5 ngày đi đẻ một mình và cuộc sống vất vả của mẹ đơn thân quyết giữ con bên mình
Tin liên quan
Lần thứ 2 bỏ trốn suôn sẻ khỏi mẹ chồng thâm độc, T.A đã lên một chiếc xe xuôi xuống Hà Nội. Dù biết cuộc sống phía trước còn nhiều vất vả nhưng cô mặc kệ hết, chỉ biết trèo lên xe để đi ngay lập tức mà không cần biết sống chết thế nào.
Sau khi xuống bến xe, T.A cũng lạ và cũng sợ. Nhưng đâm lao theo lao nên T.A phải lang thang và tìm việc. Sau mấy ngày thì cô xin được vào làm ở một quán ăn và được ở lại. Cô làm ở đây đến khi nghén nhiều quá, nôn nhiều thì không thể làm nữa phải xin nghỉ việc.
“Mình cứ thế vác bụng, ôm quần áo đi lang thang tiếp thì vô tình gặp được chị (mình không kể về hoàn cảnh gặp lúc này vì sẽ bị coi là hư cấu). Sau nói chuyện với chị, chị cho mình vào làm chỗ chị ở hiệu bán sách bút vở, chỉ thu tiền, sắp xếp đồ khi cần, công việc nhẹ nhàng hợp, lương ổn. Mình có thuê trọ, đi làm xe bus”.
Hàng ngày, T.A đi làm như vậy. Tuy nhiên, ở chỗ làm có 3 nhân viên cùng làm thì cô hay bị ăn hiếp, bắt nạt nhất. Nhưng bù lại, ở chỗ trọ của T.A có một bạn khá tốt. Sau này, chính người này đã cho cô đồ cho em bé và gom đồ đưa cô đi đẻ.
“Cuộc sống ở đây không bị dèm pha nhiều như trước kia ở quê nên mình khá dễ chịu. Con mình khi bị đánh mình thường cố gắng che bụng nên không bị sảy. Song do mình yếu, ăn không được, thai bị suy dinh dưỡng nặng”, T.A tâm sự.
Cho đến một hôm đi làm, cô bị rỉ ối nhưng không biết vì lần đầu làm mẹ, cũng không có kinh nghiệm. Cô cứ thế bị cạn ối phải mổ cấp cứu, vì thế con lớn lên cũng bị ảnh hưởng nhiều: “Lúc sinh may có một chị ở hiệu sách giúp đứng lên lo thủ tục và trả viện phí. Song chị không ở lại trông mình được vì còn phải về coi công việc và đi công tác. 5 ngày ở viện không người thân 2 mẹ con tự xoay sở. Cứ nhờ được ai thì nhờ họ giúp.
Cảnh đi đẻ mà không có ai chăm nếu mẹ nào trải qua thì sẽ hiểu. Mình sinh mổ lại càng đau dã man. Nhìn người ta 1 người đi đẻ mà cả nhà đi theo. Còn mình thì như vậy khiến mình không khỏi chạnh lòng. Được cái mọi người cũng thương tình, giúp mua tí cháo, pha sữa cho con giúp mình. Cái cảm giác lúc đó không thể diễn tả được”.
Sau 5 ngày nằm viện, T.A cũng được xuất viện về phòng trọ. Từ đây cô phải tự túc hết mọi việc. Khi ra viện xong, T.A cũng phải thanh toán lại tiền viện phí cho người chị đã giúp mình vào viện sinh kia: “Nhưng chị cho con mình 2 triệu tiền mình mượn để tiêu mấy hôm ở viện. Con bé, mẹ đau cứ ôm nhau trong phòng trọ cực lắm. Làm gì cũng cắn răng để làm, đồ ăn chính lúc cữ chỉ có trứng hấp cơm và ruốc, thi thoảng nhờ bạn hàng xóm mua cho ít thịt để rang nghệ ăn. Tranh thủ từng chút một con ngủ để giặt giũ dọn dẹp”.
Suốt những ngày ở cữ, T.A chi tiêu tiết kiệm nhất có thể để đủ số tiền cô tiết kiệm từ khi đi làm. Được 2 tháng sau thì T.A gửi con cho một bác là mẹ của bạn hàng xóm lên trông cháu để cô đi theo người bạn này làm giúp việc theo giờ cho mấy nhà ở gần gần. Còn công việc ở hiệu sách, T,A phải tạm nghỉ 6 tháng không lương.
“Bác ấy trông không lấy tiền, nhưng mình thi thoảng mua cho bác ít đồ. Mình nói luôn mình không có tiền, bác thương bác giúp nên mình cảm ơn lắm. Con mình hay ốm lắm, viêm phổi, ho nên phải đi làm được gì thì làm lấy tiền cho con đi khám và mua thuốc. Lúc nào mình cũng nghĩ cố gắng. Bao cái khổ, cái đau sẽ qua, chỉ cần con khỏe, 2 mẹ con sống là đủ”.
Hết 6 tháng ở cữ, T.A đi làm lại ở nhà sách. Lúc này, cô thuê người trông bé vì người trông hộ ở nhà trọ đã về quê do nhà bạn hàng xóm chuyển chỗ ở mới: “Ở chỗ làm, mình càng ngày càng bị bắt nạt, chèn ép. Mệt mỏi lắm. Tối về vội vàng đón con (mình mang con đi gửi ở nhà bà nhận trông trẻ ngoài) cho con ăn, tắm giặt. Con mình càng lớn thì càng có nhiều cái không như trẻ bình thường, có vẻ chậm hơn. Mọi người cứ bảo con mình tồ tồ ấy. Mình thương con, và buồn lắm nhưng cố tự động viên và an ủi bản thân”.
Quá lo lắng cho con, T.A thử cho con đi khám để xem kết quả như nào thì bác sĩ kết luận con có biểu hiện hành vi của trẻ Vip, cần can thiệp sớm. Nghe bác sĩ nói vậy, người mẹ trẻ suy sụp lắm: “Những ngày sau đó, thậm chí đến giờ mình vẫn tìm hiểu và học các phương pháp để can thiệp cho con. Mẹ nào có con như vậy thì mới hiểu thôi. Thương con thắt ruột”.
T.A cứ cố gắng làm ở nhà sách thêm một thời gian thì người thường xuyên giúp đỡ cô những tháng ngày qua qua đời. Cái chết của chị khiến T.A bị sốc. Bởi vì chị là ân nhân của cô: “Sau đó một bạn lên thay vị trí quản lí của chị. Đây cũng là người chuyên nạt mình. Sau bạn ấy gài bẫy mình, khiến mình kiểm tiền bị thiếu tiền. Mình bị đuổi việc”.
Sau khi buổi đuổi việc ở nhà sách, T.A tiếp tục quay lại làm giúp việc theo giờ để nuôi con, và cho con đi chữa bệnh ở trung tâm. Do cho con vào trung tâm chữa bệnh nên khá tốn kém. Lại thêm mới đây cô gặp tai nạn nên phải hạn chế đi lại, không đi làm xa được: “Hết tiền, mình không cho con đi trung tâm chữa bệnh. Mình tự ở nhà học và tìm phương pháp dạy con. Nhiều khi nản và bất lực lắm. Mỗi lúc con tiến bộ là lại mừng rớt nước mắt. Mình cũng tìm thêm việc để làm kiếm tiền nuôi con qua ngày”.
Chia sẻ về việc khi kể lên mạng câu chuyện về đời mình, nhiều chị em không tin cho rằng T.A bán hàng câu like, câu view. Nhưng T.A khẳng định, đó là những gì mà cô đã và đang phải trải qua: “Mình thấy các mẹ kể thì mình cũng bắt chước kể thôi. Có nhiều người không tin, hoặc có nhiều chuyện nghe phi lí nhưng ở đời không gì là không thể. Mình nghĩ vậy. Nếu mình nói có bạn chạy xe máy hơn 10 cây số dưới trời mưa rét chập tối hôm qua sang chỉ để tặng 2 mẹ con 1 cây bắp cải chắc không ai tin. Nhưng đó là sự thật luôn”.
Hiện tại, dù cuộc sống của 2 mẹ con T.A còn vất vả ngay giữa Hà Nội xa lạ này nhưng cô vẫn cảm thấy hạnh phúc vì có con bên cạnh: “Ngay giữa Hà Nội này thôi, không cứ phải ở quê mình, mình từng thấy có chị nhà giàu (mình giúp việc nên biết) chị xinh, công việc tốt, cũng bị chồng đánh không kém gì mình. Mà chị không thể bỏ đi được như mình. Chị còn nhiều cái ràng buộc, công việc, bố mẹ, con cái, danh dự.
Có người thì sướng từ trong trứng nước, có người khổ tới tận lúc xuôi tay. Mỗi người một cảnh. Còn mình, mình sẽ cố gắng để 2 mẹ con có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc nhất. Mình cố gắng dạy bé, từng ít một, để bé cũng như các trẻ khác. Mình cứ sống thật tốt sẽ gặp người tốt”.
Vân Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất