Tôi - Cô gái thích váy áo "đã qua một lần đò"

Eve Nguyễn 2014-08-29 09:26
- (Em đẹp) - Bạn có thể có hàng ngàn lý do để không mặc đồ cũ, nhưng đối với tôi, mua quần áo đã qua sử dụng cũng là một cách để sống thân thiện hơn với môi trường.


Giá càng rẻ lại càng tự hào

Ngày đầu tiên bước chân vào trường đại học, tôi khoác lên mình những chiếc váy hàng thùng và tự hào khoe với những cô bạn mới về cái giá dưới 50 ngàn đồng. Chúng tôi kết bạn bằng cách đó, thay vì xấu hổ giấu nhẹm nó đi hay tìm cách khẳng định đẳng cấp cá nhân bằng những món đồ đắt tiền.

Tôi và bộ cánh "hàng thùng" 

“Mặc đẹp dưới một trăm nghìn” - "Tôn chỉ" thời trang của tôi năm ấy, và rồi trở thành nguồn cảm hứng cho những cô bạn xung quanh, một thú vui, một cách để chúng tôi xích lại gần nhau không phân biệt giàu nghèo, nông thôn hay thành phố. Những buổi rong ruổi lang thang giữa những khu chợ hàng thùng, giữa chúng tôi như có một cuộc đua ngầm vui vẻ, thi đấu xem ai có thể mua được một món đồ thú vị với giá rẻ nhất. Có những lúc tôi muốn tự phá kỷ lục của chính mình, cứ lục tìm mãi những món đồ rẻ hơn, rẻ hơn nữa. Nó không phải là cuộc đua của những kẻ hà tiện, nhưng giống như một cách để chúng tôi chế nhạo những cô gái khác, bỏ ra rất nhiều tiền bạc nhưng chưa chắc đã có thể có diện mạo thời trang đẳng cấp hơn chúng tôi. Chà, thực ra nó cũng là một cách tự an ủi chính mình của sinh viên nghèo. 
 
Tôi vẫn vô tư đi mọi nơi với chiếc áo giá chỉ 10.000 VNĐ

Tôi đã từng mua được những chiếc áo phông có giá 10 nghìn đồng và cả một chiếc áo măng tô dài tới mắt cá có giá chỉ 100 nghìn đồng, ở một cửa hàng bán đồ cũ gần nhà mà rất nhiều lần trước đó đi qua tôi tưởng nó là một… bãi rác. Để rồi sau đó, tôi cảm giác như thể như mình là một người may mắn tìm được kho báu trong thùng rác mỗi lần tìm được một chiếc áo, chiếc váy xinh xắn có giá chưa bằng một bữa sáng. 

Có thể bạn sẽ hỏi, tôi có cảm thấy mình rẻ rúng đi khi khoác lên mình những món đồ ấy? Cảm giác của tôi hoàn toàn ngược lại. Hãy thử tưởng tượng xem, khi tôi và bạn cùng được người khác khen rằng, “Ồ, chiếc áo của bạn đẹp quá”, và bạn trả lời rằng “Cảm ơn, tôi mua giá 100 ngàn đó”, còn tôi thì lại thản nhiên nói “Cảm ơn, còn áo tôi mua giá chỉ 10 ngàn”. Một món hời, cả về giá trị vật chất lẫn tinh thần.

Chính cái giá tiền thấp không thể nào tin nổi ấy khiến người khác không thể nào quên được những món đồ mà tôi đã từng mặc. Là thứ khiến mỗi chiếc áo, chiếc khăn trở nên độc nhất vô nhị, khác biệt hoàn toàn với những món đồ mới tinh bọc trong túi nilong bóng kính. Là thứ để ta tự hào khoe với mọi người về lối sống và sở thích dị biệt của mình. Thế nên, đã không ít lần, tôi bỏ qua những món đồ rất hay ho tại chợ đồ cũ, không phải vì nó quá đắt, mà bởi vì nó không rẻ. Rõ ràng tôi vẫn thừa tiền để mua cái áo hay đôi giày đó chứ, nhưng một giá tiền gần bằng với những món đồ mới bán ngoài phố, chiếc áo, đôi giày ấy đang từ chỗ rất đặc biệt, bỗng trở nên tầm thường, không còn cái cá tính đặc trưng của những món đồ cũ, không còn thứ phép màu đặc biệt quyến rũ tôi như lúc ban đầu.

Mặc đồ cũ để sống chậm lại

Khi mua đồ cũ, bạn không thể chọn trước, không thể biết trước mình sẽ mua được món đồ như thế nào. Có khi định tìm mua áo khoác lại mua được chân váy, có khi định tìm mua chân váy lại tìm được khăn quàng. Có người nói đi mua đồ hàng thùng phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng tìm bới. Tôi lại nghĩ rằng nó phụ thuộc vào nhân duyên. Khi ngồi trong một căn nhà ngập đầy áo quần ngổn ngang mà nếu đứng lên suýt nữa đầu sẽ chạm vào trần nhà, bạn sẽ hiểu được điều đó. Chiếc áo dành cho bạn, nó sẽ nằm ở đâu trong vô vàn những mảng vải sắc màu ấy, có khi nào nó ở ngay tầm tay, có khi nào nó sẽ hiện ra sau một vài lần tìm bới, hay nó nằm tít trong góc nhà, sâu dưới cả mét quần áo và mãi mãi không có cơ hội được bạn đón về. 
 

Nhiều khi mặc những chiếc áo hàng thùng, tôi miên man nghĩ về những câu chuyện của chúng. Chủ nhân trước đó là ai, chiếc áo này gắn liền với kỉ niệm nào của họ? Liệu có phải là chiếc áo cô ấy đã từng mặc trong buổi hẹn đầu tiên, hay là chiếc áo khoác mỏng manh mặc trong lần giận dỗi dưới cơn mưa tầm tã? Nó đã từng là một chiếc áo mới tinh nằm trong những cửa hiệu sang trọng nhiều năm trước, hoặc có khi là sản phẩm đầu tay đầy tâm huyết của một người thợ may trong một con ngõ nhỏ, cũng có thể, là chiếc áo đồng phục thể thao truyền thống của một tân sinh viên tràn ngập niềm tin vào tương lai. Rồi thời gian trôi đi, một lý do nào đó, những chiếc quần, chiếc áo ấy kết thúc nhân duyên với người chủ cũ, được đem bán, đem cho, đem ủng hộ hay đem vứt bỏ.

Tôi cầm những chiếc áo trên tay, nghĩ về hành trình dài của chúng vượt qua hàng nghìn cây số, từ bên kia bờ biển, chen chúc nhau trong những container chật chội chờ một cơ may tiếp tục được sống kiếp áo quần. 
 

Những bộ quần áo hàng thùng luôn có một mùi hương cũ kỹ không thể che giấu. Người ta nói đó là mùi của thuốc tẩy sát trùng. Đối với tôi nó là một mùi hương đầy hoài niệm. Mùi hương ấy làm nên thương hiệu của quần áo cũ. Nó thân thuộc đến mức tôi có thể nhanh chóng nhận ra, nếu một ngày tình cờ bước trên hè phố, phía trước đôi ba mét là một cửa tiệm bán quần áo cũ. Tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện phải che giấu cái mùi ngai ngái đó trên quần áo của mình, mùi hương mà những người mê hàng thùng sẽ luôn nhận ra dù chiếc áo đã được giặt xả nhiều lần. Mỗi khi nhận ra mùi hương ấy, trong tâm trí tôi luôn gợi nhớ về những khu chợ đồ cũ rộng lớn ở Hà Nội, bình yên chậm chạp, san sát những mẫu áo mẫu quần không bao giờ có hai chiếc giống hệt nhau, sặc sỡ những sắc màu hoài cổ như những tấm ảnh chụp bằng máy Polaroid. 
 

Bạn có thể có hàng ngàn lý do để không mặc đồ cũ, nhưng đối với tôi, mua quần áo đã qua sử dụng cũng là một cách để sống thân thiện hơn với môi trường. Rất nhiều bộ áo quần vẫn còn giá trị sử dụng, vậy tại sao phải vứt bỏ chúng một cách lãng phí. Mặc lại một chiếc áo người khác đã từng mặc, cũng giống như bạn nhận nuôi lại một chú chó người khác đã từng nuôi, hay giống như bạn mua lại một căn nhà người khác đã từng ở. Nó cũng giống như một thú sưu tầm, như người ta sưu tầm những món đồ càng cổ càng quý. 

Mặc những chiếc áo quần cũ kỹ ấy, tôi cảm thấy mình như đang viết tiếp câu chuyện cho chúng. “Cuộc phiêu lưu của chiếc áo phông kỳ diệu, phần II” – kiểu như vậy. Bởi vì cuộc sống thì vẫn cứ tiếp diễn. Và để như một cách tiếp nối, tôi thường cũng chẳng mấy khi vứt đi những bộ quần áo không còn muốn mặc. Thanh lý, ủng hộ từ thiện, đổi đồ, đem cho v.v…, tôi vẫn luôn hào hứng âm thầm, nghĩ về “phần II” của cuộc phiêu lưu mà những bộ quần áo đã từng gắn bó cùng tôi, hiện đang trải nghiệm cùng những người chủ nhân mới. 

Eve Nguyễn
logo smaill


Bạn đang theo dõi chuyên đề "HÀNG THÙNG" VẪN XINH TƯƠI trên Emdep.vn 

Ở kỳ sau, chúng tôi sẽ gửi đến bạn bài viết chia sẻ kinh nghiệm Hàng thùng - Những chất liệu nên tránh khi mua đồ!
Mời bạn đón đọc!

Tổ chức chuyên đề: Trịnh Lan Anh 
Thực hiện: Thu Hằng, Quỳnh Hoa, Nguyệt Cát, Eve Nguyễn


Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Truyền thuyết về linh hồn các ma quỷ biết 'đoạt hồn'