Vội vã săn “sale” – Tưởng lời hóa lỗ
2014-12-26 09:57
- Đừng chỉ nhìn giá và cũng đừng chỉ nhìn xem váy áo giày dép được giảm giá ấy xấu hay đẹp.
Tin liên quan
Mùa đại hạ giá mạnh nhất trong năm đã bắt đầu, và với những nàng nghiện mua sắm, những biểu tượng “Sale” khắp mọi nơi, từ các cửa hàng trên phố đến những website bán hàng trực tuyến, đều hấp dẫn như những con mồi non tơ tưởng như dễ bắt được trong tầm tay. Nhưng cũng chính vì sự mất cảnh giác này, nhiều người mua lại trở thành con mồi của mùa “chặt chém – lừa đảo”. Những bài học không quá mới, nhưng chẳng bao giờ cũ, bạn cần lưu ý những điểm dưới đây để không bao giờ lãng phí tiền vì những món hàng giảm giá dễ tưởng là cho không.
1. Đừng “trông mặt mà bắt hình dong”
Những trường hợp mua phải hàng kém chất lượng trong những đợt giảm giá đã trở nên quá phổ biến đến mức bạn sẽ muốn thốt lên rằng “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Nhưng chính bạn lại rất dễ quên đi vấn đề này khi để mình bị cơn bão “đại hạ giá cuối năm” cuốn đi tới mụ mị đầu óc. Nếu như vào những dịp thông thường, khi nhìn thấy một chiếc áo đẹp được chào bán trên mạng với giá hời, bạn có thể còn tâm trí mà nghi ngờ rằng chất lượng bên ngoài của hàng thực tế sẽ không được long lanh như trong ảnh quảng cáo. Nhưng nếu kiểu hàng này bị trà trộn vào mục “giảm giá cuối năm”, bạn sẽ lơ là mà chẳng còn đặt câu hỏi nghi ngờ này nữa. Nếu bạn cứ yên tâm mà đặt mua một món hàng giảm giá sát ngày đi chơi Tết, rất có thể bạn sẽ phải “méo mặt” khi nhận được hàng mà không kịp “trở tay”, chất liệu, màu sắc, thậm chí cả kiểu dáng có thể sai lệch hoàn toàn với những gì bạn tưởng tượng.
Không chỉ với hàng bán online, hiện tượng trà trộn hàng tốt – xấu cũng xảy ra phổ biến với những đợt xả hàng chớp nhoáng tại các cửa hàng ven đường, các khu chợ, thậm chí ở một số trung tâm thương mại. Trong lúc đông đúc mải chen chúc, giành giật với mọi người xung quanh, hòa với tâm lý đám đông hào hứng, bạn sẽ không có cơ hội được kiểm tra kỹ càng chất lượng của món đồ mình mua. Cho đến khi mang hàng về nhà và phát hiện ra “sự đã rồi”, bạn sẽ thấy rằng để rước về nhà một món đồ rởm thì dù chỉ phải bỏ ra 1/3 giá tiền cũng là quá lãng phí.
2. Bạn có thật sự cần mua?
Những biển quảng cáo “đại hạ giá” luôn khiến bạn lao vào như con thiêu thân, và khi nhìn thấy một món hàng được chào bán với giá cực thấp, cứ coi như sau khi bạn đã kiểm tra kỹ càng chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, bạn vẫn có thể khiến mình “viêm màng túi” nặng sau khi đã mua về. Lý do đơn giản, bạn quên mất việc trả lời câu hỏi “Mình có thực sự cần món đồ này?”.
Bài học này thoáng nghe có vẻ phi lý, nhưng lại là trường hợp rất nhiều người mắc phải. Ví dụ như khi bạn muốn mua giày giảm giá, và đi vào một cửa hiệu có trưng biển “Sale off”; theo kế hoạch mua sắm, bạn muốn mua một đôi giày cao gót để đi chơi Tết cho phù hợp với mấy bộ váy đầm đang có, nhưng những mẫu giày ấy chỉ giảm 10 – 20%; rồi bỗng dưng bạn nhìn thấy một đôi bốt cao ngang đùi hàng hiệu cao cấp được giảm giá đến 80% và đổi ý muốn sắm nó ngay lập tức vì thấy đây quả là cơ hội có một không hai. Nhưng hỡi ôi, khi đã mua về nhà rồi, bạn mới phát hiện ra mấy bộ đầm có sẵn đều chẳng hợp với đôi bốt ấy gì cả, và bạn lại phải bỏ tiền mua thêm vài chiếc chân váy jupe ngắn khác để “đỡ phí đôi bốt”, tính ra thì bạn đã thâm hụt ngân sách kha khá và ngậm đắng nuốt cay cho qua sự bồng bột này.
Nhiều trường hợp, có người khi tìm thấy những mặt hàng được giảm giá quá mạnh, dù không thực sự cần sử dụng đến, nhưng lại có tâm lý rằng “mình có thể bán lại để kiếm lời”. Với phương châm “không mua thì tiếc”, bạn lại quá phó mặc cho sự may rủi khi mà bản thân không thực sự có kinh nghiệm kinh doanh. Trừ khi bạn đã có ý định “kiếm hàng rẻ để bán lại”, đã có kế hoạch kinh doanh cụ thể hoặc xác định được chính xác người cần mua, không nên đánh liều vào những phi vụ mua đi bán lại chớp nhoáng như thế này. Nếu tiêu quá nhiều tiền để đầu tư vào hàng giảm giá, rất có thể bạn sẽ phải đón Tết cô đơn và lạnh lẽo quanh những đống hàng hóa vô dụng ế ẩm.
3. Đồ Outlet chưa chắc đã là đồ hiệu
Người tiêu dùng Việt Nam càng ngày càng quen thuộc với khái niệm “Outlet”, tạm hiểu là hàng tồn kho hoặc hàng có lỗi sản xuất nhỏ được “thải” ra từ các thương hiệu thời trang cao cấp. Với cách hiểu này, nhiều người cho rằng việc mua được đồ hiệu với giá bình dân là một điều trong tầm tay, trở thành một thói quen tiêu dùng thông thái. Tuy nhiên, nhiều người trong ngành đã tiết lộ rằng, rất nhiều nhà sản xuất đã cố tình sản xuất những mặt hàng dành riêng cho các cửa hàng Outlet. Có nghĩa là, đồ bạn mua trong các cửa hàng Outlet chưa chắc đã có chất lượng hay mẫu mã giống với những sản phẩm trong các cửa hàng chính hãng, thứ duy nhất giống nhau chỉ là cái nhãn mác gắn ở gáy áo mà thôi.
Để mở rộng thị trường và nâng cao lợi nhuận, nhiều nhà máy đã lập hẳn những bộ phận chuyên sản xuất đồ Outlet, với đầu tư chất liệu, sợi vải kém hơn, giá thành rẻ hơn. Nhưng khi đưa ra thị trường, họ vẫn in mức giá gốc tương đương với hàng loại 1, rồi in kèm mức “giá đã giảm” để người tiêu dùng cảm thấy mình đang gặp được ưu đãi hấp dẫn. Nếu bạn lựa chọn đồ Outlet với một tâm lý dễ dãi hơn đi mua hàng hiệu, rất có thể bạn chỉ đang mua hàng chợ với giá trị tinh thần bị lừa đảo ngoạn mục mà thôi. Đấy là chưa kể đến nhiều trường hợp, các chủ cửa hàng sẽ trà trộn hàng Outlet với hàng nhái (Fake) khiến người mua càng bị thiệt hại nhiều hơn.
4. Nếu không mặc vừa thì đừng cố
Nhiều mặt hàng hạ giá do tồn kho thường có đặc điểm chung là không còn nhiều lựa chọn về kích cỡ, đây là một điều dễ hiểu. Chính vì vậy, rất nhiều người mua có tâm lý tiếc rẻ sẽ cố mua những chiếc áo rộng hơn một số hoặc đôi giày chật hơn một số so với kích cỡ thật của mình. Nhưng một chiếc áo không vừa vặn sẽ mất đi giá trị thời trang, một đôi giày không thoải mái sẽ mất đi thứ khiến nó được yêu thích hơn hàng chợ giá rẻ. Trong lúc hào hứng mua sắm, bạn có thể nghĩ rằng những chênh lệch ấy là không đáng kể, và có thể khắc phục được. Nhưng đến khi mặc thử và nhận phải những lời chê bai, bạn sẽ thấy rằng đó là một quyết định sai lầm. Cố quá sẽ thành “quá cố”, đừng chuốc bực bội và thất vọng vào mình khi cố mua những món đồ hạ giá không vừa cỡ. Trong những trường hợp tìm được váy áo hay giày dép giảm giá mà không vừa, hãy tự an ủi mình bằng cách tin vào… duyên phận: Nếu có duyên thì… mùa giảm giá sau xin gặp lại, còn giờ thì đừng nỡ ép kẻo “xôi hỏng bỏng không”.
5. Miễn đổi trả hàng
“Miễn đổi trả hàng” – đó là quy tắc được áp dụng cho tất cả các buổi bán hàng giảm giá, và đó là yếu tố khiến bốn nhược điểm phía trên càng trở nên nặng nề. Bạn cảm thấy hàng không đủ chất lượng, không vừa vặn, không hợp phong cách v.v…, bạn đều không thể đổi trả hàng và không được hoàn tiền. Chính vì vậy, mỗi khi mua đồ giảm giá, bạn sẽ phải cân nhắc gấp đôi, suy nghĩ gấp đôi khi thời gian chỉ còn một nửa so với những lúc mua sắm thông thường. Dòng chữ “Miễn đổi trả hàng” thường được in rất nhỏ dưới chữ “Đại hạ giá” trên những biển quảng cáo, nhưng nếu nhìn thấy nó, hãy coi đó là một tiếng chuông báo động để bạn tỉnh mộng và đánh thức lại bản năng của “người tiêu dùng khó tính” bên trong mình.
Eve Nguyễn - Tổng hợp
(Theo congluan.vn)
(Theo congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Giảm mỡ toàn thân ngay tại nhà (P2)
#giam gia, sale off, cuoi nam, canh giac, mau ma, hang gia, lua dao, that vong, chu y, outlet, size
#tóc tiên, tóc tiên 2014, street style tóc tiên, fashionista, fashionista châu á, fashionista việt nam, thời trang, phụ nữ, báo phụ nữ, thế giới phụ nữ, xu hướng 2014
#emdep, emdep.vn, em dep