'6 điều cấm kỵ' và '4 điều bắt buộc' khi sử dụng đồ gỗ: Nếu chưa biết tốt nhất không nên sắm làm gì!

2020-10-09 14:20
- Nội thất chất liệu gỗ luôn là những món đồ sang trọng và đắt đỏ, tôn thêm đẳng cấp cho ngôi nhà của bạn. Tuy nhiên, nếu không được bảo dưỡng và vệ sinh đúng cách, nội thất đồ gỗ lại rất nhanh hỏng và xuống cấp.

6 điều cấm kỵ khi bảo dưỡng đồ gỗ  

Đồ nội thất bằng gỗ rất dễ bám bụi, do đó nhiều gia đình đã hình thành thói quen tốt , đó là định kỳ làm sạch chúng. Tuy nhiên, rất nhiều người đã lựa chọn phương pháp sai lầm khi lau chùi, khiến đồ gỗ nhanh chóng "phai nhạt dung nhan" và xuống cấp.  

1. Đặt đồ gỗ ở nơi nhiệt độ quá nóng, quá lạnh hoặc độ ẩm cao  

Đồ gỗ nội thất tuy đẹp nhưng chúng dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Nếu phơi bàn ghế gỗ dưới nắng gắt hay bày trí ở nơi có ánh nắng trực tiếp chiếu vào, hoặc nơi khô ráo quá mức (gần chỗ đặt lỗ thông khí đốt nóng hoặc lỗ thông máy điều hòa)... sẽ làm co ngót, giảm độ ổn định và độ bền của gỗ. Nhiều trường hợp do nhiệt độ nóng quá mà mặt gỗ của đồ nội thật không chỉ mất màu mà còn bị nứt, gẫy, biến dạng. Để giải quyết vấn đề, trong những ngày trời nắng, bạn nên kéo rèm dày che lắp các loại phim cách nhiệt cho cửa sổ.  

Bên cạnh đó, cũng không nên đặt đồ đạc bằng gỗ trong môi trường ẩm ướt bởi lâu ngày chúng sẽ bị ẩm mốc, bản lề, cầu trượt, lò xo và các bộ phận kim loại khác cũng sẽ bị rỉ sét, ảnh hưởng đến việc sử dụng.  

Do vậy những thiết bị như máy hút ẩm, máy phun sương, điều hòa không khí... đều có ảnh hưởng đáng kể tới đồ gỗ. Vì bạn không thể loại bỏ những sản phẩm này trong nhà, tốt nhất nên kiểm soát chúng ở nhiệt độ hợp lý, bởi quá nóng hay lạnh đều khiến cho đồ gỗ dễ cong vênh, nứt (gỗ tự nhiên), hoặc độ ẩm cao khiến đồ gỗ mốc, sau đó bong tróc (với gỗ công nghiệp).  

2. Sử dụng vượt quá sức chứa của nội thất gỗ 

Người ta nói "Của bền tại người" và đối với đồ nội thất gỗ cũng vậy. Nhiều người thấy gỗ có vẻ chắc chắn nên đặt quá nhiều thứ lên nó, hay để con cái vô tư nô nghịch, chạy nhảy ở phía trên... đều là những hành động không nên.  

Theo lời khuyên của các chuyên gia về lĩnh vực này, bạn đừng đặt đồ nặng lên bàn gỗ trong thời gian dài. Điều này có thể gây nứt và làm biến dạng bàn ghế, thậm chí khiến trọng tâm của chúng không vững chắc dẫn đến hư hỏng. Trong sinh hoạt gia chủ cũng không đặt trực tiếp các đồ vật có đáy sắc nhọn hoặc thô ráp lên bề mặt đồ gỗ, không để chó mèo nghịch ngợm trên bàn ghế và để chúng cào móng, làm hỏng đồ.  

Những nội thất có cánh hoặc ngăn kéo, bạn cần chú ý không mở cửa hoặc kéo ngăn kéo trượt quá mức, không tích tụ quá nhiều đồ đạc hay để trẻ đu bám nghịch ngợm. Nếu để tình trạng đó thường xuyên xảy ra rất có thể làm chúng nhô ra, cong vênh, không đóng khít lại được và cuối cùng là hỏng hóc phải thay thế.  

3. Tận dụng quần áo cũ làm giẻ lau  

Đây là thói quen cũng là sai lầm rất phổ biến trong các gia đình Việt. Việc sử dụng lại quần áo cũ làm giẻ lau nội thất vừa tiện lợi vừa tiết kiệm chi phí nhưng không phải loại quần áo nào cũng có thể dùng được vì chất liệu và đặc điểm của một số đồ có thể làm ảnh hưởng đến gia dụng nhà bạn.  

Cụ thể, các loại quần áo có chất liệu thô ráp hoặc có đính cúc áo, khóa kéo, vật trang trí… thì tuyệt đối không nên dùng làm giẻ lau vì khi trực tiếp chà xát lên đồ nội thất, nhất là các vật làm bằng chất liệu gỗ quý hiếm, chúng có thể gây xước mặt gỗ, hỏng nước sơn khiến đồ nội thất gỗ xuống cấp, giảm giá trị.  

Các loại quần áo có chất liệu thấm hút nước kém hay cũ quá cũng không nên được trưng dụng trong công việc lau chùi đồ gỗ vì hiệu quả làm sạch chẳng thấy đâu mà còn có thể khiến nội thất nhà bạn bị đọng nước, thêm bám bụi là những bông vải từ quần áo cũ bám vào. Đây là nguyên nhân khiến đồ nội thất gỗ bị mất đi độ bóng, nhanh cũ và xỉn màu.  

Lựa chọn thích hợp nhất để lau đồ nội thất là những loại vải cotton 100%, đặc biệt là các loại khăn mặt, vải bông mềm và tốt nhất hãy cắt ra thành những miếng nhỏ sẽ rất tiện lợi khi lau chùi các vật dụng.  

4. Dùng nước, chất tẩy rửa để làm sạch đồ nội thất  

Tuy các sản phẩm tẩy rửa được sản xuất với mục đích làm sạch nhưng chúng lại rất cấm kỵ với các sản phẩm làm từ gỗ, nếu dùng sai còn có thể hủy hoại "nhan sắc mĩ miều" vốn có của đồ nội thất nhà bạn.  

Đồ nội thất gỗ có tính năng dễ hút nước, nếu bạn thường xuyên lau chúng bằng nước, một thời gian sau đồ nội thất sẽ bị căng phồng hoặc biến dạng, thậm chí mọc mốc, không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan, mà còn tác động xấu đến sức khỏe người sử dụng.  

Đối với các chất tẩy rửa với đặc tính làm sạch cao như xà phòng, nước rửa chén… luôn có axit khá mạnh, ăn mòn nhanh. Khi bạn sử dụng chúng để lau chùi thì các vật dụng bằng gỗ sẽ bị mất đi lớp bề mặt hay lớp sơn bao phủ, vì thế chúng sẽ mất đi độ sáng bóng, vẻ hào nhoáng sang chảnh ban đầu cũng không còn.  

5. Dùng giẻ quá khô hoặc quá ướt để lau đồ nội thất gỗ  

Sử dụng giẻ lau quá khô sẽ khiến bề mặt vật dụng ma sát nhiều dẫn đến trầy xước, còn giẻ lau quá ướt sẽ làm đồ gỗ bị căng phồng do thấm nhiều nước. Các dấu hiệu trầy xước hay căng phồng này không thể thấy ngay được nhưng sau một thời gian do lau chùi nhiều lần, những vết xước ấy sẽ hiện lên rõ hơn làm cho đồ nội thất không được sáng bóng nữa, thậm chí thô ráp.  

Bên cạnh đó, giẻ lau quá ướt cũng là thứ chống chỉ định với đồ gỗ. Vì đặc tính hút ẩm cao, đồ gỗ tiếp xúc với giẻ lau nhiều nước lập tức sẽ hút nước, thường xuyên và lâu dần sẽ ảnh hưởng đến nước sơn, làm phai màu gỗ, giảm tính thẩm mỹ ban đầu của nội thất. Do đó tốt nhất gia chủ nên dùng giẻ lau là vải cotton mềm và làm ẩm vừa phải để vệ sinh đồ nội thất gỗ trong nhà nhé.  

6. Đặt vật quá nóng hoặc quá lạnh lên đồ gỗ  

Đơn cử như việc bạn đánh rơi tàn thuốc lá lên bề mặt gồ, sẽ lập tức khiến màu sắc tại vị trí tàn thuốc lá rơi bị biến sắc, thậm chí để lâu nó còn có thể khiến mặt gỗ bị xém lửa nhìn rất xấu. Hay bạn đặt một cốc nước sôi trên mặt bàn, vị trí đáy cốc nóng tác động lên mặt gỗ sẽ làm nhạt đi màu sơn gây loang lổ, thậm chí khô nứt bề mặt.  

Đối với vật quá lạnh để tiếp xúc lâu với bề mặt gỗ có thể kiến gỗ co lại, nứt sơn. Hoặc đơn giản như bạn đặt một cốc nước đá lạnh, hay đồ vật lấy từ tủ lạnh ra để trên mặt bàn, lập tức hơi nước trong không khí gặp bề mặt lạnh sẽ ngưng tụ lại thành những giọt nước li ti rồi chảy xuống mặt bàn. Khi hiện tượng này xảy ra nếu không thu dọn kịp thời sẽ khiến mặt bàn bị loang nước rất mất thẩm mỹ.  

Do đó nếu sử dụng bàn ghế gỗ, tốt nhất gia chủ nên sử dụng kèm khăn trải bàn, mặt kính hoặc các loại khay, đế để lót tránh đồ vật tiếp xúc trực tiếp bề mặt đồ gỗ. Đây là cách bảo vệ đồ gỗ hiệu quả và nếu khéo chọn còn góp phần tạo nên vẻ đẹp riêng cho nội thất nhà bạn.  

"Bốn điều cần thiết" để bảo trì đồ gỗ  

Trên tinh thần tránh những điều cấm kỵ phía trên và tạo điều khiện để đồ gỗ nội thất được bền đẹp, sáng bóng tăng vẻ sang trọng cho không gian gia đình, gia chủ cần nhớ 4 quy tắc sau trong bảo quản:  

Thứ nhất, đảm bảo môi trường trong nhà thông thoáng và khô ráo bằng cách thường xuyên duy trì hệ thống thông gió trong nhà. Điều này sẽ giúp không khí ẩm trong nhà có thể được trao đổi với bên ngoài, và các chất hóa học của đồ gỗ có thể bị bay hơi ở mức độ lớn nhất và thải ra ngoài trời.  

Thứ hai, nội thất gỗ phải được sắp xếp cân đối và ổn định để đảm bảo thuận tiện trong sử dụng, tránh di chuyển hay sắp xếp lại nhiều có thể làm hỏng kết cấu đồ đạc. Khi sử dụng đồ gỗ cũng cần nhẹ tay, tránh các hành động nhanh và mạnh có thể gây tổn hại đến bề mặt và âm ỉ khiến kết cấu bên trong (các chốt, khớp nối, bản lề…) lỏng lẻo, gẫy hỏng rất phiền phức trong việc sửa sữa và ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của nội thất.  

Khi kê đặt đồ vật nếu sàn nhà không bằng phẳng, hãy xác định và gia cố thêm để phần chân của đồ nội thất được chắc chắn, đảm bảo khi sử dụng chúng được cân bằng, nếu không nó sẽ ảnh hưởng đến sự thoải mái của người dùng cũng như có thể làm hỏng ghế.  

Thứ ba, thường xuyên lau chùi và vệ sinh đồ gỗ, giúp duy trì giá trị cao cấp của chúng.  

Việc quét bụi và lau chùi thường xuyên giúp lấy đi sự hình thành dầu mỡ, chất xơ và bụi bẩn – những thứ có thể làm yếu đi lớp hoàn thiện đồ gỗ. Cần lau chùi đồ nội thất bằng vải cotton loại mềm, không có tạp chất và không có sợi thô được làm ẩm bằng nước hoặc xi bóng tùy theo dạng gỗ. Việc lau bằng khăn khô có thể làm trầy xước lớp hoàn thiện. Lau đồ gỗ nhẹ nhàng và đổi mặt vải lau thường xuyên. Sau đó, dùng một loại xi bóng gỗ chất lượng tốt để bảo vệ bề mặt đã được làm sạch theo bản hướng dẫn của nhà sản xuất.  

Thứ tư, phòng chống mối, mọt, gián, chuột… tấn công gây hư hại đồ gỗ. Việc làm này không phải ai cũng nghĩ đến nhưng rất cần thiết vì đồ gỗ, nhất là gỗ tự nhiên luôn là món ăn ưa thích của một số loại côn trùng kể trên. Một số biện pháp hiệu quả có thể kể đến là:  

- Đánh véc-ni: Đây là một phương pháp hiệu quả để cách diệt mối mọt cho đồ gỗ. Chỉ cần quét 2 – 3 lớp véc-ni lên đồ gỗ, không chỉ ngăn lũ mối ăn mòn gỗ mà còn mang lại một vẻ ngoài bóng bẩy như mới.  

- Sử dụng nhớt thừa từ xe máy : Quét một lớp lên bề mặt gỗ hoặc những nơi có lỗ mối mọt, dầu nhớt sẽ xua đuổi lũ côn trùng này. Để đồ gỗ mới được quét nhớt ra nơi khô thoáng khoảng 5, 10 phút, sau đó lau sạch bằng khăn ướt và lau lại với khăn khô, hiện tượng mối mọt sẽ giảm đi nhanh chóng.  

- Sử dụng axit boric:  Bạn có thể mua gói bột này ở cửa hàng thuốc thú y và trộn với nước rồi cho vào chai, sau đó xịt vào những nơi có mối, dung dịch này sẽ chống mối mọt cho đồ gỗ vô cùng hiệu quả.  

- Hàn the : Bạn chỉ cần pha bột hàn the với nước theo chỉ dẫn trên bao bì. Phun dung dịch vào gỗ và để khô hoàn toàn. Cần lặp lại một vài lần sau những trận mưa lớn, trời nồm để duy trì hiệu quả phòng chống mối.  

 

Theo V.K - Vietnamnet  

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Dàn sao Việt rộn ràng ăn mừng Messi và đồng đội vô địch World Cup 2022