10 cách kiểm soát cơn tức giận của bé

Nguyễn Mai 2015-02-07 16:25
- Hãy theo dõi tình hình của con mình hàng ngày để giúp trẻ tránh khỏi sự áp lực, lo lắng,... và đừng để đến khi trẻ giận dữ rồi cha mẹ mới tìm cách giải quyết.
 
Trẻ có thể giận dữ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Lo lắng hay thất vọng là những nguyên nhân khiến trẻ dễ tức giận hơn là những khó khăn và áp lực trường lớp. Giận dữ cũng xảy ra như một phần của quá trình phát triển tâm sinh lý bình thường của trẻ trong tuổi đang lớn. Nếu trẻ không biết giận dữ hay hờn dỗi, điều này là hoàn toàn không bình thường và có thể liên quan đến những dấu hiệu của bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, với bất kỳ kiểu tức giận nào ở trẻ nhỏ, phụ huynh đều nên dạy trẻ tập kiềm chế cảm xúc. Điều này không dễ để làm, nhưng cha mẹ phải đối diện với nó. Bố mẹ cũng nên theo dõi tình hình của con mình hàng ngày để giúp trẻ tránh khỏi sự áp lực, lo lắng, khó khăn và đừng để đến khi trẻ giận dữ rồi cha mẹ mới tìm cách giải quyết. Dưới đây là 10 cách để bạn hiểu tâm sinh lý của con và giúp con kiềm chế được tức giận hiệu quả.
1. Giúp bé hiểu rằng con có thể kiểm soát được cảm xúc của mình
Nếu con bạn đủ lớn, hãy ngồi bên con để giảng giải về vấn đề kiểm soát cảm xúc. Hãy hỏi con rằng liệu con có nhận ra mình đang tức giận và thấy khó chịu hay không. Nếu câu trả lời của con là có, điều này chứng tỏ con bạn đã ý thức được hành vi của mình. Thay vì ra lệnh cho con nín khóc hay không được tỏ thái độ như vậy nữa, cha mẹ nên gợi ý con làm việc gì đó để con cởi bỏ tức giận và có tâm trạng tốt hơn.
2. Giúp con cân bằng được việc học tập, vui chơi và cảm xúc của mình
Những áp lực trong cuộc sống của một đứa trẻ cũng giống như của người lớn. Trẻ có thể bị ám ảnh với lời cô giáo mắng, sự bắt nạt của bạn bè, sự nhút nhát, sợ hãi khi bị điểm kém và nhiều vấn đề khác nữa. Những áp lực trên khi không được sẻ chia, giải quyết sẽ dễ sinh ra sự kích thích mạnh và hậu quả là trẻ tỏ ra tức giận. Bố mẹ có thể nghĩ rằng con mình tức giận một cách vô cớ, nhưng có một quy luật "bất di bất dịch" là vấn đề nào cũng có nguyên nhân của nó.
3. Là tấm gương để con học tập
Trẻ nhỏ hay bắt chước người lớn. Nếu bạn hay tỏ ra tức giận dù với ai và nguyên nhân là gì, con bạn đều bắt chước bạn. Lâu ngày, thái độ đó trở thành một phần tính cách của con. Đó là lý do tại sao bạn nên là tấm gương biết kiểm soát cảm xúc tốt trước mặt con và để con học tập theo bạn.
4. Giúp con đối mặt với tức giận
Cha mẹ chỉ là tấm gương thôi thì chưa đủ. Để giúp trẻ biết kiềm chế nóng giận, hãy cho trẻ chơi các trò chơi theo nhóm và đồng đội. Qua đó, trẻ có tương tác với những người khác. Khi mâu thuẫn nảy sinh, bạn có thể giúp con thực hành tình huống thực tế để thoát khỏi sự bực tức và xung đột như cãi nhau, thậm chí là đánh nhau. 
5. Giúp trẻ phân biệt giữa cảm xúc trong đầu và hành động biểu lộ ra ngoài
Có 3 mức phản ứng của sự giận dữ thuộc về sinh lý thần kinh, hành vi và nhận thức. Trước khi sự bực tức được thể hiện qua hành vi ra ngoài, nó ở trong đầu người chịu kích thích. Các bậc phụ huynh hãy giúp trẻ hiểu được hai giai đoạn này bằng cách khuyên con không được làm gì cả và hãy nghĩ rằng liệu có phải con đang tức giận hay không. Nói theo cách khác, cha mẹ nên biến quá trình trên trở thành phản xạ có điều kiện ở trẻ. Bất cứ khi nào trẻ cảm thấy khó chịu, bức xúc, trẻ sẽ phải “động não” suy nghĩ về hành vi phản ứng.

 
6. Dạy trẻ cách suy nghĩ bình tĩnh
Điều này có lợi cho con bạn trong nhiều tình huống chứ không chỉ trong lúc giận dữ. Ví dụ, khi trẻ thấy không yên tâm, nguy hiểm, lo lắng, bực bội, muốn khóc… cảm xúc của con sẽ chi phối nhịp tim, nhiệt độ cơ thể,... Lúc ấy, bạn chỉ cần khuyên con hãy đặt tay trước ngực để giữ nhịp tim của mình. Mẹo nhỏ này sẽ phát huy tác dụng ngay tức khắc để giúp con bình tĩnh hơn.
7. Hiểu rằng giúp trẻ biết kiểm soát sự tức giận là một việc làm khó
Thực tế cho thấy rằng sự tức giận là một cảm xúc tự nhiên giống như khi bạn vui mừng. Thay vì áp đặt con bạn không được khóc khi tức giận, hãy giúp con hiểu rằng đó là một việc làm khó. Nếu con muốn khóc, hãy để nước mắt trào ra. Nếu con buồn tủi không muốn chơi với ai thì hãy ngồi một mình, nhưng không được đổ sự tức giận lên người khác một cách vô cớ như hét toáng lên hay đánh nhau với người lạ. Đặc biệt, nếu con giận dỗi ai, đừng quên nhắc con hãy kể lại tình huống câu chuyện hoặc tâm sự với cha mẹ, bạn bè hay giáo viên.
8. Hiểu rằng giới tính, văn hóa xã hội có ảnh hưởng lớn đến tính khí của trẻ
Kiểm soát sự tức giận của trẻ đôi khi vượt quá giới hạn giáo dục của phụ huynh. Người xưa có câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” cũng có phần đúng. Lý do là bởi trẻ có thể bị chịu ảnh hưởng bởi các vấn đề sinh lý (giới tính) và hệ tư tưởng văn hóa xã hội nơi trẻ sống. Sự phát triển về cả thể chất và tâm lý ở nam giới và nữ giới cũng khác khác nhau. Điều này ảnh hưởng đến cách cư xử đặc chung của nam và nữ là khác nhau. Thông thường, trẻ học ở môi trường lớp học có nhiều sự khác biệt về văn hóa xã hội, phản ứng tâm lý của trẻ sẽ phức tạp hơn trẻ sống ở môi trường chỉ có văn hóa bản địa. Vì vậy, vấn đề đặt ra là các quy định ở trường lớp và gia đình phải được áp dụng một cách linh hoạt và thống nhất để đảm bảo sự phát triển tâm lý tích cực cho trẻ ở độ tuổi đến trường. 
9. Tìm hiểu những đối tượng khiến con hay trở nên tức giận
Thêm một điều nữa cha mẹ nên quan tâm trong việc dạy con kiềm chế nóng giận, đó là tìm hiểu những đối tượng khiến con hay trở nên tức giận. Ví dụ, nếu con ít tâm sự với bạn và giận dỗi với một lý do không hợp lý, hãy hỏi giáo viên hay bạn bè của con về các vấn đề ở trường lớp, vì có thể con gặp bức xúc gì đó ở trường. Ngoài ra, bạn nên chú ý đến vấn đề xích mích với bạn bè của con. Nếu con hay khóc ở trường và người con có vết cào cấu, thương tích, có thể con bị bắt nạt hay đã đánh nhau với bạn ở trường. 
10. Thực hiện biện pháp phạt, răn đe nếu trẻ cư xử không tốt khi tức giận
Bên cạnh những cách giáo dục và biện pháp tâm lý, phụ huynh cũng nên thực hiện răn đe, xử phạt nếu trẻ không cư xử tốt khi tức giận. Cụ thể, nếu con đánh bạn trong lúc tức giận, cha mẹ có thể phạt con bằng cách không cho con đi sang nhà bạn hàng xóm chơi hay không mua quà như đã hứa với con. Đó là mẹo nhỏ để trẻ ý thức được hành vi tức giận là không tốt và không nên tái phạm. 
Nguyễn Mai Nguồn: LH
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


12 cung Hoàng đạo có bao nhiêu tình yêu đích thực trong suốt cuộc đời?