong họng”.
Vừa đút cho bé ăn, chị Hà vừa giới thiệu về các món ăn cho bé. Ví dụ như khi cho bé ăn bí đỏ mẹ có thể nói: đây là bí đỏ, con thấy có ngọt không? Bí đỏ có màu cam này! Con có thích không? Điều đó sẽ khiến bé thấy hào hứng và quan tâm đến bữa ăn hơn.
Chắc chắn trong quá trình ăn dặm sẽ có lúc bé biếng ăn. Trong giai đoạn đó mình hay làm các món cháo từ yến mạch cho con bé và hay làm 2 bát: 1 cho mẹ, 1 cho con và ăn cùng bé. Khi bé không ăn, mẹ hãy ăn thử cho bé xem và tỏ vẻ món đó rất ngon, sau đó đút thì bé lại ăn rất ngon lành. Vì vậy cảm xúc, biểu cảm của mẹ cũng sẽ góp phần rất quan trọng để có được một bữa ăn vui vẻ.
Hiện nay có 3 phương pháp ăn dặm nổi bật đó là: ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm bé chỉ huy (BLW), mỗi một phương pháp lại có những ưu nhược điểm riêng. Chị Hà có lợi thế hơn các bà mẹ khác đó là được tạo điều kiện ở nhà chăm con, có thời gian chế biến các món ăn cho bé nên chị đã cho bé ăn theo kiểu Nhật. Từ ngày bắt đầu ăn đến giờ bé rất hợp tác và các kỹ năng trong ăn uống phát triển rất tốt. Bé bây giờ được gần 8 tháng,g đã có thể ăn được cháo 1:7 nguyên hạt, thậm chí có thể ăn được cơm hạt.
Đến giờ ăn bé luôn hào hứng, nhìn thấy ghế ăn là đòi vào ngồi bằng được. Các bữa ăn của bé thường chỉ kéo dài tầm 15-20 phút, rất tập trung ăn và không ngậm cháo trong mồm bao giờ. Bé ăn được đa dạng thực phẩm và không kén ăn như các bé khác gần nhà.
Cu Bin luôn hào hứng và ăn hết veo những món ăn do mẹ nấu.
Chị Hà cho biết, có được kết quả đó là nhờ một số nguyên tắc trong mỗi bữa ăn của bé như sau:
- Ngồi tập trung ăn uống, không bế rong, không đồ chơi, không điện thoại...
- Mỗi bữa ăn là một niềm vui và là khoảnh khắc đáng nhớ của cả hai mẹ con.
- Thời gian mỗi bữa ăn không kéo dài quá 30 phút.
- Tôn trọng quyền ăn uống của con, không ép con ăn, không quát mắng.
- Ăn vào giờ cố định và cho con 3 quyền lựa chọn nếu con từ chối ăn.
Mộc Miên
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất