Bị khuyên bỏ gấp cặp song thai 23 tuần, mẹ Hà Nội ôm bụng bầu đi khắp nơi cứu con
Tin liên quan
Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Đức Tuyên (33 tuổi, Hà Nội) về hành trình chiến đấu đầy cam go cùng người vợ mắc hội chứng truyền máu song thai được cấp cứu thành công. Quyết định giữ lại hai đứa con trong bụng dù trước đó đã có chỉ định bỏ thai, cuối cùng gia đình anh chị đã thu được thành quả ngọt ngào.
Hai em bé song sinh của gia đình anh Tuyên chị Mai đã chiến đấu ngoan cường để giành giật sự sống
Thai 23 tuần phát hiện mắc hội chứng truyền máu song thai
Anh Tuyên kể, hai vợ chồng anh kết hôn đầu năm 2018, sau một thời gian về chung một nhà, cả gia đình anh đón nhận tin vui khi chị Vũ Quỳnh Mai (28 tuổi, Hà Nội) là vợ anh mang bầu đôi. Ngày mang bầu hai bé song sinh, cả họ hàng vô cùng vui mừng, nghĩ rằng hạnh phúc gia đình sẽ đủ đầy viên mãn. Tuy nhiên khi thai được hơn 23 tuần tuổi, khó khăn bất đầu xuất hiện khi chị được bác sỹ chẩn đoán mắc hội chứng truyền máu song thai.
Anh Tuyên kể lại: “Trong suốt thai kỳ mình để ý, chăm sóc vợ rất kỹ càng. Thời gian đầu tình trạng mang thai của vợ mình hoàn toàn bình thường. Nhưng đến tuần thứ 23, trong một lần đi khám bác sỹ bất ngờ thông báo hai bé trong bụng bị mắc hội chứng truyền máu song thai, cần chấm dứt thai kỳ gấp để bảo đảm an toàn".
Anh Nguyễn Đức Tuyên và chị Vũ Quỳnh Mai kết hôn đầu năm 2018
Tin dữ dội về như sét đánh ngang tai, chị Mai suy sụp tinh thần. Xót cho giọt máu của mình, anh chị cùng hai sinh linh bé bỏng đã cùng nhau đi được hơn nửa chặng đường, giờ đây nếu phải bỏ con, nỗi ám ảnh có lẽ sẽ đeo bám hai vợ chồng suốt cuộc đời.
Như không muốn tin vào mắt mình, anh chị rời phòng khám chỉ kịp ăn vội chiếc bánh mỳ, tức tốc đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội để làm các xét nghiệm cho chuẩn xác. Tại đây, anh chị lại một lần nữa như chết đứng người khi các chuyên gia đưa kết quả trùng khớp với kết luận của phòng khám trước đó, rằng chị mắc hội chứng nguy hiểm, việc cần làm là sớm đình chỉ thai kỳ để đảm bảo tính mạng cho người mẹ.
Trở về nhà trong nỗi thất vọng vô bờ bến, hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc nức nở, anh chị tuyệt vọng và không nghĩ hội chứng hiếm gặp lại tìm đến gia đình mình. Giữa lúc đang suy sụp vì sắp mất con, anh chị cùng nhau lên các diễn đàn mạng xã hội để tìm hiểu kỹ hơn về hội chứng truyền máu song thai và được giới thiệu đế một bệnh viện khác có bác sĩ chuyên về lĩnh vực cấp cứu tai biến sản khoa.
Đã có lúc anh chị chết lặng người khi nhận tin phải bỏ thai để đảm bảo tính mạng người mẹ.
"Lúc gặp bác sĩ thì hội chứng truyền máu song thai đã bước sang giai đoạn 4. Sáng hôm đó ở phòng khám tư siêu âm 2 em bé đã có dấu hiệu giai đoạn 2, đến Phụ sản Hà Nội là giai đoạn 3. Diễn biến của truyền máu song thai rất nhanh. Một bé đa ối, còn một bé nước ối gần như đã cạn, lượng máu nuôi hai bé mất cân bằng. Vợ chồng mình rất hoang mang, bởi các bệnh viện lớn đã “bó tay” thì làm sao còn hy vọng. Nhưng bác sĩ động viên làm lại các xét nghiệm và nói rằng tỷ lệ phẫu thuật và giữ được thai là 50/50, nếu gia đình đồng ý thì làm thủ tục mổ cấp cứu. Lúc đó 2 vợ chồng chỉ nghĩ bằng mọi giá phải cứu được con dù có nguy hiểm như thế nào nên mình gạt nước mắt ký vào tờ giấy quyết định phẫu thuật” – Anh Tuyên nhớ lại.
Tại bệnh viện, tính mạng thai nhi tính theo giờ, phải mổ cấp cứu càng nhanh càng tốt. Ca mổ truyền máu song thai của chị Mai được các bác sĩ nhận định vô cùng khó khăn, nhưng cuối cùng bằng sự tâm huyết và giỏi chuyên môn, các bác sĩ đã nhìn thấy được các mạch máu nối thông giúp cho lượng máu và ối cân bằng trở lại.
“Mổ hụt” vì siêu âm không nhìn thấy bàng quang của một bé
Ngay một ngày sau mổ siêu âm lại, nước ối đã trở lại gần như bình thường, tim thai của hai con đã có nhiều cải thiện, anh Tuyên và chị Mai đều không ngờ rằng mọi thứ tiến triển tốt và nhanh như vậy. “Khi nhìn thấy nụ cười của vợ quay trở lại, tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm, coi như đã thoát ra được cơn ác mộng kinh hoàng gọi là truyền máu song thai” – anh Tuyên nói.
Cũng có lúc mẹ và bé lên bàn "mổ hụt" vì bác sĩ siêu âm không thể nhìn thấy bàng quang một bé
Sau phẫu thuật là chuỗi ngày dài chị Mai nằm viện theo dõi. Đến khi sức khỏe ổn định anh chị xin phép được về nhà nghỉ dưỡng. Đến khi thai bước vào tuần thứ 30, trở lại bệnh viện tái khám thì anh chị tá hỏa khi bác sĩ siêu âm không thể nhìn thấy bàng quang của một bé và được chỉ định phẫu thuật để bỏ đi một bé.
Sáng hôm sau khi mọi thủ tục đã hoàn tất để bước vào ca mổ, các bác sĩ tiến hành siêu âm lại thì em bé quay người cho các bác nhìn rõ bộ phận bàng quang của mình. Cả phòng mổ cũng như vợ chồng anh chị vỡ òa trong niềm hạnh phúc vì em bé tuy yếu ớt nhưng vẫn kiên cường chiến đấu giành giật sự sống.
Nhưng rồi sau tất cả, các bé đã chiến tháng những thử thách cam go
Trải lòng mình về các ca phẫu thuật tai biến sản khoa nói chung và trường hợp truyền máu song thai của sản phụ Vũ Quỳnh Mai nói riêng, Bác sĩ Hiền Lê - bác sĩ cao cấp bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Với rất nhiều năm làm nghề, bản thân tôi từng chứng kiến không ít thai phụ bị hội chứng truyền máu song thai nhưng bất lực, đau đớn nhìn mẹ mất con mà không thể cứu.
Với trường hợp sản phụ Mai trước quyết định can thiệp tôi biết có nhiều rủi ro, rất khó khăn bởi tính chất phức tạp vì một bé đa ối, bé còn lại gần như cạn ối, lượng máu lưu thông của hai bé bị mất cân bằng, chưa kể một bé được chẩn đoán tim thai có vấn đề, tốc độ đập mạnh hơn với tim thai bình thường nên nếu phẫu thuật sẽ vô cùng khó khăn vì hàng trăm rủi ro ở trước mắt. Nhưng nếu không can thiệp, cặp song sinh tử vong gần như 100% và còn nguy kịch cho cả tính mạng của mẹ.
Nhưng trước sự quyết tâm của bệnh nhân và sự hỗ trợ của các trang thiết bị chuyên dụng hiện đại đã tiếp thêm động lực cho tôi trong phút giây đưa ra quyết định sinh tử, can thiệp phẫu thuật để cứu cặp song sinh”.
Quyết không bỏ con để chúng được làm người, đẻ xong mỗi ngày ông bố 5 lần 7 lượt đi đưa sữa
Đến tuần thai thứ 33, chị Mai bất ngờ bị vỡ ối ngay trong đêm và ca phẫu thuật bắt con được tiến hành. Hai em bé được chào đời với những cái tên rất đỗi thân thương là Nguyễn Vũ Tâm Anh nặng 1,700 kg và Nguyễn Vũ Ngọc Ánh nặng 1,300 kg như một lời tri ân đến những người đã có công lớn trong hành trình dài hơi và đầy thử thách để các bé được như ngày hôm nay.
Sau gần một tháng cách ly hai bé đã được đoàn tụ bên bố mẹ.
Những tưởng khó khăn đã dừng lại ở đây nhưng khi lọt lòng ra ngoài, hai bé của anh chị gặp phải một số vấn đề bệnh lý, bé Tâm Anh do hẹp van tim 3 lá nên vẫn tiếp tục nằm ấp lồng kính, còn bé Ngọc Ánh hệ thống đường tiêu hóa chậm hấp thu nên cả hai bé được chuyển sang bệnh viện Nhi Trung ương theo dõi, còn mẹ được cách ly về nhà để tiện chăm sóc.
Quãng ngày vừa chăm vợ ở nhà vừa 5 lần 7 lượt ngược xuôi đi đưa sữa cho con giữa trời đông giá rét đã khiến anh Tuyên mệt mỏi trông thấy. Thế nhưng, từ sâu thẳm trong con người anh chỉ cần được nhìn thấy vợ khỏe con ngoan là anh cảm thấy đủ hạnh phúc và ấm áp.
Sau gần một tháng cách ly mẹ con chị Mai đã được đoàn tụ, hiện tại sức khỏe của 3 mẹ con đã ổn định, 2 bé có tín hiệu tăng cân và bú tốt.
Theo các bác sĩ, để cứu sống mẹ con chị Mai là thành quả của sự tính toán chiến thuật kỹ lưỡng và sự phối hợp rất tốt của các bác sĩ trong việc xử lý thai kỳ nguy cơ cao.
Theo Như Loan - Ảnh: NVCC (thoidaiplus.giadinh.net.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất