"Bản đồ" mua sắm thời trang khi tới Singapore

Eve Nguyễn 2015-01-21 07:29
- Singapore là nơi tập hợp vô số các trung tâm thương mại lớn nhỏ, các khu chợ, cửa hàng, siêu thị, đại lý với những thương hiệu từ khắp thế giới.
Khi nhắc đến du lịch Singapore, chắc chắn mục đích hàng đầu của bạn không phải là để ngắm cảnh, tận hưởng môi trường “sạch hoàn hảo” của thành phố này, cũng không hẳn là để thưởng thức ẩm thực, các chương trình giải trí, tham quan các công viên, vườn thú, thủy cung rộng lớn và hiện đại bậc nhất thế giới. Mà mục đích lớn nhất của bạn chắc chắn là mua sắm. Singapore là nơi tập hợp vô số các trung tâm thương mại lớn nhỏ, các khu chợ, cửa hàng, siêu thị, đại lý với những thương hiệu từ khắp thế giới và luôn luôn hấp dẫn khách du lịch bởi những cơ hội giảm giá có một không hai. 
1. Bản đồ mua sắm ở Singapore
Chỉ nội trong thủ đô của quốc đảo sư tử này đã có quá nhiều điểm đến cho lịch trình mua sắm của bạn. Bạn có thể dành cả tuần để tham quan hết thành phố, hoặc chỉ cần dạo qua khu vực gần khách sạn của mình nhất cũng có thể ngập chìm trong các gian hàng thời trang. 
Khu mua sắm nổi tiếng nhất mà hầu như người dân Singapore nào cũng sẽ giới thiệu cho khách du lịch, đó chính là Đường Orchard. Đường Orchard được đặt tên theo những vườn hồ tiêu và hạt óc chó trồng trên mảnh đất cũ từ những năm 1840, và đến năm 2009, con đường này đã được đầu tư đến 40 triệu đô la Singapore để mở rộng phần vỉa hè cho người đi bộ và hệ thống chiếu sáng hiện đại. Trên đường Orchard là san sát những trung tâm thương mại lớn, tất cả luôn trong tình trạng đông đúc nhộn nhịp. 
Nằm ngay phía trên bến tàu điện ngầm chính là Trung tâm thương mại ION Orchard (số 2 ngã rẽ Orchard) – một trung tâm thương mại rộng lớn, hiện đại được coi là “Trung tâm thương mại đem lại trải nghiệm mua sắm và phong cách sống đa giác quan đầu tiên của Singapore”. Tại đây bạn sẽ được đắm chìm trong âm nhạc, màu sắc, hương thơm từ các gian hàng nước hoa, bên tay thì càng như trĩu nặng vì những túi đồ mua sắm được và đôi chân thì lạc bước giữa không gian rộng hơn 66 nghìn mét vuông với hơn 300 cửa tiệm. Bên cạnh việc ghé thăm những cửa tiệm nhỏ như Aldo, Bimba & Lola, Boss Selection, Charles & Keith, Clarks, IWC Schaffhausen, Marc Jacobs, Miu Miu, Vivienne Westwood, 7 For All Mankind, bạn còn có thể thỏa sức mua sắm tại các gian tổng đại lý lớn của Cartier, Dior, Dolce & Gabbana, Giorgio Armani, Louis Vuitton, Prada, Topshop/ Topman, Uniqlo và Zara.
Đi vòng một đoạn ngắn qua đường Scotts, bạn sẽ bắt gặp trung tâm Far East Plaza (số 14 đường Scotts), trong những năm gần đây đã trở thành một biểu tượng mua sắm của giới trẻ Singapore với vô số các gian hàng bán áo phông thiết kế, váy, phụ kiện được dành riêng cho thị trường thời trang đường phố. Không chỉ có những chiếc áo phông Nhật Bản phiên bản giới hạn được bán hạ giá siêu rẻ, ở đây còn có nhiều mẫu áo mới có giá dưới 50 đô la Singapore (800.000VNĐ). Nếu đi lên tầng 3 và 4 với những mẫu trang phục thiết kế thủ công, bạn có thể tìm được những mẫu áo quần cực đẹp với giá dưới 20 đô la Singapore (320.000 VNĐ). 
Nằm ngay đối diện Trung tâm Far East Plaza là Trung tâm DFS Galleria Scottswalk (số 25 đường Scotts). Hãy xuất trình hộ chiếu của bạn để nhận được ưu đãi miễn thuế từ các thương hiệu xa xỉ quốc tế như Burberry, Mont Blanc, Dunhill, Prada và Tiffany & Co. Bạn cũng có thể tìm thấy chi nhánh duy nhất tại Singapore của thương hiệu được yêu thích Helena Rubenstein.
Tiếp đến, bạn có thể đến Trung tâm Pacific Plaza ở số 9 đường Scotts, ghé thăm cửa hàng phụ kiện Quintessential với rất nhiều thương hiệu thời thượng và cả cổ điển. Bạn cũng có thể chọn mua những chiếc ví cầm tay sặc sỡ mang hơi hướng cổ điển từ Babe – một thương hiệu của Hongkong. Tất cả những mẫu túi ở đây đều được làm thủ công, và được rất nhiều ngôi sao quốc tế ưa chuộng như Kate Winslet hay Gisele Bundchen. 
 
Bạn cũng có thể nhìn thấy Trung tâm thương mại Scotts Square trưng bày rất nhiều sản phẩm thượng lưu, từ Hermes, Michael Kors, Paul & Shark và Pierre Balmain đến Vivienne Tam, Marina Rinaldi và Paul & Joe. Nếu bạn là tín đồ của jeans, nhất định phải ghé thăm cửa hàng Bread & Butter với những thương hiệu denim nổi tiếng như Evisu, Affliction, Rock & Republic và 7 for All Mankind. Số lượng các cửa hàng tại đây có thể không nhiều như các Trung tâm thương mại khác, nhưng bạn sẽ tìm thấy vài nhãn hiệu thời trang tên tuổi và thú vị ở đây.
 
Ngay khi bước chân khỏi Trung tâm Scotts Square, hãy hòa mình vào đám đông và bước đến quán Crossroads Café (số 320 đường Orchard) – một điểm tụ tập nổi tiếng của khách du lịch và các tín đồ mua sắm, nằm ngay ở ngã ba giữa đường Scotts và đường Orchard, và từ đây bạn sẽ thấy mình đứng ngay trước cửa Trung tâm thương mại Tangs (số 310 đường Orchard) – một trung tâm bán lẻ của Singapore được thành lập từ năm 1932 và được coi là trái tim của thành phố. Năm 2013, để kỷ niệm sinh nhật thứ 80 của nhà sáng lập C.K. Tang, trung tâm đã được nâng cấp từ diện tích 29 nghìn mét vuông ban đầu thành một khu vực bất động sản chuyên về mua sắm và làm đẹp hàng đầu, với một trung tâm chăm sóc sắc đẹp trên tầng 7 và tầng hầm được chuyển thành một khu trải nghiệm tương tác ẩm thực. Tại đây, bạn sẽ tha hồ mua sắm với các thương hiệu thời trang quốc tế, giày dép, phụ kiện, mỹ phẩm, đồ điện tử và nội thất. Ghé thăm cửa hàng Tang + Co ở tầng 3 và 4 với những bộ sưu tập thời trang nam nữ mới nhất, và cửa hàng PlayTab (tầng 4) với thời trang ứng dụng, phụ kiện vui nhộn, những nhãn hiệu thân quen như FCUK, Levi’s và Mooks. 
Cách đó không xa là Trung tâm Wisma Atria (số 435 đường Orchard). Các gian hàng ở đây gồm cả những nhãn hiệu thời trang gia đình quen thuộc như GAP, phụ kiện và giày dép ALDO, và cả những cửa hàng thời trang nữ mới mở như OASIS từ London hay thương hiệu Forever New đầy nữ tính. Ở đây còn có một gian hàng lớn của siêu thị hàng hiệu Isetan đến từ Nhật, cùng một vài cửa hàng độc đáo của Singapore như Red Army Watches – chuyên bán những mẫu đồng hồ mang cảm hứng nước Nga như Vastok Europe, Zeppelin, Poljot Intenational; hay Dickson Watch & Jewellery với những mẫu đồng hồ đeo tay có thể nói là có một không hai, kèm dịch vụ bảo hành, sửa chữa chu đáo. Một số thương hiệu thời trang khác như All Dressed Up của biểu tượng phong cách hàng đầu Singapore Tina Tan-Leo cũng sẽ không khiến bạn phải thất vọng khi ghé thăm. 
 
Một địa chỉ khác cũng đáng để bạn ghé thăm, đó là Trung tâm thương mại Paragon (số 290 đường Orchard), nơi quy tụ mọi thương hiệu thời trang từ Prada, Gucci, Burberry, Ermenegildo Zegna, Miu Miu, Salvatore, Ferragamo, Banana Republic và G-Star, cùng nhiều siêu thị hàng hiệu khác như Metro – một cái tên được thành lập năm 1967 tại Singapore. Tại Paragon, bạn sẽ được trải nghiệm phong cách mua sắm thượng lưu nhất, không gian rộng rãi, và tất nhiên là cả một “đặc sản” của nhiệt độ Singapore – khí điều hòa mát lạnh. Để tận hưởng đến cùng trải nghiệm xa hoa này, đừng quên đến thử sữa dưỡng thể và nước hoa tại cửa hàng Escentials với những mùi hương bán chạy nhất từ các thương hiệu Acqua di Parma, Annick Goutal, Creed và Serge Lutens. 
 
Trung tâm Heeren (số 269 đường Orchard) được cải tạo từ năm 2012 và đến cuối năm 2013 được tái sát nhập với Siêu thị Hàng hiệu Orchard của thương hiệu Robinson – một chuỗi Siêu thị Hàng hiệu của Singapore với lịch sử uy tín. Ngay khi bước vào bên trong Heeren, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi những khối hình điêu khắc đầy tính nghệ thuật treo trên trần nhà. Toàn bộ 6 tầng đem lại đầy đủ trải nghiệm mua sắm như các trung tâm thương mại khác, ngoài ra còn có một gian bán nước hoa với hơn 400 mùi hương khác nhau, các mẫu mã quần áo từ Illamasqua và đồ dưỡng da từ Chloe – một trong những thương hiệu lần đầu có mặt tại Singapore. Nữ giới sẽ có riêng không gian tại các nhãn hiệu như Ted Baker, Trucco, Jessica, Aryn K và United Colors của Benetton, trong khi nam giới có thể khám phá các gian hàng của Matinique và Bertoni. 
 
Một trong những trung tâm thương mại đáng để bạn bỏ ra đến vài tiếng đồng hồ để tham quan và mua sắm chính là Ngee Ann City (số 391 Orchard). Tại đây, chỉ riêng siêu thị hàng hiệu Takashimaya của Nhật đã chiếm trọn 6 tầng từ tầng hầm 2 đến tầng 5, với các thương hiệu quốc tế như DKNY, Kenzo, Bally, Bvlgari, Hermes, Salvatore Ferragamo, Cartier, Gucci và Jim Thompson. Tại các khu còn lại, bạn sẽ tìm thấy những cửa tiệm chuyên bán đồ thiết kế cao cấp của Alfres Dunhill, Chanel, Louis Vuitton, Hugo Boss, Guess Club Monaco. 
 
Nằm ngay bên cạnh Trung tâm Ngee Ann City là Trung tâm Mandarin Orchard Singapore (trước kia là khách sạn Meritus Mandarin). Đây là nơi tập trung hơn 100 cửa hàng với 4 tầng nhà với nhiều cửa hàng trang trí mặt tiền rất hấp dẫn như Elephant & Coral, Nancy và The Denim Store. Ở đây bạn cũng có thể mua được nhiều sản phẩm rất xa xỉ như điện thoại Vertu, đồng hồ Bell & Ross, mỹ phẩm hữu cơ của Bud Cosmetics. Ngay tầng 1 bạn sẽ thấy tổng đại lý của Mulberry và trên tầng là cửa hàng của Fred Perry Laurel Wreath – một thương hiệu nhỏ từ Fred Perry với những mẫu áo phông Polo cho nam giới phiên bản giới hạn. 
Nếu đi xuống đường, bạn sẽ nhìn thấy cửa hàng lớn của thương hiệu H & M tại Tòa nhà Orchard Building số 1 đường Grange ngay đối diện, nơi luôn rất đông đúc khách hàng chủ yếu là học sinh và sinh viên.
Ngay gần đó, bạn sẽ thấy trung tâm Orchard Central (số 181 đường Orchard) – một tòa nhà cao 14 tầng, với những thương hiệu như Nike, Levi’s và The Hour Glass. Ngay cạnh trung tâm này là Trung tâm 313@Somerset với những cửa hàng cao nhiều tầng nằm bên trong trung tâm, một điều khá hiếm gặp tại các trung tâm thương mại của Singapore. Tại đây có cửa hàng cao 4 tầng của Forever 21, ngoài ra còn có Zara, Mango, Cotton On và Charles & Keith, Dyel v.v…
 
Ở phía cuối đường Orchard là Trung tâm Plaza Singapura (số 68 đường Orchard). Được xây dựng từ năm 1974, trung tâm này gần đây đã được xây thêm một dãy nhà phía tây với chi phí 150 triệu đô la Mỹ, trở thành một địa điểm mua sắm rộng gần 6 hecta - đối thủ đáng gờm của trung tâm mua sắm Ion Orchard. Tại đây có cửa hàng J-runway bày bán những thương hiệu thời trang đường phố Nhật Bản như WEGO, Mystic, Ciaopanic, Ray Cassin và EMODA. Tại đây cũng có cửa hàng đầu tiên của NERO với những trang phục may đo và bán sẵn cho nam giới. 
Sau một ngày mua sắm tại đường Orchard, bạn sẽ muốn đến thăm khu Vịnh Marina (Marina Bay) với những Trung tâm Mua sắm hiện đại và sang trọng không kém. 
Điểm đến đầu tiên là khu phức hợp Raffles City, nằm ngay trên điểm dừng tàu điện ngầm. Trung tâm Mua sắm Raffles City (số 252 đường Cầu Bắc) là một phần của khu phức hợp, tại đây có một chi nhánh của Siêu thị Hàng hiệu Robinsons và rất nhiều cửa hàng thời trang khác như Swatch, agnès b, Calvin Klein Underwear và Dockers. Ở tầng 1 bạn sẽ thấy cửa hàng của COACH, túi du lịch Tumim Nine west Levi’s Timberland, British India, Tommy Hilfiger, Brooks Brothers, Furla, MAC, Aldo, Accessories và Swarovski, cùng những cửa hàng đồng hồ xa xỉ như Omega, Rolex, Philippe Charriol, và IWC Shaffhausen.
 
Ghé thăm khu tầng hầm City Link (số 1 Raffles Link) để được trải nghiệm cảm giác mua sắm dưới lòng đất trong mạch kết nối giữa Trung tâm Marina Square và Trung tâm Suntec City Mall. Trên đường đi, bạn sẽ thấy gian hàng giày dép Charles & Keith và mỹ phẩm Etude House của Hàn Quốc. 
 
Trung tâm Marina Square (số 6 đại lộ Raffles) thông trực tiếp với City Link, gồm 4 tầng với hơn 300 gian hàng bán lẻ, gồm hãng giày GEOX của Ý, hãng đồ du lịch lớn nhất châu Á The Planet Traveller, thương hiệu Fourskin của Singapore với những mẫu áo phông chỉ khoảng 20 đô la Singapore (320.000 VNĐ), thương hiệu Bershka chuyên dành cho thanh niên, và hãng mỹ phẩm The Bodyshop. 
 
Trung tâm thương mại của riêng khu nghỉ dưỡng Marina Bay Sands có tên là The Shoppes at Marina Bay Sands, bày bán hơn 300 thương hiệu bán lẻ và cửa hàng ăn uống với diện tích gần 7,5 hecta, với nhiều thương hiệu cao cấp như Chanel, Saint Laurent, Cartier, và Tiffany & Co hay Sephora. Ở đây cũng có những gian hàng của những thương hiệu lần đầu đặt chân tới Singapore như iRoo từ Đài Loan, Moiselle từ Hongkong và Bath & Bodyworks. Đối với cánh mày râu, trung tâm này dành hẳn hơn 200 mét vuông cho cửa hàng của Hackett – một thương hiệu đến từ Anh Quốc chuyên cung cấp lễ phục và phụ kiện dạ tiệc cho nam giới, cùng La Martina – một nhãn hiệu quần áo của Argentina với những mẫu áo phông Polo sành điệu mang hơi hướng hoài cổ. 
 
Từ Trung tâm Marina Square đi qua một chiếc cầu nối, bạn sẽ đến Trung tâm Suntec City Mall (số 3 đại lộ Temasek), một Trung tâm mua sắm được chia thành 4 khu vực (khu Trưng bày, khu Nhiệt đới, Trung tâm Giải trí và sân có Đài phun nước). Tại đây có đài phun nước Suối nguồn Vạn lộc (Fountain of Wealth) được công nhận là Đài phun nước lớn nhất thế giới. Khi tham quan trong khu thương mại rộng hơn 8 hecta này, đừng quên ghé thăm cửa hàng Lowry’s Farm để mua những mẫu đồ ngủ mặc nhà đẹp nhất.
 
Chỉ cách Trung tâm Marina Square và Suntec City vài bước chân là Trung tâm Millenia Walk (số 9 đại lộ Raffles), có đường thông tới nhiều khách sạn như Ritz-Carlton, Mandarin Oriental và Pan Pacific. Trung tâm này có hơn 190 cửa hàng thời trang và nhiều mặt hàng khác. Nếu bạn thích mua đồng hồ Singapore, ở đây có cửa hàng của The Hour Glass và Cortina Watch Escape. Bạn cũng có thể mua giày ở cửa tiệm của Ed et Al, trang sức thủ công và váy cũ tại Déjà vu Vintage, áo váy tươi sáng tại Trixilini và các loại mỹ phẩm tại Aesop hay Senteurs de Provence. 
 
Nếu vừa muốn mua sắm, vừa muốn trải nghiệm văn hóa, nhất định bạn phải đến thăm khu phố Ả Rập. Ngay đối diện phố Victoria, đối diện giao lộ Parco Bugis, bạn sẽ không thể bỏ qua Trung tâm Bugis+ (số 201 phố Victoria). Trước đây trung tâm có tên là Iluma, sau đó được cải tạo lại vào năm 2012 với thiết kế 10 tầng nhà tràn ngập những ánh đèn như những viên đá quý. Với diện tích hơn 18 nghìn mét vuông, nơi đây hội tụ những cửa hàng dành riêng cho giới trẻ năng động, với những sản phẩm tinh tế từ Lacquar, hay thương hiệu Nhật Bản Lowrys Farm, thời trang đường phố đầy màu sắc của Pull&Bear và Berries Studio. 
 
Bên cạnh Bugis+, bạn sẽ tìm thấy Phố Bugis, nơi có khu vực mua sắm với đường đi bộ được bao quanh bởi 600 quầy hàng với những sản phẩm thời trang đường phố hợp xu hướng nhất. Đi dạo và mua sắm ở Phố Bugis chính là một chuyến trải nghiệm mua sắm ngoài trời đáng thử nhất khi bạn đến Singapore. 
 
Và để nâng tầm trải nghiệm mua sắm theo phong cách dân dã, bạn nhất định phải dạo Phố Ả Rập, nơi thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa của cộng đồng gốc Malaysia tại đây. Bạn sẽ tìm thấy những chiếc áo batik truyền thống, khăn sà rông, vải voan, vải lụa tại các cửa hàng như Basharahil Bros hay Poppy Fabric. Một số cửa hàng còn bán cả kinh Quran, thảm cầu nguyện và khăn quấn đầu đúng kiểu Hồi giáo. Và tại phố Ả Rập có một con ngõ rất nổi tiếng là ngõ Haji. Tại đây, những cửa hàng trẻ trung, độc đáo sẽ khiến bạn lạc vào thiên đường của thời trang và phụ kiện, từ thời trang đường phố, thời trang nam giới, giày da, váy áo và rất nhiều món đồ độc – dị - chất khác.
 
Một vài địa điểm mua sắm và tham quan mang bản sắc đa văn hóa của Singapore chính là khu Tiểu Ấn Độ (Little India) và khu phố Tàu (Chinatown), với những đặc trưng hương sắc riêng khiến bạn không muốn bỏ qua.
Khu Tiểu Ấn Độ cách bến tàu điện Dhoby Ghaut khoảng 20 phút đi bộ theo đường Selegie, hoặc bạn có thể dừng ở bến tàu đến thẳng khu Tiểu Ấn này. Ở đây có rất nhiều mẫu trang sức bằng vàng Ấn Độ, chủ yếu là trang sức cưới, cũng có các loại lắc chân và vòng tay, vòng cổ, trang sức bạc, và tất nhiên là một thiên đường rực rỡ của những bộ trang phục truyền thống của Ấn Độ đủ mọi sắc màu. Ở đây cũng có Trung tâm mua sắm Mustafa mở cửa suốt cả ngày với đầy đủ các mặt hàng thời trang, điện tử và đồ gia dụng. 
 
Còn để đến khu phố Tàu ở Singapore, bạn có thể đi đến bến tàu điện dừng tại sát khu này hoặc gần công viên Outram. Đi qua ngã ba ở phố Tàu bạn sẽ thấy Siêu thị Hàng hiệu Yue Hwa (số 70 phố Eu Tong Sen) với nhiều mặt hàng thủ công được làm tại Trung Quốc. Ngoài ra còn có Siêu thị Hàng hiệu OG People’s Park với nhiều sản phẩm thời trang, phụ kiện và mỹ phẩm. 
 
Khu đồi Ann Siang là một địa điểm nổi tiếng về giải trí ban đêm, nhưng vào ban ngày, ở đây cũng có khá nhiều cửa hàng thú vị cho bạn khám phá. Bạn có thể tìm thấy cửa hàng Style: Nordic (số 39 đường Ann Siang) với rất nhiều mặt hàng thời trang cực chất từ Phần Lan, Đan Mạch và Thụy Điển. 
Bạn cũng nên thử khám phá Làng Hà Lan (Holland Village) bằng cách bắt xe bus số 7, 77 hoặc 106 từ Đại lộ Orchard, hoặc đi tàu điện đến bến Buona Vista và đi bộ khoảng 20 phút. Nơi đây cũng là một địa điểm dễ chịu để bạn mua sắm ngoài trời khi đã thấy nhàm chán với ánh đèn và khí điều hòa lạnh toát của các trung tâm thương mại. Bạn sẽ mua được rất nhiều sản phẩm thủ công và đồ lưu niệm tại các gian hàng ở đây, từ những trang phục mang cảm hứng Bali đến lụa tơ tằm Trung Quốc. 
Nếu là một người hứng thú với nghệ thuật sáng tạo của các nghệ sĩ Singapore, bạn nên đến thăm khu chợ MAAD, viết tắt của “Chợ dành cho các nghệ sĩ và nhà thiết kế”, được tổ chức tại Bảo Tàng Thiết kế Chấm đỏ (Số 28 đường Maxwell, gần bến tàu điện tại Tanjong Pagar). Chợ MAAD họp vào cuối tuần đầu tiên mỗi tháng, với tràn ngập các mẫu áo phông thiết kế (thường có giá từ 30 đô la Singapore…), khuyên tai làm thủ công (giá từ 15 đô la Singapore) và vòng cổ (giá từ 30 đô la Singapore), nhiều váy vóc, túi xách, vỏ điện thoại v.v…
Nếu trong lịch trình khám phá Singapore của bạn có nhắc đến đảo Sentosa, bạn sẽ không phải thất vọng vì có thể kết hợp vui chơi và mua sắm tại khu nghỉ dưỡng cao cấp này. 
Nổi tiếng nhất ở Sentosa là Trung tâm thương mại VivoCity (số 1 đường Harbourfront Walk), được coi là điểm đến lớn nhất cho các tín đồ mua sắm, giải trí và tận hưởng phong cách sống mới. Đây là nơi tụ hội của các thương hiệu quốc tế như mỹ phẩm Crabtree & Evelyn, Pull&Bear, A|X Armani Exchange và Denizen.
 
Gần đảo Sentosa còn có một địa điểm mua sắm khác là Trung tâm HarbourFront gồm 3 tầng với nhiều thương hiệu thú vị như Cotton Armour chuyên bán quần áo thêu, LaLu chuyên bán quần áo phong cách thập niên 80 hay Mothercare cho trẻ em. 
Một điểm nhấn lộng lẫy khác cho lịch trình mua sắm trên đảo Sentosa là khu Resorts World, một tổ hợp khách sạn và giải trí được khai trương từ đầu năm 2010. Đây là khu mua sắm nhộn nhịp có liên kết với Tháp Crocksford và Khách sạn Michael, là nơi thu hút rất nhiều các gia đình và cặp đôi trẻ đến tiêu tiền. Các thương hiệu lớn có mặt ở đây bao gồm Bulgari, Bally, đồng hồ Chanel, COACH, Chopard, Rolec, túi xách Tumi, Victoria’s Secret, Polo và Jimmy Choo. 
Ngoài những khu vực chính trên, bạn cũng có thể ghé qua một trung tâm thương mại đơn lẻ ở khu vực ngoại ô như Trung tâm Tiong Bahru (số 301 đường Tiong Bahru), Bishan (Giao lộ số 8, số 9 Bishan Place), Woodlands (Causeway Point, Số 1 Quảng trường Woodlands), và Boon Lay (Jurong Point, số 1 Jurong Trung Tây 2), tất cả đều rất tiện đường đi bằng tàu điện. Đa số những trung tâm thương mại này không có đặc điểm gì nổi bật, chủ yếu cung cấp hàng hóa cho dân bản địa chứ không phải cho khách du lịch, nhưng cũng có siêu thị lớn, và những hãng thời trang bình dân như Giordano, Hang Ten và Bossini, với nhiều mẫu quần jeans giá từ 20 đô la Singapore (320.000 VNĐ) và áo phông polo giá từ 10 đô la Singapore (160.000 VNĐ), cùng nhiều quầy mỹ phẩm như Guardian, Watson’s và The Body Shop. Ngoài ra, nếu tiện ghé thăm trung tâm Tampines 1 (số 10 Trung Tampines 1), thì đây sẽ là một điểm nhấn mang phong cách sống thành thị sôi động cho vùng ngoại ô, với một số thương hiệu thời trang như Springfield, Promod và Uniqlo.
 
Với rất nhiều lựa chọn mua sắm trong thành phố, đa phần khách du lịch thường chẳng bao giờ muốn dành trải nghiệm mua sắm của mình đến cuối chuyến đi. Thế nhưng Trung tâm mua sắm ở Sân bay Changi lại được bình chọn là trung tâm mua sắm miễn thuế tốt nhất thế giới. Bạn sẽ thấy mình thật khôn ngoan khi chọn mua sắm tại đây, không chỉ vì sẽ tiết kiệm được công sức “khuân” đồ từ khách sạn đến sân bay, mà mọi thương hiệu bạn cần đều có mặt: MAC, Victoria’s Secret, Bvlgari, Omega, Gucci, Burberry, Vertu, Hermes, Longchamp, Marc by Marc Jacobs, Ferragamo và Bottega Veneta ở nhà ga Terminal 1; Bobbi Brown, Armani, Shanghai Tang, Origins, Swarovski và Kiehl’s ở nhà ga Terminal 2; và Montblanc, Tiffany & Co, Bally, Burberry, Prada và mỹ phẩm cho tóc Bumble & Bumble ở nhà ga Terminal 3. Giá thành ở đây rất cạnh tranh và hấp dẫn, ví dụ như một lọ nước hoa Dior j’adore 75ml có giá khoảng 130 đô la Singapore (2.100.000 VNĐ), cà vạt lụa của Hermes có giá 280 đô la Singapore (4.480.000 VNĐ), cà vạt miễn thuế của Dunhill có giá 196 đô la Singapore (3.135.000 VNĐ) v.v...
 
2. Cẩm nang thời trang đường phố ở Singapore
Singapore cũng được coi là trung tâm của thời trang và phong cách tại châu Á, với nhiều sự kiện thời trang và nhiều gương mặt tín đồ phong cách đình đám. Rất khó có thể mô tả ngắn gọn về sự đa dạng của các phong cách thời trang đường phố tại đây, nhưng bạn có thể tạm hiểu rằng phong cách thời trang của Singapore thể hiện ảnh hưởng của lối sống của cả phương Đông và phương Tây. Bạn có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt của những nhóm thanh thiếu niên mặc thời trang ảnh hưởng đậm chất Nhật Bản, và những nhóm theo xu hướng Âu Mỹ. Ảnh hưởng giữa 2 trào lưu này có thể nói là giữ tỷ lệ 50 – 50, và đôi khi bạn cũng có thể bắt gặp sự dung hợp thú vị của cả 2 phong cách này trên cùng một bộ trang phục của một tín đồ thời trang cá tính nào đó. 
Nếu phải chọn ra một phong cách thời trang ít được ưa thích ở Singapore, thì đó là trào lưu phối đồ nhiều lớp (layering). Do khi hậu nóng ẩm của đất nước này, thậm chí một số món phụ kiện giữ ấm được coi là “gây sốt” trên toàn cầu như mũ beret, mũ len đều không có “đất dụng võ” ở Singapore. Cũng vì khí hậu mà người Singapore có xu hướng ăn mặc đơn giản hóa, bạn sẽ thấy rất nhiều người chỉ thích mặc áo phông và đi dép lê khi đi mua sắm. Nhưng điều đó không có nghĩa là các cô gái ở đây không biết mặc đẹp. Bạn sẽ thấy sự xuất hiện dày đặc của những đôi sandal đấu sĩ, quần short ngắn và áo ba lỗ. Giày bệt được ưa chuộng hơn giày cao gót do các bạn gái thường di chuyển bằng phương tiện công cộng. Và vì không có mùa đông, nên những đôi bốt cao tới đầu gối cũng không thể cạnh tranh được với bốt cổ ngắn. 
Khi chuẩn bị valy du lịch tới Singapore, hãy ưu tiên áo phông thoải mái và quần short denim vì bạn sẽ muốn mặc thật thoải mái, mát mẻ khi đến thăm đất nước nóng ẩm này. Hãy chọn các chất liệu như cotton, polyester/co giãn, lanh và lụa, những chất nhẹ, thoáng và thấm hút mồ hôi để bạn đối chọi với cái nóng nhiệt đới tại đây. 
 
Khí hậu ở Singapore nóng quanh năm, nhưng vào khoảng từ tháng 12 đến tháng 1 sẽ thường xuyên có mưa. Nên bạn chắc chắn không được bỏ quên một chiếc ô nhỏ gọn trong túi xách mỗi khi đi ra phố mua sắm. Và để có những chuyến hành trình khám phá thoải mái nhất tại các con phố và các trung tâm thương mại, tốt nhất bạn nên chọn mang theo những đôi giày dép thật thoải mái. Đừng ngại chọn đi dép xỏ ngón kể cả khi bạn bước vào những trung tâm xa xỉ thượng lưu nhất.
 
Ánh nắng mặt trời ở Singapore khá gay gắt, nên bạn đừng quên chuẩn bị cả kính râm, và một chai nước trong túi xách để giữ cơ thể luôn dễ chịu, thư thái. Không chỉ thế, bạn còn rất dễ bị lạnh khi ở lâu trong các tòa nhà bật điều hòa công suất cao, nên một chiếc áo cardigan mỏng hay áo kiểu kimono, hay khăn choàng là không thừa khi bạn chuẩn bị đi mua sắm tại Singapore. 
 
Và cuối cùng, nếu đến các khu có nhiều người Hồi giáo, ví dụ như khu phố Ả Rập, bạn nên chọn trang phục thể hiện sự tôn trọng bằng cách mặc áo dài tay, hoặc quàng khăn, nên mặc quần ống rộng hoặc váy maxi dài kín chân mà vẫn thoải mái, mát mẻ.
Eve Nguyễn
Ảnh: Tổng hợp từ Fashionista, Elle
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Toner “Siêu căng bóng” liệu có thần thánh như lời đồn?