Mua sắm ở Đài Loan – những điều đáng ghen tỵ

Eve Nguyễn 2015-02-09 07:44
- Ở Đài Loan có những khu trung tâm mua sắm đẹp y như trong phim thần tượng, và cả những khu chợ giá rẻ bất ngờ.
Có lẽ tất cả những gì bạn biết về Đài Loan chỉ là những hình ảnh trong các bộ phim thần tượng của những năm đầu thế kỷ 21. Đài Loan, một vùng đất năng động, hiện đại, cũng là nơi mà bạn sẽ tìm thấy nhịp sống sôi động, trẻ trung phù hợp với mọi cá tính. Không chỉ là nơi thỏa mãn niềm đam mê ẩm thực châu Á, Đài Loan cũng là một địa điểm mua sắm và thể hiện phong cách rất đáng khám phá. Chỉ riêng ở thủ phủ Đài Bắc, bạn cũng có thể tha hồ chìm đắm trong một loạt những địa chỉ mua sắm phong phú, và cùng chiêm ngưỡng những thành tựu thời trang của thành phố này. 
1. Mua sắm ở Đài Bắc – một phong cách rất Á Đông
Đài Bắc là nơi có thể thỏa mãn mọi nhu cầu thời trang, từ cao cấp cho đến bình dân, với những trung tâm mua sắm hiện đại, sang trọng, và cả những khu chợ đầu mối rộng lớn, đầy màu sắc. Hãy nhớ lại bộ phim thần tượng Đài Loan gần đây nhất mà bạn mới xem, với sự hiện diện của cả những tiểu thư, công tử thượng lưu và cả những nàng Lọ Lem giản dị xuất thân từ tầng lớp trung lưu, bạn sẽ hiểu rằng ở Đài Bắc đáp ứng được đủ mọi nhu cầu, túi tiền và phong cách của tất cả các đối tượng này.
 
Là một thành phố hiện đại, phát triển, tất nhiên ở Đài Bắc không thể thiếu những trung tâm thương mại sang trọng. Trung tâm mua sắm nổi tiếng nhất và được coi là biểu tượng của giới thượng lưu Đài Loan chính là Trung tâm mua sắm Bellavita. Ở đây quy tụ những thương hiệu xa xỉ nhất như Gucci, Bvlgari, Bottega Veneta, Tiffany, Tod's v.v.. cùng nhiều nhà hàng cao cấp.  Giá cả ở đây thường ở mức rất cao, chuyên dành cho những tín đồ thời trang cao cấp và trang sức đắt tiền. Nhưng dù bạn không có nhu cầu mua sắm thì việc dạo một vòng tham quan Bellavita cũng rất thú vị và mở mang tầm mắt.
 
Trung tâm nổi tiếng thứ 2 tại Đài Bắc là Trung tâm Đài Bắc 101 (101 Taipei Mall), cao 6 tầng với 5 tầng dưới cùng tràn ngập đủ các cửa hàng thời trang, phụ kiện, giày dép, túi xách, đồng hồ. Mức giá ở đây cũng thuộc mức cao nhưng nhìn chung là thấp hơn so với Bellavita. 
 
Kế đến là Trung tâm Breeze Center, được coi là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của Bellavita, với 9 tầng nhà trưng bày những mẫu mã trang phục đến từ các thương hiệu thời trang cao cấp nhất. Đây luôn là lựa chọn hàng đầu của các tín đồ thời trang muốn săn lùng những mẫu mã quần áo mới nhất, và đặc biệt là luôn đưa ra những mức giảm giá hấp dẫn cho mặt hàng giày dép
 
Cách không xa trung tâm Đài Bắc 101 và Bellavita là một trung tâm mua sắm nữa, nhưng đem đến một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Đó là Trung tâm Mua sắm ATT 4 Fun (tên cũ là New York, New York). Đây là một trung tâm mua sắm cao 11 tầng được thiết kế để phục vụ đông đảo nhiều đối tượng khách hàng, chính vì vậy, ở đây không có nhiều thương hiệu cao cấp mà chủ yếu là các cửa hàng của các thương hiệu trung bình. Nhờ thế, lưu lượng khách hàng ở đây luôn đông đúc hơn, tạo một cảnh tượng nhộn nhịp, tấp nập. 
Những trung tâm thương mại kể trên chỉ là một trong số những trung tâm thương hại hiện đại phục vụ cho phong cách mua sắm kiểu phương Tây tại Đài Bắc. Nhưng điểm thu hút khách du lịch nói chung và tín đồ mua sắm nói riêng khi đến Đài Bắc chính là những khu phố mua sắm đông đúc, sầm uất và đậm phong cách Á Đông. 
 
Khu phố mua sắm đầu tiên mà người Đài Bắc nào cũng tự hào giới thiệu chính là đường Đông Trung Hiếu. Con phố này lúc nào cũng đông nghịt khách du lịch và người đến mua sắm, nhất là vào dịp cuối tuần thì sự nhộn nhịp có thể nói là luôn hiện hữu trên con phố này bất kể ngày đêm. Nơi đây có tới hai Siêu thị Hàng hiệu Sogo, cùng với nhiều trung tâm mua sắm khác, cùng những cửa hiệu lớn của các thương hiệu tầm trung được yêu thích, như Zara, Uniqlo. Nhưng đó vẫn chưa phải là điểm khiến đường Đông Trung Hiếu thu hút đến thế. Chính những cửa hàng thời trang nhỏ ven đường và trong những ngõ nhỏ mới khiến tất cả các tín đồ mua sắm đổ xô tới đây. Mọi kiểu dáng, mọi phong cách đều được bày bán trong các cửa hàng nhỏ này, phục vụ cho tất cả mọi người, và đừng ngạc nhiên nếu giới trẻ Đài Bắc coi nơi đây là tụ điểm để diện và khoe phong cách thời trang đường phố của mình. 
 
Con phố năng động tiếp theo là Xi Men Ding (Simon Đinh), nơi đây thực sự là thiên đường của giới trẻ cá tính Đài Bắc, được coi là một trung tâm thương mại ngoài trời dành cho những người thích tản bộ tận hưởng không khí ngoài trời. Giá cả ở đây rất thấp, và bạn có thể tha hồ nhẩn nha vào khám phá từng cửa hàng nhỏ xíu bên đường, với vô vàn các mẫu quần áo, phụ kiện, thậm chí tìm được cả những bộ quần áo “hàng thùng”, đồ cũ từ các nước Âu Mỹ chuyển về.
 
Một khu vực rất hấp dẫn khách du lịch nước ngoài chính là khu Thiên Mẫu, nằm giữa quận Shilin và núi Dương Minh, nơi tập trung sinh sống của dân du lịch bụi quốc tế đến Đài Bắc. Không chỉ có những cửa hàng nhỏ bán trang phục theo phong cách pha trộn giữa văn hóa Á Đông của Đài Loan và phong cách phương Tây từ khắp mọi nơi, mà ở đây còn có những cửa hàng bán đồ “Đài Loan xuất khẩu”, giống như những cửa hàng “Việt Nam xuất khẩu”, chuyên bán các mẫu quần áo lỗi nhỏ của các thương hiệu đặt nhà máy sản xuất tại đây. Vào cuối tuần (từ thứ Sáu đến Chủ Nhật), bạn có thể tham quan chợ Thiên Mẫu với nhiều mẫu đồ lưu niệm xinh xắn, độc đáo với mức giá phải chăng.
 
Và cuối cùng, đừng quên một ngày đến mua sắm thả ga ở Khu bán buôn quần áo Wufenpu (Ngũ Phận Phố). Đây thực chất là một khu chằng chịt các ngõ ngách, nhưng lại có mái che, nên bạn sẽ có cảm giác giống như đi mua sắm ở những chợ chuyên bán thời trang giá rẻ ở Hà Nội như chợ Nhà Xanh, chợ Đồng Xuân hay chợ Ninh Hiệp. Ở đây có đủ các loại quần áo, phụ kiện, giày dép, túi xách mà bạn có thể nghĩ đến, với mức giá rẻ hấp dẫn vì là chợ bán buôn, và khi mua đồ thì bạn vẫn có thể mặc cả thêm một chút. Không chỉ có thời trang nữ, ở đây cũng có nhiều cửa hàng bán đồ nam để bạn có thể cùng đi mua sắm với chồng hoặc bạn trai, cùng rất nhiều cửa hiệu cá tính, trẻ trung và sáng tạo. Nhìn chung, ở đây rất giống và gần gũi với kiểu mua sắm bình dân ở Việt Nam, nhưng mẫu mã đa dạng hơn, được cập nhật nhanh hơn, và đặc biệt là hầu hết các chủ cửa hàng đều biết nói tiếng Anh nên bạn có thể dễ dàng giao tiếp. 
2. Lịch sử trang phục ở Đài Loan – những ảnh hưởng của lễ giáo, chính trị và văn hóa
Nhìn vào chiều dài lịch sử của Đài Loan, có thể thấy những ảnh hưởng của chính trị và văn hóa có tác động rõ rệt lên những trang phục thường ngày của người dân nơi đây và ảnh hưởng đến cả nền công nghiệp thời trang. Trong vòng hơn một thế kỷ qua, trang phục của người Đài Loan đã trải qua ba lần biến đổi quan trọng.
Lần biến đổi thứ nhất được diễn ra trong Thời đại Bình định (1895 – 1919) với những kiểu váy áo phương tây bắt đầu du nhập, nhưng người dân vẫn ưa chuộng kiểu trang phục của người Mãn Châu, và tuân thủ kiểu trang phục này cho đến tận khi Thanh triều sụp đổ năm 1911. Điều thú vị là ở chỗ, sự thay đổi trang phục sang hướng phương Tây được nam giới đón nhận hào hứng hơn nhiều so với phụ nữ. Phụ nữ Đài Loạn thời kỳ cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20 mới bắt đầu học cách mặc chân váy kiểu Tây, và bắt đầu đơn giản hóa các họa tiết trên quần áo, không còn ưa dùng những biểu tượng cầu kỳ truyền thống như phượng hoàng hay hoa mẫu đơn nữa. Quần áo cũng bắt đầu được may bó lại dần cho vừa vặn, gọn gàng với cơ thể.
 
Lần biến đổi thứ hai diễn ra trong Giai đoạn Đồng hóa (1919 – 1936) dưới ách cai trị của người Nhật. Đây là giai đoạn mà văn hóa Nhật Bản ảnh hưởng mạnh mẽ lên phong cách thời trang của người Đài Loan. Lúc này, trào lưu mặc xường xám đã lan từ Đại lục sang Đài Loan, nhưng người Nhật đã muốn dập tắt mối liên kết văn hóa Trung Hoa này, và áp đặt những hình mẫu thời trang xứ hoa anh đào lên lối sống của Đài Loan. Mảng trang phục thể hiện điều này rõ nhất chính là đồng phục của nữ sinh, với sự sao chép chính xác từ váy áo đến kiểu tóc, thậm chí các nữ sinh bắt đầu được học cách may quần áo theo kiểu phương Tây. Sau năm 1936, chính phủ Nhật còn cố gắng tìm cách biến kimono trở thành trang phục của người Đài Loan, nhưng không thành công, do giá thành may kimono quá đắt đỏ và không phù hợp với lối sống của số đông người dân. 
 
Đến thời kỳ khi chính phủ dân tộc giành được chính quyền ở Đài Loan thì các ảnh hưởng nặng nề của trang phục Nhật Bản mới được giảm dần, đồng thời, ngành thời trang, may mặc ở Đài Loan bắt đầu được đặt nền móng khi nhiều thương nhân, nghệ nhân trong ngành dệt may đã di cư từ Đại lục sang Đài Loan. Đến năm 1960, khi sự thay đổi về chính sách giao thương buôn bán với nước ngoài được thiết lập, ngành công nghiệp dệt may bắt ở Đài Loan bắt đầu khởi sắc, với sự du nhập của công nghệ nhuộm vải. 
 
Năm 1960 cũng được coi là bước ngoặt lớn cho ngành thời trang của Đài Loan khi cuộc thi hoa hậu đầu tiên được tổ chức, với những xu hướng thời trang mới nhất được các thí sinh hoa hậu trưng diện. Sau đó, với sự ra đời của TV, niềm quan tâm, hứng thú của công chúng đối với thời trang càng được củng cố, với những chương trình truyền hình hướng dẫn phụ nữ tự may quần áo, và những show trình diễn thời trang hiện đại, có các sàn catwalk và người mẫu chuyên nghiệp được phát sóng toàn quốc.
Vào cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70, những chiếc váy ngắn, và phong cách thời trang hippie bắt đầu du nhập vài Đài Loan. Nhưng đây cũng là thời kỳ khủng hoảng kinh tế, khiến những lô hàng quần áo xuất khẩu sang Âu Mỹ bị trả về Đài Loan và bán rẻ cho người dân. Trên thị trường tràn ngập những mẫu mã quần áo hiện đại, thời thượng nhưng lại quá rộng so với vóc dáng người Đài Loan, và những năm đó, đa phần mọi người mua đồ rẻ về và cắt sửa lại cho vừa vặn với mình. Cũng từ tình cảnh này, chính phủ Đài Loan bắt đầu suy nghĩ lại về chiến lược phát triển ngành may mặc, bắt đầu đầu tư cho các thương hiệu trong nước thay vì chỉ thiên về gia công và xuất khẩu. 
 
Sang thập kỷ 80, chính quyền khuyến khích các nhà thiết kế trong nước quảng bá sản phẩm với thương hiệu và tên tuổi của chính mình. Rất nhiều nhà thiết kế (NTK) đình đám của Đài Loan bắt đầu gây dựng sự nghiệp từ đây, nhiều người cố gắng tạo ra sự khác biệt so với các thương hiệu phương Tây bằng cách tạo ra bản sắc văn hóa Đài Loan trong các thiết kế. Thời kỳ này, sản phẩm văn hóa ảnh hưởng mạnh nhất đến trào lưu ăn mặc chính là các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Quỳnh Dao, với những nhân vật nam và nữ đều mặc quần ống loe, hay những bạn trẻ tính tạo cá tính bằng cách mặc áo sơ mi dựng thẳng cổ áo lên. 
 
Khoảng đến năm 1995, phong cách thời trang gợi cảm, để lộ da thịt mới bắt đầu “náo loạn” Đài Loan. Người ta bắt đầu táo bạo hơn khi khoe da thịt và các hình xăm cá tính. Lúc này, biểu tượng phong cách gợi cảm chính là người mẫu Lâm Chí Linh, là hình tượng cho bao nhiêu thiếu nữ mơ ước và học theo sự yêu kiều, tươi mới trong cách lựa chọn trang phục của cô. 
 
Giờ đây, bức tranh toàn cảnh về phong cách thời trang của người Đài Loan vẫn rất đa dạng với nhiều thái cực. Người Đài Loan vẫn chịu nhiều ảnh hưởng trong ăn mặc từ cơn sốt phim Hàn, phim Nhật, cùng sự đổ bộ mạnh mẽ của các thương hiệu Âu Mỹ trên đất Đài Loan. Nhưng cũng đồng thời, những NTK tài năng của Đài Loan cũng càng ngày mở rộng và giữ vững vị thế của mình trên thị trường thời trang quốc tế, góp mặt đủ tại các tuần lễ thời trang tại London, Paris. Thời trang ở Đài Loan có thể được coi là một vườn hoa đủ sắc màu, luôn luôn bung nở mạnh mẽ, rực rỡ và len lỏi tới những ngóc ngách nhỏ hẹp, xa xôi nhất. 
Eve Nguyễn
Ảnh: China news, Sina
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Sau tất cả, đây là những hot girl lột xác thành công nhất