17 năm chạy chữa vô sinh, cặp vợ chồng sát tuổi 40 vẫn quyết tâm làm cha mẹ

2017-03-14 10:00
- Kết hôn từ năm 19 tuổi, chị Nguyễn Thị L (36 tuổi, Nam Định) vẫn đang trông mong có được một đứa con sau 17 năm chạy chữa.
Kết hôn từ năm 19 tuổi, chị Nguyễn Thị L (36 tuổi, Nam Định) vẫn đang trông mong có được một đứa con sau 17 năm chạy chữa vô sinh.

Vợ khó sinh được con, chồng cương quyết không bỏ

Ngồi lặng lẽ ở góc cầu thang tầng 2 của Trung tâm Sức khỏe Sinh sản Quốc Gia, vợ chồng chị L. là cặp lớn tuổi nhất trong ngày tới khám để đặt lịch thụ tinh ống nghiệm.

Chồng chị L., anh Nguyễn Văn V. (42 tuổi, Nam Định) tâm sự: “Hai vợ chồng tôi cũng đã chạy chữa khắp mọi nơi rồi. Giờ chỉ còn trông mong vào thụ tinh ống nghiệm. Nếu không thành nữa thì cũng phải buông xuôi”.

Chị L. cho biết hai vợ chồng cũng chịu áp lực lớn của gia đình. Nhưng gia đình cũng thông cảm vì hoàn cảnh khó khăn nên hai vợ chồng chưa có điều kiện để chạy chữa.

 “Thấy vợ chông tôi mãi chưa có con, các cụ ở nhà cũng lo. 5 năm, 10 năm, 15 năm theo thầy này, thuốc kia, con chưa thấy nhưng kinh tế càng ngày không có. Hai vợ chồng tôi chỉ làm nông nghiệp. Một năm 2 vụ lúa, lúa thu hoạch về chưa khô vỏ đã phải bán để lấy tiền mua thuốc trị bệnh. Còn tiền đâu để đi ra Hà Nội xét nghiệm này kia”, chị L. cho hay.

17 năm chữa trị vô sinh, thời gian khéo dài có mất cơ hội có con?

Mỗi một ngày Trung tâm sức khỏe sinh sản khám 80-100 lượt bệnh nhân vô sinh hiếm muộn. Các ca tới đây khám thường là ca nặng và nhiều ca bệnh đã nhiều tuổi.

Trong thời gian uống thuốc Nam, chị L. được người quen mách ở Thái Bình có thầy thuốc chữa vô sinh rất “mát tay”. Hai vợ chồng chị L. lại khăn gói, đùm cơm tìm tới khám. 5 năm uống thuốc, chị L. vẫn chưa có được một lần đậu thai. Sau đó, vợ chồng chị L. vẫn tiếp tục uống thuốc lá.

Năm 2010, có được một ít tiền vợ chồng chị L. ra Hà Nội khám sức khỏe sinh sản. Kết quả khám tinh dịch đồ của chồng chị L. hoàn toàn bình thường. Nhưng trứng của chị L chất lượng xấu, vì vậy khó có thể thụ tinh được tự nhiên. Hai vợ chồng chị L. được tư vấn thụ tinh ống nghiệm. Nhưng thời điểm đó, kinh phí cho một ca thụ tinh cũng khá lớn nên 2 vợ chồng chị L. quyết định không làm.

"Chồng tôi vẫn thương tôi và cương quyết không bỏ. Vì có lần tôi muốn chồng tôi đi đến với người khác để anh có được một đứa con nhưng không chịu. Anh động viên tôi cố gắng kiếm tiền để đi thụ tinh ống nghiệm”, chị L. xúc động chia sẻ.

Đầu năm 2017, hai vợ chồng chị L. đã dành dụm được một số tiền và quyết định ra Hà Nội làm thụ tinh ống nghiệm. Chị L nói: “Giờ chồng tôi đã ngoài 40 tuổi, tôi cũng 36 tuổi rồi. Cả hai vợ chồng tôi không còn trẻ trung gì nữa. Vì vậy, lần này ra đây quyết tâm phải có được con. Nếu có thiếu tiền cũng phải cắm sổ đỏ để thụ tinh trong ống nghiệm".

Quan hệ đều đặn 1 năm không có con nên đi khám

Theo bác sĩ Nguyễn Việt Quang (Phó Giám đốc Trung tâm Sàn Chậu, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản Quốc gia), hàng ngày Trung tâm tiếp nhận hàng trăm lượt bệnh nhân hiếm muộn tới khám.  Các trường hợp tới đây khám đều là những bệnh nhân nặng. Hầu hết các trường hợp hiếm muộn tới khám đã từng đi điều trị thuốc khắp nơi rất dài từ 5 – 10 năm, thậm chí có những trường hợp hơn 10 năm.

Nguyên nhân vô sinh hiếm muộn hiện nay đều có ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là các bệnh nhân vô sinh hiếm muộn tới điều trị thường rất muộn. Có người sau 10-20 năm không có con mới đi khám.

“Tôi đã từng làm thụ tinh trong ống nghiệm cho cặp vợ chồng, chồng 47 tuổi, vợ 42 tuổi. Khi hai vợ chồng này tới trung tâm, kết quả cho thấy, chồng có tinh trùng nhưng chất lượng trứng của vợ rất xấu. Rất may mắn chúng tôi đã lấy được 1 quả trứng tuy xấu nhưng vẫn cho phép thụ tinh được. Và vợ chồng bệnh nhân này đã mang thai và sinh được một cháu trai khỏe mạnh”, bác sĩ Nguyễn Việt Quang nói.

Theo các bác sĩ sản khoa, khác với nam giới phụ nữ 35 năm khả năng sinh sản sẽ giảm sút. Ngoài 40 tuổi khi phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh thì khả năng sinh sản sẽ mất đi. Vì vậy, vợ chồng quan hệ tình dục trong 1 năm không dùng biện pháp tránh thai nếu không có con cần phải đi khám sức khỏe sinh sản. Thời gian sinh sản của con người chỉ có một mốc nhất định, khi qua mốc đó sẽ khó khăn và có nhiều nguy cơ.

Khi đã vô sinh hiếm muộn không nên để quá lâu không đi khám và điều trị. Việc tự điều trị vô sinh hiếm muộn kéo dài 10- 20 năm sẽ mất đi cơ hội có thể làm mẹ, làm cha.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

6 người đẹp Việt khiến cư dân mạng 'thót tim' vì diện váy xẻ quá cao