Anh Đoàn Thanh Dương nhập ngũ năm 1994 tại Tây Nguyên, một năm sau thì bị thương trong quá trình huấn luyện. Sau thời gian điều trị ở các bệnh viện, anh được đưa về bệnh xá biên phòng ở Gia Lai và trong một năm ở đây, anh gặp rồi yêu chị Nguyễn Thị Thắm, cô gái sống ngay gần đó.
Anh Dương ra quân khi trên cơ thể vẫn còn 3 dị vật ở tay và ngực mà anh vẫn đùa là "mảnh đạn
tình yêu". Chuyện tình của họ không được gia đình chị Thắm ủng hộ, nhưng đôi trẻ vẫn vượt qua và đi đến hôn nhân vào năm 1998. Chị Thắm nhớ lại:
“Lúc đầu, gia đình tôi ngăn cấm lắm vì anh nghèo, nên cả hai cứ thế dắt nhau bỏ đi, nghĩ không làm đám cưới cũng được. Mãi một tháng sau, gia đình mới gọi về cho cưới”.
Anh Dương, chị Thắm dần phục hồi sức khỏe.
Hai anh Dương, chị Thắm mở sạp hàng bán nông sản tại chợ đêm Tây Nguyên. Năm 2001, anh Dương biết mình bị đa nang thận và sỏi thận. Bác sĩ bảo bệnh đa nang thận không thể chữa trị dứt điểm, chỉ có thể ăn kiêng và sử dụng các phương pháp điều trị để “sống chung với lũ”. Từ ngày đó, sức khỏe anh yếu dần đi, chị Thắm trở thành lao động chính trong gia đình.
Đến năm 2018, khi đã có với nhau 4 mặt con, sức khỏe của anh Dương kém đi trông thấy. Trong giai đoạn này, anh bị tai biến tới 4 lần, vì những người đa nang thận thường có huyết áp tăng cao. Để chạy chữa cho anh, cả gia đình 6 người quyết định chuyển lên thành phố lớn. Họ lặn lội đến Nha Trang, rồi chuyển tới TP.HCM và cuối cùng dừng chân ở Hà Nội.
Để mưu sinh ở Thủ đô, lúc đầu, chị Thắm thuê một cửa hàng nhỏ tại khu Mỹ Đình để bán cơm tấm và bún bò Huế, những món ăn chị học được khi còn buôn bán ở chợ đầu mối. Vợ bán hàng, chồng hỗ trợ, cùng nuôi 4 con trưởng thành. Năm 2020, quán chuyển về khu Đại Từ để tiện cho anh đi điều trị ở các bệnh viện tuyến đầu.
Bệnh thận của anh ngày càng nặng và đến năm 2022, mỗi tuần anh Dương phải đi lọc máu 3 lần. Lúc mới lọc máu, anh còn thấy ngon miệng, ăn được chút ít, nhưng sau đó thì cái gì cũng khó mà nuốt nổi. Chị Thắm xót chồng mà không dám khóc. Đêm khuya khi thu xếp xong công việc, cơ thể được nghỉ ngơi thì tâm trí lại bị dày vò vì thương chồng, cố bặm môi mà nước mắt trào ra.
Tháng 11/2023, anh Dương trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ một bên thận và sức khỏe lại càng yếu đi thấy rõ. Chức năng của quả thận còn lại cũng rất kém. Bác sĩ bảo, để có thể sống bình thường, anh cần được ghép thận. Đây là bài toán khó, không chỉ ở vấn đề chi phí mà còn vì tìm được thận tương thích không phải chuyện "muốn là được". Thật may mắn khi quả thận mà chị Thắm sẵn sàng hiến cho chồng lại phù hợp với anh.
Trước khi ca phẫu thuật được tiến hành vào tháng 4/2024, nhiều bệnh nhân ở bệnh viện khuyên trong gia đình, người này yếu, người kia phải khỏe. Nếu cả hai cùng yếu, lấy ai làm việc, nuôi con? Chị Thắm không để vấn đề đó làm bận lòng, vì điều đáng quan tâm duy nhất là anh được sống khỏe mạnh.
Cuối cùng, sau 5 tháng thuyết phục, anh Dương mới đồng ý nhận thận hiến từ vợ. Sau ca mổ, dù chưa thực sự hồi phục sức khỏe, vợ chồng anh chị lại tiếp tục làm việc ở quán cơm tấm. Chị Thắm tâm sự, sau ca mổ, dù sức khỏe không tốt như trước nhưng chị vô cùng hạnh phúc khi thấy chồng khỏe mạnh hơn. Chị cũng đã đăng ký hiến tạng khi qua đời bởi "cứ cho đi thôi, không cần nghĩ ngợi nhiều".
Trước đó, câu chuyện anh Trần Công Cảm, hiến thận cho vợ là chị Nguyễn Thị Kim Oanh cũng khiến cộng đồng mạng xúc động. Sau khi đi đến hôn nhân, sinh con nhỏ được 2 tuổi, tháng 11.2017, chị Oanh phát bệnh phải nhập viện và được chẩn đoán suy thận mạn (giai đoạn 5), phải thực hiện lọc máu chu kỳ (tức chạy thận nhân tạo) để sống.
Anh Cảm chăm sóc vợ sau ca mổ ghép thận.
Thương vợ bệnh tật, anh âm thầm đến bệnh viện xin xét nghiệm để hiến thận cho vợ. May mắn, kết quả xét nghiệm các chỉ số về máu và di truyền của anh hội đủ điều kiện để hiến thận cho vợ.
Cầm kết quả xét nghiệm, anh Cảm vừa mừng vì vợ có cơ hội được cứu sống, vừa lo vì số tiền ghép thận lên đến hàng trăm triệu đồng, biết lấy đâu để làm. Được sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân, vợ chồng anh Cảm và chị Oanh đã có thể phẫu thuật hiến - ghép thận thành công và dần hồi phục sức khỏe.
Anh Chi (Tổng hợp)