Thuốc giải rượu trôi nổi, uống vào hại thân?
Tin liên quan
Cẩn trọng với thuốc giải rượu trôi nổi
Trên thị trường Tết hiện nay, có nhiều quảng cáo về thuốc giải rượu “xịn”, được xách tay từ nước ngoài về. Giá của các loại thuốc này cũng rất phong phú từ vài trăm nghìn đồng cho tới tiền triệu. Bên cạnh những loại thuốc giải rượu, trên thị trường cũng xuất hiện một số thực phẩm chức năng gắn mác giải rượu thải độc cho gan.
Trao đổi với Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khi bị say rượu, tuyệt đối không nên uống thuốc giải rượu, cố nôn, không uống nước chanh và đi ra ngoài. Những sai lầm này rất dễ gặp phải ở người say rượu dẫn tới nguy cơ tử vong.
“Chưa có loại thuốc giải rượu nào chứng minh có tác dụng rõ ràng. Thuốc giải rượu chỉ hỗ trợ một phần, bù vitamin, muối, đường chứ không làm thay đổi hẳn triệu chứng ngộ độc rượu”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.
Không dùng thuốc giải rượu, các loại vitamin để giải độc rượu, (ảnh minh họa).
Cần phải cảnh giác với các loại thuốc giải rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Khi lạm dụng dùng rất nguy hiểm cho sức khỏe, vì bản chất không có loại thuốc nào có thể giải được ethanol trong rượu.
Bác sĩ Nguyễn Bạch Đằng (Học viện quân y 103) cho hay, chuyển hoá ethanol chủ yếu tại gan, chỉ 2-15% được đào thải qua hơi thở, nước tiểu và qua da. Có 3 hệ enzym trong gan tham gia vào quá trình chuyển hoá ethanol. Trong đó, enzym alcohol dehydrogenase đóng vai trò quan trọng nhất (chuyển hóa khoảng 80% ethanol).
Quá trình chuyển hóa rượu có sự tham gia của một số chất như đường; các loại vitamin nhóm B1, B6, PP; một số axit amin như: acid succinic, acid fumaric, acid glutamic. Những chất này là thành phần chính của hầu hết các loại thuốc giải rượu bán trên thị trường.
“Về bản chất các loại thuốc giải rượu chỉ có tác dụng bổ sung những chất cơ thể thiếu do sử dụng để chuyển hóa ethanol. Như vậy thuốc giải rượu chỉ có tác dụng chuyển hóa một lượng ethanol rất nhỏ. Nó không xử lý được lượng ethanol trong cơ thể khi uống nhiều như mọi người vẫn lầm tưởng. Bệnh nhân say rượu, không uống các loại vitamin và acid folic để giảm đau đầu, vì thói quen này gây hại cho gan”, bác sĩ Bạch Đằng nói.
Từ những phân tích về thuốc giải rượu, bác sĩ Bạch Đằng khuyến cáo, khi say rượu tuyệt đối không uống thuốc giải rượu. Đặc biệt, những loại thuốc giải rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, khi uống vào có thể gây ngộ độc, hại gan.
Ngộ độc rượu có thể bị tử vong
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho hay, ngộ độc rượu phổ biến nhất là methanol. Ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Đối tượng ngộ độc methanol khi tới cấp cứu thường nặng và tỷ lệ tử vong rất cao.
Theo bác sĩ Nguyễn Bạch Đằng, methanol hấp thu 80% ở ruột non. Vì vậy, sự có mặt của thức ăn làm thay đổi tốc độ hấp thu của rượu. Khi uống rượu nếu dạ dày trống rỗng, nồng độ đỉnh cao (say) sau khi uống khoảng 30-60 phút.
“Rượu là một chất gây ra ức chế thần kinh trung ương nồng độ cao có thể gây ra ngộ độc. Khi đó, chức năng vỏ não ở phần trên bị ức chế. Người uống rượu với nồng độ 150mg/dL có thể gây ngủ lịm, mất điều hòa. Nồng độ cao tới 250mg/dL có thể gây hôn mê và gây tử vong khi nồng độ trên (450mg/dL)”, bác sĩ Bạch Đằng nói.
Methanol nồng độ cao như là thuốc mê, ức chế thần kinh Trung ương gây rối loạn chức năng tự động (hạ thân nhiệt, tụt huyết áp), trụy tim mạch, hôn mê và tử vong do ức chế hô hấp.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất