Remix: Làm mới hay phá nhạc?
Tin liên quan
Remix (làm mới) một tiết mục trình diễn âm nhạc đang là xu thế của thị trường âm nhạc thế giới, trong đó có Việt Nam. Làm mới một ca khúc là phương thức hữu hiệu giải quyết 2 vấn đề cốt lõi của âm nhạc Việt Nam hiện nay: cập nhật xu hướng thời đại và cứu vãn tình huống khan hiếm bài hát ăn khách. Tuy nhiên, nhạc remix đang bị lạm dụng thái quá đến mức loại gì cũng bị đem ra làm mới khiến nhiều ca khúc thay vì được làm mới trở thành thảm họa âm nhạc.
Dạ cổ hoài lang thành nhạc dance
Cùng với xu hướng phát triển của phong cách nhạc điện tử sôi động EDM (electronic dance music), phong trào lấy một ca khúc cũ với tiết tấu chậm đem làm mới để tăng chất sôi động, vui tươi là nhu cầu chính đáng trong thời buổi nhạc EDM gần như chiếm lĩnh thị trường âm nhạc hiện nay nhưng theo nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: “Remix có nguyên tắc của nó, người làm nhạc phải tuân thủ. Có những bài không thể remix được. Do bỏ qua hoặc vô tình bỏ qua vì vốn kiến thức về âm nhạc của người làm còn hạn chế nên đã vô tình tạo nên một mớ hỗn độn các sản phẩm nhạc remix, đến mức khán thính giả yêu nhạc không thể nghe được ”.
Dễ thấy nhất cho sự hỗn độn này là chương trình “The remix - Hòa âm ánh sáng” đang diễn ra hằng tuần trên VTV3. Nhiều ca khúc cũ được “xào” lại dưới dạng remix, thậm chí cả những ca khúc âm hưởng dân ca.
Dù vậy, hỗn độn nhất của nhạc remix vẫn thuộc về nhạc karaoke. Bất kể ca khúc thuộc thể loại gì, từ pop ballad nhẹ nhàng đến âm hưởng dân ca và cả dân ca ba miền đều được remix bằng nhịp điệu sôi động đến độ đinh tai nhức óc. Những Chim trắng mồ côi, Anh Ba khía, Bèo dạt mây trôi, Dạ cổ hoài lang, Diễm xưa, Lòng mẹ… đều bị biến dạng trong những tiết điệu “xập xình”, hát hụt hơi. Người yêu nhạc chỉ còn biết lắc đầu.
Nhu cầu có thật
Nhạc sĩ Minh Châu cho rằng không phải khán thính giả trẻ nào cũng thích tiếp cận với ca khúc nguyên mẫu cũ xưa khi âm nhạc thời nay đã có những biến đổi rất lớn, phụ thuộc vào sở thích mang tính thời đại của người thưởng thức. Giới kinh doanh âm nhạc ở thị phần karaoke cũng cho rằng nhạc karaoke làm ra là để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng, người hát. “Ngoài việc vẫn duy trì phong cách hòa âm truyền thống, sang trọng và tinh túy đầy nghệ thuật theo đúng tinh thần nội dung ca khúc, những phiên bản làm mới phù hợp với nhu cầu của giới trẻ: sôi động, khỏe mạnh, yêu đời. Nhạc remix dĩ nhiên không thích hợp với những cơ thể trầm cảm, đau ốm, lo toan…” - khẳng định của bà Phạm Thảo Khanh, Giám đốc nội dung số của Công ty Sơn Ca Media.
Từ năm 2013, trước đòi hỏi của thị trường, các hãng sản xuất đầu máy karaoke đua nhau khai thác nhạc remix, “không có nhạc remix xem như khỏi bán được hàng” - đại diện của nhiều thương hiệu karaoke cho biết. Dù bị thu phí tác quyền ca khúc thêm một lần nữa đối với ca khúc có bản beat remix, các hãng sản xuất đầu đĩa karaoke vẫn vui vẻ chấp nhận bởi nhu cầu thị trường đang đòi hỏi trong khi ca khúc mới rất ít, chỉ cần hát ca khúc cũ miễn remix cho sôi động là ăn khách.
Các hãng karaoke khẳng định rằng nhiều ca khúc nhạc trữ tình, buồn khi remix được khách hàng chấp nhận đều có lý lẽ rất thuyết phục. “Ví như ca khúc Lòng mẹ của Y Vân được remix theo phong cách dance khi đem hát và nhảy trong một tiệc mừng thọ người mẹ 70 tuổi chẳng hạn, vẫn được mọi người ủng hộ, ngay người mẹ 70 tuổi ấy vẫn cười vui vì thấy con cái cháu chắt ca hát, nhảy nhót yêu đời thay vì sầu lo thương cảm như cảm xúc của bài hát gốc ra đời 50 năm trước” - đại diện một thương hiệu karaoke dẫn chứng.
Cưỡng bức âm nhạc
Dù nhạc remix đang là nhu cầu của xã hội nhưng giới chuyên môn đang lo ngại vì có rất ít bản remix hiện nay đủ tinh tế để chinh phục khán thính giả yêu nhạc. Bởi lẽ, “khi một ca khúc ra đời ăn khách, nó đã được tính toán kỹ để chọn hòa âm nào cho phù hợp nhằm làm tăng lên giá trị nghệ thuật. Muốn tạo ra một phiên bản mới hay hơn, người làm phải có tay nghề cực giỏi. Đó không chỉ là người giỏi nhạc mà còn là người chịu suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo. Thực tế nghe những bản remix, người nghe thường thấy thất vọng nhiều hơn bởi phần lớn các phiên bản này chỉ đang cố gán ghép những âm sắc lạ kiểu EDM vào một ca khúc mà không cần biết nội dung và hình thức âm nhạc có hòa hợp được với nhau hay không” - nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Mỗi ca khúc khi viết ra nó được chọn thể loại nhạc, phong cách nhạc cho phù hợp với nội dung ca từ chuyển tải tâm trạng của tác giả, như giới chuyên môn cho biết. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy remix đang cưỡng bức âm nhạc.
Với sự lạm dụng remix như hiện tại, ngay chính giới biên tập nhạc karaoke cũng có những tranh cãi khi bản vọng cổ nhịp hai Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu được remix thành nhạc sôi động. Rõ ràng, nhu cầu làm mới đã chạm đến giới hạn phá bỏ sự tinh túy của nền âm nhạc tài tử Nam Bộ, vốn là linh hồn của âm nhạc vùng sông nước nơi đây. Nhanh, sôi nổi, mạnh mẽ, kích động đã phá bỏ hoàn toàn cảm xúc mênh mang, thiết tha, ru hồn làm say đắm người nghe vốn là sức sống mãnh liệt của dòng nhạc trữ tình quê hương. “Lấy một bài slow để remix sôi động cũng sẽ thành bài hay bài dở nhưng lấy bài bolero đem remix thành nhạc “giựt” như hiện nay thì đúng là khủng khiếp thật” - nhạc sĩ Quốc An nói.
Kéo thị hiếu âm nhạc đi xuống
Người trong giới đã gọi nhiều bản remix hiện nay là sự phá nát âm nhạc một cách vô tội vạ. Ca sĩ xuất hiện trên sân khấu với những bản remix lấy sự hỗ trợ của ánh sáng, vũ đạo quay cuồng để lấn át “nền” âm nhạc trống rỗng. Chính điều này đã khiến giới chuyên môn không ít lần ta thán thẩm mỹ âm nhạc thời nay đang xuống cấp đến mức đáng sợ. Tác động của nhạc remix vô tội vạ hiện nay sẽ kéo thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của số đông giới trẻ càng đi xuống: chuộng tiết tấu sôi động nhưng không có tâm hồn.
Theo Thùy Trang/ Người Lao Động
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất