Bài thuốc ngâm chân nước gừng trị ho cho bé không quá “thần thánh” như các mẹ nghĩ

2017-11-13 08:55
- Bài thuốc này được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội và được các bà mẹ bỉm sữa tuyền tai nhau như một “thần dược” trị ho liệu có hiệu quả như các mẹ nghĩ?

Đơn giản, rẻ tiền nên ai cũng muốn áp dụng 

Với sự phát triển của mạng xã hội trong thời gian gần đây, ngày càng nhiều bà mẹ bỉm sữa có cơ hội tiếp cận với những thông tin chia sẻ từ các cá nhân khác. Những câu chuyện “nuôi con thuận tự nhiên”, “nuôi con không dùng thuốc”, “nuôi con bằng mẹo” luôn thu hút đông đảo sự chú ý của các bà mẹ, bởi tâm lý đó phương pháp nuôi con lành tính, rẻ tiền. 

Mới đây, bài thuốc ngâm chân nước gừng trị ho cho bé đã được nhiều bà mẹ chia sẻ chóng mặt trên các hội, nhóm nuôi con nhỏ. 

Nhiều bà mẹ cho rằng ngâm chân nước gừng như một bài thuốc kỳ diệu với trẻ nhỏ bị ho (Ảnh: FB). 

Cụ thể, phương pháp được các mẹ mô tả thực hiện như sau: 

Nguyên liệu: Gừng già: 50g, muối hột: 20g, nước: 1 lít, nồi, thau… 

Cách làm: Gừng chọn củ già, gọt vỏ và rửa sạch dưới vòi nước. Cho gừng vào cối giã nhỏ, nấu chung với 1 lít nước và muối hột. Khi nước sôi thì vặn nhỏ lửa, để chừng 5 phút cho tinh chất gừng ra hết sau đó tắt bếp và để nguội khoảng 40 độ là có thể sử dụng được. 

Cách dùng: Trước khi đi ngủ, mẹ hãy đổ nước gừng ấm vừa đun ra thau để ngâm chân cho bé, vừa ngâm vừa massage gan chân cho con, nếu mẹ biết huyệt dũng huyền thì bấm cho con sẽ có tác dụng nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu không biết thì mẹ chỉ cần massage chân cho bé là đủ. Cách massage: Dùng ngón tay cái tì lên mu bàn chân của bé, các ngón còn lại bóp nhẹ vào gan bàn chân, đi dọc từ gót chân lên gần ngón chân. Cũng có thể dùng gừng chà vào lòng bàn chân của bé. Khi nước hết ấm, mẹ lấy chân con ra đặt vào khăn sạch, lau khô 2 chân con xong nhẹ nhàng massage bằng dầu khuynh diệp hoặc dầu tràm đều được để dầu thấm và lan tỏa vào các huyệt đạo ở chân bé. Sau đó mang tất chân cho con rồi đi ngủ. Kiên trì sử dụng đều đặn mỗi ngày một lần, trong 3 ngày liên tiếp các triệu chứng ho, sổ mũi của bé sẽ khỏi hẳn. 

Qua lời của nhiều bà mẹ đã sử dụng bài thuốc này thì đây là cách làm rất hiệu nghiệm. Facebook Đ.T.N cho biết: “Các mẹ hãy làm ngay đi nhé, trời ơi, em làm cho con có 2 hôm thôi mà hiệu nghiệm vô cùng, con khỏi hẳn ho đấy!”. Còn Facebook P.H.N thì khẳng định: “Mình đã làm cho bé lớn, cũng lưu lại để áp dụng cho bé nhỏ nữa đây. Các mẹ thử ngay đi!". 

Có những trẻ bị ho, không làm gì cả cũng khỏi 

Bàn về bài thuốc dân gian nói trên, TS.BS Trần Quốc Hùng, Quyền Giám đốc Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội: “Ngoài là gia vị trong bữa ăn thì gừng còn là một vị thuốc. Gừng tươi gọi là sinh khương và gừng khô còn gọi là can khương, có vị cay, tính ấm, đi vào 3 kinh là phế (phổi), tỳ (lá lách), vị (dạ dày). Gừng có tác dụng phát biểu, ôn trung, trục hàn, tiêu đờm, giải độc tố, hồi dương, thông mạch, chống nôn ói…Trong gừng còn chứa một loại tinh dầu có thể chữa cảm lạnh, buồn nôn, chữa ho rất hiệu quả thường được dùng trong các bài thuốc Đông y. 

Tuy nhiên, dùng gừng cho trẻ nhỏ không thể tùy tiện. Lý do là vì gừng có tác dụng phát tán phong hàn, nếu trẻ không bị cảm lạnh mà ngâm sẽ có tác hại. Trước khi áp dụng cho con, cần phải tìm hiểu xem con có thực sự bị cảm lạnh không, điều này thì các bà mẹ phải đưa con đến gặp bác sỹ Đông y hoặc Tây y để được nghe tư vấn cụ thể, chứ không nên chữa bệnh cho con theo kiểu "nghe hơi nồi chõ"”. 

Bài thuốc từ gừng tươi không nên tùy tiện dùng cho trẻ nhỏ (Ảnh minh họa). 

Còn dưới cái nhìn của Y học hiện đại, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: “Tôi không phủ nhận một số hiệu quả nhất định của phương pháp ngâm chân nước gừng trị ho . Nhưng các bà mẹ nên hiểu, có những bệnh như cảm lạnh, ho… trẻ có thể tự khỏi, vì cơ chế của cơ thể là khi có bệnh tật xâm nhập sẽ tự có sức đề kháng để đương đầu. Vì thế, dù bạn trị cảm lạnh cho con bằng nước gừng, hay nước ấm, hoặc để tự nhiên bé cũng có thể tự khỏi. Tôi gọi đó là xác suất ngẫu nhiên. 

Vì thế, đừng thần thánh hóa việc ngâm chân nước gừng hay bất kỳ một phương pháp dân gian trị bệnh nào. Vì chữa mẹo cho trẻ này có thể khỏi bệnh, nhưng với trẻ khác thì không”, PGS Dũng nhấn mạnh. 

Một số triệu chứng ho nguy hiểm ở trẻ nhỏ 

Ngoài các triệu chứng ho thông thường có thể từ lý do thay đổi thời tiết, thì PGS Dũng cũng chỉ ra một số triệu chứng ho nguy hiểm mà các bậc cha mẹ cần đưa con để bệnh viện càng sớm càng tốt, cụ thể như: 

Ho kèm thở khò khè có thể là dấu hiệu của sưng phổi, viêm tiểu phế quản, hen phế quản. Ho nhiều, ho dai dẳng, ho nặng và nhiều hơn về ban đêm, kèm theo khó thở có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn. Ho kèm sốt cao trên 39 độ C, thở nhanh hơn 40 lần mỗi phút đối với trẻ 1-5 tuổi hoặc trên 50 lần mỗi phút đối với trẻ dưới một tuổi, đồng thời có hiện tượng rút lõm lồng ngực... có thể là dấu hiệu của bệnh viêm phổi. Ho đi kèm nôn ói, ợ nóng, đau ngực có thể là triệu chứng của bệnh tiêu hóa trào ngược dạ dày - thực quản. Ho ra máu có thể do xây xát niêm mạc đường hô hấp hay các bệnh nặng hơn như giãn phế quản, lao phổi… gây nên. Ho nhiều khiến các cơ ngực và bụng căng cứng liên tục và gây đau. 

Hiện nay, thời tiết chuyển mùa sang thu đông, lạnh và mưa, ẩm thấp rất dễ sinh nhiều vi khuẩn có hại đến sức khỏe trẻ nhỏ có sức đề kháng cơ thể yếu. Các bé rất dễ nhiễm lạnh dẫn đến một số căn bệnh thông thường về hô hấp như ho, cảm cúm, sổ mũi, thậm chí là bệnh nặng hơn như viêm phổi, viêm phế quản… 

Nếu bé chỉ ho mà không kèm các triệu chứng trên, thời gian mỗi đợt ho ít hơn 7 ngày, thì các bà mẹ không nên quá lo lắng. Bạn chỉ cần kiểm soát tốt các triệu chứng của bé, theo dõi diễn tiến bệnh, đặc biệt là giữ ấm và chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, giúp bé chống chọi với bệnh tật. 

PGS Dũng cũng khuyên các bà mẹ không nên tự tiện áp dụng các bài thuốc dân gian truyền miệng chưa được kiểm chứng để trái những phản ứng ngược gây nguy hiểm cho bé.   

Theo Afamily

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Hành trình LỘT XÁC ngoại mục của các Hoa Hậu Việt Nam