Trải lòng của người cha hiến thận cho con gái
Tin liên quan
Là một trong những người hiến thận được vinh danh tại lễ sơ kết 100 ca ghép thận ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ngày 14/12, ông Đàm Đức Hùng không giấu sự tự hào khi nói về cô con gái 20 tuổi đang học trung cấp dược.
Ông vẫn nhớ như in cách đây 2 năm con gái út vừa thi đại học xong thì bỗng dưng kêu mắt mờ. Đưa con từ quê lên Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) khám, bác sĩ bảo huyết áp cao quá nên chuyển sang khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai. Khi nghe bác sĩ thông báo con bị suy thận mãn giai đoạn cuối mà ông không tin vào tai mình.
Ông Đàm Đức Hùng hiến thận cứu con gái bị suy thận giai đoạn cuối. Ảnh: N.Phương.
“Bác sĩ nói cháu phải chạy thận nhân tạo một tuần 3 lần để duy trì sự sống, tôi thực sự sốc vì trước đó cháu khỏe mạnh”, ông Hùng nói. Bác sĩ nói sao thì làm vậy, đều đặn một tuần 3 lần ông đi xe máy chở con từ Hưng Yên lên Hà Nội chạy thận nhân tạo. Mỗi lần chạy thận mất 4 tiếng, có những hôm chạy ca cuối cùng 23h mới xong thì phải đến 1h sáng hai bố con mới về đến nhà. Cũng vì lịch chạy thận quá dài, không chủ động thời gian mà con đỗ đại học cũng phải bỏ học.
Suốt 7 tháng như thế, ông thương con nên quyết định hiến một quả thận để ghép cho con. “Cháu còn trẻ, còn cả quãng đời dài phía trước, còn tôi thì cũng có thể coi như sống gần hết cuộc đời. Cứu con mà tôi hiến thận, cũng không phải nghĩ ngợi hay lăn tăn gì vì cho con mình. Điều tôi lo lắng lúc đó là quả thận ghép có sống được không, con có sống được lâu”, ông Hùng chia sẻ.
Ca ghép thận thành công. Ngày 27/2 tới sẽ tròn 2 năm con gái được ghép thận. Ông Hùng tự hào vì con có thể sống cuộc sống khỏe mạnh, đi học trung cấp dược, tăng được 5 kg trong khi trước ghép chỉ có 46 kg.
Tiến sĩ Đỗ Gia Tuyển, Trưởng khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: N.Phương.
Ca ghép thận đầu tiên Bệnh viện Bạch Mai thực hiện vào năm 2005, bệnh nhân hiện sức khỏe bình thường đang làm việc tại Nga. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 109 ca ghép thận.
Tiến sĩ Đỗ Gia Tuyển, Trưởng khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các ca ghép thận tại bệnh viện 100% là từ người cho sống, bố mẹ cho con, anh em cho nhau… Trước ghép, đa phần bệnh nhân đều có thời gian chạy thận nhân tạo. Người chạy thận nhân tạo dài nhất trước khi được ghép thận là 12 năm, nữ bệnh nhân này sau 3 năm ghép thận đã sinh con. Ông Tuyển từng gặp bệnh nhân ghép thận sống được đến năm thứ 41 sau khi ghép thận.
“Với những bệnh nhân suy thận mãn, ghép thận là lựa chọn tốt nhất, chạy thận nhân tạo giúp bệnh nhân kéo dài cuộc sống nhưng chất lượng sống thấp. Người bệnh thường xuyên ra vào bệnh viện, chưa kể tuân thủ điều trị, uống thuốc hết sức nghiêm ngặt…”, tiến sĩ Tuyển nhấn mạnh.
Bệnh viện Bạch Mai hiện có 600 bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ. Nhu cầu ghép của bệnh nhân là rất lớn, tiến sĩ Tuyển cũng thừa nhận ngoài vấn đề thiếu nguồn tạng, chi phí mỗi ca ghép cũng là rào cản lớn dù bảo hiểm đã chi trả rất nhiều.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, ghép thận đã trở thành hoạt động thường quy tại bệnh viện. Đến nay bệnh viện ghép được 2 ca thận trong một ngày, đây là một trong những bước chuẩn bị để bệnh viện tiến tới thực hiện ghép tim.
Theo Vnexpress
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất