Bé sơ sinh Đắk Lắk chào đời 3,7kg phổi "tan nát" vì hít thứ này trong bụng mẹ

2019-08-11 09:37
- Bé trai chào đời bằng phương pháp sinh thường, đủ tháng, cân nặng lúc sinh 3,7 kg nhưng sau sinh bé tím tái, thở rên, co kéo, rút lõm ngực nặng, lơ mơ.

Sáng 10/8, BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, cho biết đơn vị này vừa điều trị thành công cho bé C.P.T.T. (1 ngày tuổi, ngụ tại Buôn Ma Thuột) bị suy hô hấp nặng.  

Trước đó vào lúc 10 giờ 23 phút, ngày 16/07/2019 bé T. được cho nhập viện trong tình trạng khó thở, tím tái, lơ mơ, hôn mê. Theo lời kể của gia đình, bệnh sử ghi nhận bé sinh thường, đủ tháng, cân nặng lúc sinh 3,7 kg tại một bệnh viện chuyên khoa sản tỉnh. Sau sinh bé tím tái, thở rên, co kéo, rút lõm ngực nặng, lơ mơ, ghi nhận nước ối vàng đặc, màu ối nhuộm da trẻ nên được các bác sĩ điều trị hỗ trợ hô hấp thở oxy, sau đó đặt nội khí quản giúp thở, kháng sinh và được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng Thành phố.  

Tại bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, bé được các bác sĩ thăm khám, xét nghiệm máu và chụp X-quang phổi, siêu âm tim não, bụng, chẩn đoán suy hô hấp nặng – viêm phổi do hít phải phân su từ trong bụng mẹ trước và trong khi chào đời. Bé lập tức được xử trí tiếp tục thở máy, kháng sinh, dịch truyền tĩnh mạch.       

 Bé sơ sinh Đắk Lắk chào đời 3,7kg phổi tan nát vì hít thứ này trong bụng mẹ  

Em bé vô tình hít phải nước ối có phân su trong bụng mẹ nên bị viêm phổi nhiễm trùng nặng.  

Ngay sau đó các bác sĩ đã hội chẩn với ê kíp ECMO tiến hành đặt cannula mạch máu và gắn nối với hệ thống máy ECMO để cung cấp oxy qua màng ngoài cơ thể, từ đó chuyển máu có oxy vào hệ tuần hoàn trong cơ thể để cung cấp oxy cho mô và các cơ quan trong cơ thể trẻ. Kết quả sau gần một tuần chạy ECMO, phối hợp với các điều trị hỗ trợ tích cực khác, tình trạng suy hô hấp trẻ cải thiện dần, được cai máy ECMO, thở máy với thông số thấp, tình trạng bé cải thiện rõ rệt, tổn thương phổi phục hồi, chức năng trao đổi oxy của phổi rất tốt, chức năng các cơ quan ổn định. Em đã được rút nội khí quản, tự thở khá qua hỗ trợ oxy, ăn sữa hoàn toàn, tình trạng nhiễm trùng giảm nhiều. 

 Bé sơ sinh Đắk Lắk chào đời 3,7kg phổi tan nát vì hít thứ này trong bụng mẹ

Hiện em 25 ngày tuổi và đang được theo dõi chăm sóc tích cực tại khoa Hồi Sức Sơ Sinh của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.  

Hội chứng hít nước ối phân su (MAS) là gì?  

Trong suốt 9 tháng 10 ngày nằm trong bụng mẹ, phổi của bé luôn đầy nước ối. Nếu phổi bé có phân su, nó sẽ đi qua khí quản. Khi chuyển dạ, nếu bé bị thiếu oxy trong thời gian dài, bé sẽ khó thở và hít phải phân su.  

Khi hít phải phân su, phân su có thể chặn đường thở, gây tắc nghẽn đường thở, khiến bé khó thở đồng thời giảm lượng oxy đến bé. Đối với những trẻ gặp trường hợp này, trẻ dễ bị rối loạn trao đổi khí ở phổi và suy hô hấp. Các kích ứng hóa học của phân su còn có thể gây viêm phổi, nhiễm trùng và bất hoạt surfactant (chất hiện diện trên bề mặt trong lòng các phế nang, giúp các phế nang giãn nở và thông khí tốt).  

Triệu chứng của trẻ bị hội chứng hít nước ối phân su  

- Bé thở nhanh, thở gấp  

- Thở khó, rên rỉ  

- Thở ngắt quãng  

- Chỉ số apgar thấp (chỉ số đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh)  

- Da tím tái  

- Ngực căng phồng bất thường  

Phòng tránh nguy cơ bé bị hít nước ối phân su  

Những thai kỳ có nguy cơ cao như thai già tháng (thai trên 41 tuần), sinh khó, mẹ mắc bệnh (bệnh tim, tiểu đường, bệnh phổi, huyết áp cao), thai chậm phát triển, chèn ép dây rốn cần được theo dõi chặt chẽ suốt thai kỳ và trong khi sinh.  

Nếu phát hiện nước ối có màu xanh sẫm, mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay để kịp thời chẩn đoán, xử lý, tránh các tai biến nguy hiểm. 

 

Theo giadinh.net.vn

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Đi tìm 'thiên thần hộ mệnh' âm thầm bảo vệ cho 12 cô nàng Hoàng đạo