Nhà có người mắc sốt xuất huyết, người còn khỏe cần lưu ý điều gì?
Tin liên quan
Nhà có 3 người nhưng có 2 người đang mắc sốt xuất huyết là chồng và con, chị Đào (Cầu Giấy, Hà Nội) cả tuần nay luôn tay luôn chân. Hết giờ làm, chị Đào lại tất tả lên viện, mua đồ ăn cho chồng con. Do những cơn sốt cao liên tục xuất hiện nên chồng, con chị Đào thay đổi tính nết. Ăn uống khó hơn, nhiều món hàng ngày thích ăn lại không chịu, mà thích đổi các món khác có tính mát và nhiều nước hơn.
Theo lời chị Đào, phục vụ đồ ăn đã là một chuyện còn thêm cả việc lo lắng bản thân cũng có thể bị sốt xuất huyết khiến chị đứng ngồi không yên. Về đến nhà, việc đầu tiên chị phải cầm vợt điện bắt một lượt muỗi đặc biệt trên các lớp quần áo, chăn màn sau đó mới vào bếp.
Xung quanh nhà chị Đào cũng có một số người mắc. Tuy nhiên, bản thân chị hiểu ai sống gần đó cũng có nguy cơ. Bởi con muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết có thể đốt nhiều người trong nhà.
"Tôi vẫn tiếp tục theo dõi nhiệt độ cơ thể. Nếu có dấu hiệu gì bất thường như sốt liên tục, nhức mỏi cơ thể, đau hốc mắt, mệt mỏi sẽ đến bệnh viện để kiểm tra nhằm phát hiện sớm sốt xuất huyết. Trước đây, nhiều người còn tự truyền dịch tại nhà. Nhưng hiện nay, ai cũng nâng cao cảnh giác, cứ đến bệnh viện khám đã sau đó sẽ có chỉ định cụ thể", chị Đào nhấn mạnh.
Cả nhà có 5 người nhưng còn mỗi anh Nam và mẹ già hơn 80 tuổi vẫn chưa bị sốt xuất huyết. Anh Nam cho hay, gia đình anh phòng chống rất kỹ lưỡng như dùng các loại tinh dầu để diệt muỗi, chiều tối đóng hết cửa sổ đề phòng muỗi vào, dùng vợt muỗi bắt liên tục. Tuy nhiên, có thể khi đi ra bên ngoài, đi học thêm nên con anh vẫn bị sốt xuất huyết.
"Con tôi lúc đầu xuất hiện sốt cao. Tôi cứ nghĩ sốt virus. Sau khi hạ sốt cả buổi chiều không được nên đành phải đưa đến bệnh viện. Các bác sĩ cho xét nghiệm tiểu cầu thấy hạ thấp nên chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Sau đó, vợ tôi cũng bị. Nhà còn 2 người, may mắn chưa bị nhưng cũng không nói trước được điều gì", anh Nam cho hay.
Cần chú ý gì khi nhà có người mắc sốt xuất huyết?
Chia sẻ với báo chí, TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng) cho hay, với gần 59.000 ca mắc sốt xuất huyết (50.497 ca nhập viện), 17 ca tử vong, so với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 9,7%.Hiện dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh ở Hà Nội. Hà Nội đang đứng thứ 3 cả nước về số ca mắc tuyệt đối (gần 7.000 ca), con số mắc trên 100.000 dân đứng thứ 19.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, với gia đình có người mắc sốt xuất huyết, những thành viên khác chưa bị phải theo dõi sát sao tình hình sức khỏe. Thời gian ủ bệnh của sốt xuất huyết 7-10 ngày trước khi phát bệnh, do đó ở thời kỳ này sẽ xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn... Khi có những dấu hiệu này phải cảnh giác, tiếp đó sẽ là sốt cao.
Tuy nhiên, sốt cao chỉ là biểu hiện ban đầu của nhiều bệnh như cảm cúm, sốt virus, viêm họng. Do đó, khi có dấu hiệu sốt cao phải theo dõi liên tục. Nếu dùng thuốc hạ sốt xong vẫn tiếp tục sốt cần đến ngay cơ sở y tế để khám kịp thời, xét nghiệm tiểu cầu trong máu để phát hiện sớm xuất huyết.
Những người trong nhà chưa bị mắc bệnh không nên hoang mang lo lắng mà phải thực hiện chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng, bổ sung thêm hoa quả tươi đặc biệt là nước cam, chanh chứa nhiều vitamin C để nâng cao hệ miễn dịch.
Dù có người trong nhà đã bị sốt xuất huyết vẫn phải thực hiện ngủ màn và diệt muỗi đầy đủ, không có nghĩa đã bị sốt xuất huyết là không bị lại. Việc diệt loăng quăng/bọ gậy phải thực hiện thường xuyên. Tất cả các dụng cụ chứa nước phải đậy nắp kín sau khi dùng, lọ hoa hay các lọ trồng cây leo phải dọn dẹp thường xuyên.
Bên cạnh đó, có thể các thành viên trong nhà bị sốt xuất huyết thì khi có chủ trương diệt muỗi bằng cách phun thuốc phòng trừ từ cơ quan chức năng địa phương vẫn phải chấp hành đầy đủ nhằm bảo vệ chính gia đình và mọi người xung quanh.
Đông Phong
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất