6 nhóm thực phẩm không nên dùng chung với cà phê
Tin liên quan
Cà phê là thức uống vô cùng quen thuộc và được rất nhiều người ưa thích. Cà phê có thể cung cấp năng lượng tức thời, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, chống viêm và kháng oxy hóa.
Bữa sáng với cà phê là thói quen của không ít người. Chúng ta thường nghĩ rằng ăn món ăn xong, uống một tách cà phê là hoàn toàn bình thường nhưng thực tế, cà phê có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu dinh dưỡng ở một số nhóm thực phẩm.
Trái cây họ cam quýt
Thực phẩm không nên dùng chung với cà phê đầu tiên phải kể đến các loại trái cây họ cam quýt. Cà phê vốn có tính axit tự nhiên, trong khi trái cây vị chua cũng có tính axit khá cao. Hai loại này tiêu thụ cùng lúc có thể kích ứng niêm mạc dạ dày.
Bạn có thể bị khó chịu với các triệu chứng như ợ nóng, đầy hơi, buồn nôn. Vị chua của họ cam quýt cũng làm giảm hương vị thơm ngon đặc trưng của cà phê. Vì vậy, bạn nên thưởng thức riêng với thời gian cách nhau lâu một chút.
Các món chế biến từ thịt đỏ
Thịt đỏ là nguồn thực phẩm giàu sắt, giúp bổ sung một lượng sắt nhất định cho cơ thể, giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt. Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy, uống cà phê có thể cản trở quá trình hấp thu sắt trong ruột.
Tỷ lệ hấp thu sắt từ các món ăn có thể bị giảm gần 40% nếu bạn uống cà phê ngay sau đó. Nếu bạn thích bữa sáng với nhiều thịt đỏ, có thể chọn thức uống khác như sữa hạt, nước ép và thưởng thức cà phê vào một lúc khác.
Sữa
Nghe có vẻ vô lý vì chúng ta vô cùng quen thuộc với ly cà phê sữa thơm lừng, béo ngậy pha lẫn vị đắng tuyệt vời. Tuy nhiên, sự kết hợp này có thể cản trở hiệu quả hấp thu canxi từ sữa, mà nguyên nhân điển hình chính là thành phần caffeine trong cà phê.
Nếu bạn thích thêm sữa vào cà phê, hãy đảm bảo cơ thể hấp thụ đủ canxi từ những thực phẩm khác ở các bữa ăn trong ngày. Nhóm thực phẩm giàu canxi như cá, trứng, hải sản, các loại đậu, các loại rau lá xanh…
Các món chiên rán
Đây cũng là một trong những thực phẩm không nên dùng chung với cà phê. Nghiên cứu cho thấy, uống quá nhiều cà phê (hơn 3 tách mỗi ngày) có thể gây rối loạn lipid máu, khiến lượng cholesterol xấu tăng lên, dễ gây bệnh tim mạch và bệnh mãn tính khác.
Trong khi đó, thực phẩm chiên rán cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tương tự. Chuyên gia sức khỏe khuyến cáo bạn cũng không nên ăn đồ chiên vượt quá 4 lần/tuần. Người có thói quen ăn sáng với thức ăn nhanh và uống cà phê cũng nên thận trọng.
Ngũ cốc dinh dưỡng tăng cường
Nhiều loại ngũ cốc được khuyến khích dùng trong bữa sáng để tăng cường bổ sung kẽm và nhiều khoáng chất cho cơ thể. Tuy nhiên, cà phê có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả hấp thụ kẽm nên hạn chế tiêu thụ cùng lúc.
Bạn có thể thưởng thức ly sữa ngũ cốc cho bữa sáng và uống cà phê ở khoảng giữa hai bữa ăn chính, hoặc ngược lại, thưởng thức cà phê trong bữa sáng và uống ngũ cốc như một bữa ăn phụ.
Thực phẩm quá nhiều muối
Mặc dù tiêu thụ từ 1 đến 3 tách cà phê mỗi ngày là tương đối an toàn nhưng nếu bạn dùng nhiều hơn sẽ gây ảnh hưởng đến huyết áp. Trong khi đó, thực phẩm nhiều muối cũng gây tích tụ natri, giữ nước và làm huyết áp tăng vọt.
Có thể thấy, để uống cà phê ngon và an toàn cần có thời điểm và sự kết hợp thực phẩm hợp lý. Bạn nên uống cà phê vào buổi sáng hoặc đầu giờ chiều, nên uống trước bữa ăn từ 3 - 5 giờ để giảm ảnh hưởng của cà phê đến các dưỡng chất khác.
Nếu bạn đang có những bữa ăn ưu tiên để cải thiện dinh dưỡng như canxi, sắt, kẽm thì nên tránh uống cà phê cùng thời gian. Ngoài ra, cà phê cũng ảnh hưởng một số loại thuốc nhất định, nếu bạn đang điều trị bệnh hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
Hy vọng bài viết sẽ cung cấp thông tin hữu ích về thực phẩm không nên dùng chung với cà phê, đem đến cho bạn chế độ ăn uống khoa học và hiệu quả nhất.
Thiên Khuê (Theo Health)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất