Ai trả tiền son phấn?

2017-07-21 16:11
- Trên Internet dạo này rộ lên clip một cô diễn viên hài kể, lý do vì sao đàn ông luôn phải trả tiền cho cuộc hẹn hò đầu tiên. Cô nói, tính toán thôi và liệt kê ra một loạt chi phí để xinh đẹp: làm tóc, làm móng tay, váy mới, son, phấn, nước hoa. Tính ra tổng cộng gần như đổ mồ hôi hột hơn cả trăm đô la.

Chuyện hài, nhưng không phải không có thật. Cái áp lực phải xinh đẹp, phải có quần áo đẹp lên phụ nữ hẳn là xưa như chuyện cô Tấm khóc vì không có quần áo đẹp khi trẩy hội. 

Tuần trước, tôi có dịp hộ tống một cô bạn chuẩn bị để dự một buổi tiệc. Dù bình thường vẫn nhận mình theo nữ quyền, nhưng cô sẵn sàng chi một loạt khoản để mua váy mới, giày mới, giỏ xách tiệp màu và dây chuyền.

Tính tổng cộng tiền cho khoản này gấp ba tiền mua quà cho bữa tiệc sinh nhật đó. Tôi thấy thật kỳ lạ khi nhận mình theo nữ quyền, nhưng vẫn chấp nhận theo mong đợi của xã hội áp đặt lên một cô gái: phải xinh đẹp khi xuất hiện ở những dịp quan trọng, như một lẽ tất yếu. 

Bài học về làm đẹp hẳn là một trong những bài học đầu tiên của một bé gái, từ chiếc đầm màu hồng đầu tiên làm món quà trao cho cô bé. Nhưng áp lực từ nó, tôi nghĩ, bắt đầu trở nên rõ ràng nhất ở tuổi vị thành niên. Tuổi vị thành niên là lúc các bé gái trở thành các cô gái và họ bắt đầu so sánh. Tóc của ai đẹp hơn? Ai có màu son thời thượng? Ai ăn mặc quá lúa? Cô em gái bạn trai tôi kể, tiền tiêu vặt của cô vào năm 15-16 tuổi hoàn toàn không đủ cho những khoản con gái mới cần, quần áo son phấn tóc tai...

Tôi có thể hình dung, tuổi vị thành niên sẽ rất kinh khủng nếu bạn không ở trong chuẩn mực cái đẹp nữ giới. Một chị bạn tôi kể, thời tuổi teen chị hơi mũm mĩm và bắt đầu hình thành thói quen, sau khi ăn sẽ móc họng để ói ra. 

Bản thân tôi cảm nhận rõ nhất áp lực này năm 18 tuổi, vào lễ tốt nghiệp. Ngoài lễ tốt nghiệp chính thức, trường tôi có một buổi tối cho học sinh lớp 12 tổ chức sinh hoạt văn nghệ và liên hoan. Buổi tối này, học sinh không cần mặc áo dài như bình thường.

Tôi nhớ mình mặc một chiếc váy cũ của dì gửi từ nước ngoài, vải đẹp nhưng khuôn dáng không vừa với người tôi lắm. Tôi nhớ mãi lời một người bạn nói khi vào nhà vệ sinh, “Sao mặc cái đầm này vậy, đầm dài nhìn già quá” (Thời đó, váy ngắn đang là mốt). Chỉ mấy lời mà làm tôi buồn cả buổi tối, và sự tự tin tuột xuống bằng 0. 

Đó chỉ là bắt đầu quá trình trưởng thành, với một ám ảnh phải thực hành nữ tính, bằng rất nhiều vật phẩm quan trọng: son môi, giày cao gót, váy vóc, tóc tai, các loại kem dưỡng và trang điểm, thân hình thon thả… Những vật phẩm này là con đường dẫn đến sự công nhận tính nữ từ xã hội. Nếu bạn có gì đó khác, hãy chuẩn bị sẵn sàng cho một loạt đánh giá rùng rợn với một cô gái tuổi đôi mươi: mập quá, da mụn quá, mặc đồ quê quá, tóc thấy ghê…, và tổng quát hơn, xấu quá.

Nếu có gì khiến bất cứ cô gái đôi mươi nào sợ nhất, đó là hai từ này, “xấu quá”. Ở bên này của lằn ranh là nữ tính, phái đẹp, tất cả những nét quyến rũ mỹ miều với những hứa hẹn, được nhiều người theo đuổi, được chúng bạn ghen tị sắc đẹp. Và ở bên kia là “Xấu”, một vùng đất của những phụ nữ bị đày ải vì có một chỗ nào đó không hợp để ở bờ bên kia. Đó là cuộc đua giữa hai bờ Đẹp - Xấu, mà phụ nữ lúc nào cũng chạy hụt hơi giữa hai bên, nếu không cẩn thận sẽ có thể rơi xuống bờ Xấu bất cứ lúc nào. 

Cuộc đua này có thể khốc liệt đến mức, phụ nữ sẵn sàng trả giá thêm bằng những giờ lao động, để mua những vật phẩm cho tính nữ. Tôi còn nhớ từng đọc một nghiên cứu xã hội tại Nam Mỹ (“High Tech and High Heels in the Global Economy: Women, Work, and Pink-Collar Identities in the Caribbean”, tác giả Carla Freeman), ở một công ty nhập liệu mà 90% nhân công ở đó là nữ.

Nghiên cứu gọi đó là những người làm công cổ hồng (pink collar), phân biệt với nhân công cổ trắng (white collar- người làm việc viên chức) và cổ xanh (blue collar, người lao động tay chân). Áp lực giới tính đến từ quần áo son phấn, đè nặng lên những nhân viên với mức lương chỉ ngang công nhân ở công xưởng. Họ được trả mức lương thấp, nhưng cuộc chạy đua giới tính buộc họ phải đẹp.

Kết quả là, tiền lương họ nhận được thậm chí không đủ chi trả cho chi phí để làm đẹp và phần lớn nhân công nhập liệu buộc phải làm thêm ngoài giờ để chi trả. Trong những chiếc váy bó, son môi và giày cao gót, làm việc trong môi trường có máy lạnh, đèn sáng, họ cảm thấy tự tin, thấy mình được đặt cao hơn những phụ nữ làm ở công xưởng một bậc. Tôi còn nhớ rõ sự chua chát khi đọc đến đoạn này, một biểu hiện rõ nét cho cuộc chạy đua của tính nữ. 

tiền son phấn

Vậy nên nghĩ về cuộc chạy đua này như thế nào? Tôi nghĩ chẳng ai có thể đứng ngoài xã hội được. Khi bạn trao cho bé gái chiếc đầm hồng đầu tiên và khen bé đẹp quá, bạn đã gieo hạt mầm cho cuộc chạy đua nữ tính 15-20 năm sau và cả đời của cô bé ấy rồi.

Nhưng nếu có vài lời tôi muốn nói với bản thân năm 18-20 tuổi, khi vẫn còn rất bối rối chưa nắm được quy luật cuộc đua này, đó sẽ là, Sự tự tin và thu hút nữ tính không đến từ những vật phẩm ngoại thân. Dĩ nhiên, tình yêu của một ai đó càng không do thu hút vẻ ngoài. Thật, sau những bối rối của tuổi 20, tôi nhận thấy câu đàn ông hoàn toàn yêu bằng mắt là không đúng.

Rất nhiều cô gái rất xinh tôi thấy có rất nhiều người theo đuổi, nhưng không có lấy một mối quan hệ kéo dài qua 6 tháng. Khi đã bước vào tình yêu , tính cách và suy nghĩ bắt đầu bộc lộ ra, và khi khoản này quá tệ thì nhan sắc cũng không cứu chữa được bao lâu.

Vậy nên, hãy dành vừa đủ tối thiểu thời gian để học cách sử dụng chúng một cách nhanh và hiệu quả, và dùng tất cả thời gian còn lại để trau chuốt cho kiến thức, sự nghiệp và tâm hồn, một cuộc đua khó và mang lại nhiều lợi ích lâu dài hơn, cả khi tuổi tác ra đi và nhan sắc tàn lụi. 

Bạn sẽ không chắc sẽ tìm được một người đàn ông sẽ sẵn sàng trả tiền son phấn cho mình, trực tiếp, hoặc gián tiếp, như cô diễn viên hài ở đầu bài tôi kể, khi được thiết đãi trong những cuộc hẹn hò đắt tiền. Bởi thế, khi đầu tư làm đẹp, luôn nên cân bằng giữa đầu tư cho vẻ ngoài và đầu tư mang lại lợi ích lâu dài hơn vào trí tuệ và tâm hồn.

Vì nói cho cùng, bạn làm đẹp là để được ngưỡng mộ, yêu thương và tôn trọng bởi những người quan trọng với bạn, vì tôi tin là chẳng cô gái nào muốn được dán nhãn là “bình hoa di động cả”. Khi làm đẹp là một trong những con đường dẫn đến sự ngưỡng mộ, tình yêu và tôn trọng của những người xung quanh, hãy tích cực tìm thêm những con đường khác, có thể ngắn hơn và thú vị hơn để đến. 

Theo Chi Mai /Guu.vn

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Chỉ với 5 phút mỗi ngày với 6 bài tập, bạn sẽ sớm có vòng eo đẹp như Ngọc Trinh