Khi một đôi nam nữ muốn tiến tới hôn nhân, họ sẽ tìm hiểu về gia đình, gốc gác của đối phương. Tuy vậy, nhiều người tỏ ra chùn bước khi cảm thấy hoàn cảnh gia đình "nửa kia" quá khó khăn, éo le. Tâm sự của chàng thanh niên trong câu chuyện dưới đây là một ví dụ.
Người yêu xinh đẹp nhưng hoàn cảnh quá éo le, chàng trai ngại ngần khi tiến tới hôn nhân
Mới đây, trên một hội nhóm thu hút khá đông người dùng mạng xã hội, một bạn nam tên T. kể lại câu chuyện tình yêu. Được biết, T. đang yêu một cô gái xinh đẹp, tốt bụng. Tuy vậy, khi về ra mắt, chuẩn bị cưới hỏi, T. mới biết hoàn cảnh nhà người yêu quá éo le.
Bố của bạn gái đã quyên sinh sau khi ly hôn với mẹ. Mẹ và chị gái bị trầm cảm, nhiều lần tìm đến cái chết. Biết hoàn cảnh nhà bạn gái, T. cảm thấy lo sợ, ngại ngần khi tính đến chuyện lâu dài.
"Người yêu mình là cô gái tốt đẹp nhất mà mình từng quen cho tới hiện tại. Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy em ấy mình đã bị thu hút không rời mắt được, tự làm ra hành động chưa từng làm đó là đi thẳng tới hỏi tên và làm quen dù xung quanh đông người như cái chợ.
Em không phải kiểu nhìn cái đã thấy xinh đẹp, em đẹp kiểu an tĩnh, là kiểu mà đứng giữa đám đông không lẫn vào với ai được. Đến khi tiếp xúc rồi mới thấy tính cách em còn đẹp hơn vẻ bề ngoài nhiều lần.
Mình vẫn luôn thắc mắc bố mẹ như thế nào mới nuôi dạy được một cô gái như vậy. Nhưng trong gần một năm yêu nhau em rất ít khi kể về gia đình, mình cũng không chủ động hỏi. Cho đến đợt rồi, mình đưa em về ra mắt người nhà và chuẩn bị cưới, em mới nói. Nhà em thưa người, bố em không còn.
Ông đã uống thuốc ngủ tự tử sau ngày ly hôn với mẹ, mẹ, chị gái, và chị dâu đều bị trầm cảm từ nhiều năm. Anh rể và anh trai đều làm bác sĩ tâm lý. Còn em, sau nhiều năm trong tình trạng ngày ngày mở mắt ra là phải ngăn mẹ và chị gái tự tử, em bỏ đi công việc mơ ước của mình, bây giờ đang làm một cô giáo nuôi dạy trẻ tự kỷ.
Thì ra đằng sau vẻ an tĩnh ấy là cả một câu chuyện dài như thế. Mình nhìn em bình tĩnh kể lại mọi chuyện bằng cái giọng nhẹ nhẹ đều đều ấy, chả hiểu sao vừa thương vừa xót. Chỉ muốn em khóc lên để an ủi vỗ về, em mạnh mẽ quá, cho tới giờ cũng chưa bao giờ khóc lóc than vãn bất cứ điều gì. Em nói mẹ và hai chị bây giờ đã tốt hơn mấy năm trước rất nhiều rồi, em và các anh không còn phải ở cạnh từng giây từng phút như trước nữa. Em nói mình đừng áp lực, mọi người rất dễ nói chuyện.
Mình sợ một ngày mình làm ra chuyện gì không tốt, nhưng em lại không nói, cứ im im chịu nhịn rồi cũng sẽ trầm cảm như mẹ hay chị em. Ở đây có bạn nào có kinh nghiệm sống với người nhà bị trầm cảm, có thể chia sẻ được không?"
Câu chuyên của chàng trai thu hút đông đảo sự quan tâm từ dân mạng. Nhiều người cho rằng anh bạn cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định tiến tới hôn nhân. Cô gái trong câu chuyện là người thật thà nên cũng không muốn giấu giếm bất cứ chuyện gì trước ngày cưới.
"Bạn hãy đối xử tốt với cô ấy. Đằng sau sự mạnh mẽ đến bình tĩnh đó là cả một sự đấu tranh đó. Có lẽ cô ấy cũng từng bị trầm cảm nhưng lại nghĩ bản thân phải mạnh mẽ để còn làm chỗ dựa cho mẹ và chị gái. Những người như thế thường hiểu chuyện đến đau lòng", một người dùng viết.
"Hãy nghiêm túc suy nghĩ thật kỹ xem bạn có thể ở bên em ấy đến cuối cùng không. Rồi kiên định với quyết định của chính bản thân bạn đến hơi thở cuối cùng. Bạn sẽ biết phải làm như thế nào. Thực ra, những người bị trầm cảm, ban đầu là do không được thông cảm thực sự mà thôi', một người khác bình luận.
3 điều cần xem xét trước khi kết hôn
1. Mình sẽ có con và nuôi dạy chúng như thế nào?
Hai bạn sẽ thành một đôi, làm nên một gia đình mới. Vì thế trước khi quyết định về sống chung, hãy nói chuyện thẳng thắn với nhau, dò hỏi ý kiến xem người bạn đời thích bao nhiêu đứa con, hai vợ chồng sẽ chăm sóc chúng thế nào và lo cho gia đình ra sao? Cả hai có thuê người giúp việc không? Nhất là các đôi không cùng niềm tin tôn giáo nên thống nhất ngay từ đầu sẽ cho con theo tín ngưỡng của cha hay mẹ...
2. Làm thế nào để quản lý nguồn tài chính gia đình?
Để tránh mâu thuẫn trong vấn đề tiền bạc, bạn cần phải xác định rõ những tài sản cá nhân nào sẽ được gộp chung khi cưới, ai là người thanh toán những hóa đơn sinh hoạt gia đình, những khoản chi tiêu cần phải cân nhắc, giới hạn khoản tiền được sử dụng riêng. Khi nào bạn cần phải tham khảo ý kiến của người kia...
3. Phân chia công việc nhà
Việc nhà sẽ được thống nhất một người làm là chính, hay hai người cùng chia nhau: Nếu người kia nấu nướng, người này sẽ rửa chén, xoong chảo... Ai sẽ là người đảm bảo trật tự, nội thất, cũng như bảo dưỡng ngôi nhà, ai sẽ cắt cỏ, đổ rác? Gánh nặng gia đình bạn sẽ phân chia ra sao?
Anh Chi
3 gia đình đông con showbiz Việt tiết lộ bí quyết dạy con đáng học hỏi