Các lưu ý cho giai đoạn bắt đầu ăn dặm BLW của bé, mẹ nắm vững, cả quá trình ăn dặm sẽ là niềm vui

2018-11-26 10:35
- Sau khi nghiên cứu tài liệu và biết được các ưu điểm, nhược điểm của từng phương pháp ăn dặm, chị Na quyết định chọn phương pháp ăn dặm 3 in 1 để áp dụng cho con. Đó là sự kết hợp của phương pháp ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặn BLW.

Bất kì giai đoạn phát triển nào của con cũng có thể làm cho mẹ lo lắng đặc biệt là những phụ nữ được làm mẹ lần đầu. Nếu với những mẹ có kinh nghiệm thì giai đoạn ăn dặm chỉ đơn thuần là đến lúc cho con ăn thêm, làm quen thêm nguồn dinh dưỡng ngoài sữa mẹ thì lại có những mẹ tỏ ra hồi hộp, lo lắng. Như chị Lê Na (sinh năm 1990, ở Đà Nẵng) đã chuẩn bị kiến thức rất kĩ từ khi con chưa đến tuổi ăn dặm.

Chị Na chia sẻ: "Trước khi bé Đoàn Lê Hướng Viễn (bé Soy) đến tuổi ăn dặm, mình đã tự trang bị cho mình khá nhiều kiến thức để chăm con được tốt nhất có thể. Ngoài ra mình còn tham gia vào các hội nhóm để trao đổi và học hỏi thêm kiến thức của các mẹ đi trước. Cứ như thế mình thấy dần tự tin hơn để cùng con bước vào cuộc hành trình mới này". 

Sau khi nghiên cứu tài liệu và biết được các ưu điểm, nhược điểm của từng phương pháp ăn dặm, chị Na quyết định chọn phương pháp ăn dặm 3 in 1 để áp dụng cho con. Đó là sự kết hợp của phương pháp ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặn BLW. 

Soy tròn 6 tháng là mẹ bắt đầu cho con ăn bữa ăn đầu tiên trong đời. Và Soy được mẹ giới thiệu BLW ngay từ đầu. Một cảm giác thật mới mẻ với cả mẹ và con. "Với phương pháp ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật thì không phức tạp lắm để cho con làm quen nhưng còn với BLW thì mình mất khá nhiều thời gian và công sức", chị Na nói. 

Các lưu cho giai đoạn bắt đầu ăn dặm BLW của bé, mẹ nắm vững, cả quá trình ăn dặm chỉ là niềm vui

Ảnh minh họa

Chị Na cho Soy ăn BLW (Baby Led Weaning) vào mỗi buổi chiều, khi mà hai vợ chồng đang chuẩn bị cơm tối thì Soy sẽ ngồi trong ghế ăn dặm và ăn theo kiểu BLW. Chị Na chia sẻ: "Trong hai tháng đầu chủ yếu mình cho con tập kĩ năng BLW là chính chứ con không ăn được nhiều". 

Giai đoạn này Soy bốc thức ăn bằng cả bàn tay. Để giúp con hoàn thiện kĩ năng này, chị Na đã chuẩn bị thức ăn theo dạng thanh dài và răng cưa để tạo độ bám cho con dễ dàng cầm nắm, bốc đồ ăn. Khi con biết bốc đồ ăn rồi, con sẽ biết điều khiển sự khéo léo của đôi tay để đưa đồ ăn vào miệng, rồi cắn, nhai và nhả đồ ăn. Chị kể: "Có lần Soy còn cắn miếng to rồi cố nuốt sau đó bị ọe. Lúc đầu mình cũng hoảng lắm xong nhớ lại kiến thức và bình tĩnh chờ con tự xử lý đồ ăn. Vài lần như vậy, Soy biết cách cắn miếng bé hơn, biết nhai kĩ hơn rồi mới nuốt. Con cứ dần tiến bộ từng ngày như thế". 

Dưới đây là một số lưu ý chị Na tổng hợp lại dựa vào kinh nghiệm thực tế trong quá trình nuôi Soy ăn dặm và từ 1 số kiến thức của 1 số cuốn sách ăn dặm, các mẹ cùng tham khảo: 

Về thực phẩm cho giai đoạn đầu ăn dặm theo BLW 

- Lá rau có nhiều xơ khiến bé khó xử lý, dễ bị ọe.

- Tránh những thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, trứng...

- Cơm: giai đoạn này cơm chưa phù hợp với bé thậm chí là cơm nắm, mẹ Na thấy một số mẹ khởi đầu đã cho bé ăn cơm nắm, khoai bứ, điều này gây khó khăn khi nuốt và khả năng ọe rất cao, thậm chí là nghẹn. Các mẹ cần thận trọng!

- Các loại quả có hình dạng tròn vừa với vòm họng của bé như nho, nhãn, vải cũng chưa nên cho ăn… rất dễ hóc gây nguy hiểm cho con.

Các lưu cho giai đoạn bắt đầu ăn dặm BLW của bé, mẹ nắm vững, cả quá trình ăn dặm chỉ là niềm vui

Về cách chế biến cho giai đoạn đầu ăn dặm theo BLW 

- Hấp dạng que cỡ 1-2 ngón tay.

- Sử dụng dao lượn sóng tạo độ bám.

- Hấp không quá cứng (bé khó xử lý) hoặc quá mềm (bé dễ bóp nát): cái này hơi khó, mẹ Na phải hấp và luộc một thời gian mới quen tay cũng như biết được cấu trúc của từng loại thực phẩm để vừa ngon vừa phù hợp với độ cứng mềm cho Soy. 

Một số kinh nghiệm khi tập cho con ăn trong giai đoạn đầu BLW

- Mẹ chỉ nên cho con 1 thanh thực phẩm vào khay của bé, chứ không nên đưa cả khay thức ăn cho con. Tránh tình trạng bé nghĩ đó là món đồ chơi, thỏa sức khám phá, bóp nát, ném đi... mà không tự rèn luyện kĩ năng cầm nắm và đưa thức ăn vào miệng. 

- Mẹ tạo cho con thói quen: ngồi 1 chỗ cố định khi tới giờ ăn. Không được cho bé vừa ăn vừa chơi, vừa xem ti vi, điện thoại..., không nên có nhiều người qua lại làm bé mất tập trung vào bữa ăn. Thế nhưng, mẹ tạo giờ ăn cho con trùng với giờ ăn của cả nhà thì lại rất tốt. Bởi con sẽ học cách ăn của người lớn rồi dần làm theo. 

Các lưu cho giai đoạn bắt đầu ăn dặm BLW của bé, mẹ nắm vững, cả quá trình ăn dặm chỉ là niềm vui

- Mẹ luôn ở bên bàn ăn của con để giúp con những việc nhỏ như kéo đồ ăn lại gần tầm tay của con, hay đẩy nhẹ đồ ăn từ tay con để con đưa thức ăn chính xác vào miệng (tuyệt đối mẹ không vì sốt ruột mà đưa thức ăn trực tiếp vào miệng bé, sẽ gây nguy hiểm cho con). 

- Khi con khóc lóc, đòi ra khỏi ghế thì mẹ nên dừng bữa ăn tại đó ngay để giúp con không sợ hãi chiếc ghế ăn vào những bữa ăn sau. Nhiều mẹ vì thương con ăn được ít mà đã ra sức ép con ăn, việc làm này sẽ làm bé sợ hãi và dần bé sẽ biếng ăn.

- Thời điểm để cho bé ăn BLW là sau khi bú mẹ khoảng 1h, đây là khoảng thời gian lý tưởng để sữa đã kịp tiêu hóa. Mặt khác, nếu trong quá trình tập ăn, con có lỡ bị ọe thì cũng không bị ọe ra mất lượng sữa ở cữ ăn trước đó. 

- Khi con buồn ngủ, ngái ngủ mẹ không nên cho con ăn vì khi đó bé sẽ không vui vẻ hợp tác. Nhiều mẹ còn có tư tưởng để con thật đói rồi mới cho ăn để con ăn được nhiều. Làm như vậy là hoàn toàn sai bởi khi bé bị đói sẽ càu nhàu và không chịu hợp tác ngoan với mẹ nữa. 

Mẹ Khoai 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Con gái thời nay: Ngoài miệng thì than ế nhưng trong lòng thì ngại yêu