Những địa danh không nên bỏ qua khi du xuân ở Bắc Ninh
2015-02-26 18:47
- Bắc Ninh sở hữu nhiều di tích lịch sử, đền chùa, lễ hội nên được xem là một điểm đến lý tưởng cho những ngày du xuân đầu năm.
Tin liên quan
Là tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước ta nhưng lại là một vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời gắn liền với văn minh Sông Hồng, Bắc Ninh giàu giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo đồng thời cũng là cái nôi của Dân ca Quan họ - một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bắc Ninh trong lịch sử đã từng là một trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa – tôn giáo. Bắc Ninh giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đồng thời cũng có nhiều địa danh lịch sử thích hợp cho tham quan, vãng cảnh, lễ bái và chơi hội trong những tháng mùa xuân.
Chùa Phật Tích – chùa có tượng Phật bằng đá lớn nhất đất Việt
Chùa Phật Tích (tên chữ Vạn Phúc tự) tọa lạc trên núi Lạn Kha thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời với kiến trúc đậm chất thời Lý. Chùa sở hữu một bức tượng Phật bằng đá tọa lạc trên tòa sen thời Lý lớn nhất Việt Nam. Chùa được nhiều vị vua, hậu ghé thăm và bỏ tiền của tu sửa, xây mới như vua Lý Thánh Tông, Nguyên phi Ỷ Lan, Trần Nhân Tông, Trần Nghệ Tông, Lê Hy Tông, Lê Hiển Tông. Năm 1959 chùa được xây dựng lại sau đó được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.
Chùa Phật Tích khai hội vào ngày mùng 4 Âm lịch.
Chùa có 10 tượng thú thuần Việt từ thời Lý.
Chùa Phật Tích khai hội vào ngày mùng 4 Âm lịch, đầu năm người dân thập phương đến đây rất đông trước là vãng cảnh, lễ Phật ở chính điện, sau là len lên đỉnh núi để ngắm tượng Phật A Di Đà trên đỉnh Lạn Kha. Chùa còn gắn liền với nhiều sự tích, truyền thuyết như câu chuyện về chàng Từ Thức gặp nàng Giáng Hương trong Hội Mẫu Đơn. Đến chùa bạn còn được ngắm nhìn tác phẩm điêu khắc thời Lý quý giá với 10 tượng thú thuần Việt cao 10 m là nghê, voi, tê giác, trâu ngựa (mỗi loại hai con).
Châu Dâu – Đệ nhất cổ tự trời Nam
Chùa Dâu, tên chữ Pháp Vân tự, Diên Ứng tự hay Cổ Châu tự thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa nằm ở trung tâm khu di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của xứ Kinh Bắc, bao gồm thành cổ Luy Lâu, đền thờ, lăng mộ Sĩ Tiếp (thường bị gọi sai là Sĩ Nhiếp), hệ thống chùa chiền, đền đài, dinh thự, bảo tháp… được coi là chứng tích một thời kỳ dài hàng chục thập kỉ trước và sau Công Nguyên.
Tháp Hòa Phong ở sân chùa Dâu.
Chùa Dâu là ngôi chùa hình thành sớm nhất Việt Nam mang dấu tích của buổi đầu Phật giáo du nhập vào đất Việt. Chùa thờ Phật Pháp Vân (Nữ Thần Mây) một trong Tứ pháp (Mây – Mưa – Sấm – Chớp). Chùa Dâu được xây dựng theo kiến trúc “Nội công ngoại quốc”, đây là một trong những kiến trúc cầu kì nhất, thường chỉ có ở những ngôi chùa lớn, bao gồm nhà Bái đường, gian thiêu hương, chính điện, vườn tháp và nhà hành lang xung quanh bốn bên chùa. Bao đời này chùa vẫn được xem là “Đệ nhất cổ tự trời Nam”.
Chùa Bút Tháp – chùa có kiến trúc quy mô hoàn chỉnh nhất còn sót lại
Chùa Bút Tháp (tên chữ Ninh Phúc tự) nằm ở bên đê hữu ngạn sông Đuống thuộc huyện Thuận Thành là ngôi chùa cổ có tượng Phật Bà Quan m nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ lớn nhất nước ta. Chùa có khuôn viên rộng và là ngôi chùa có kiến trúc quy mô cổ hoàn chỉnh nhất còn sót lại cho đến ngày nay.
Cổng chùa Bút Tháp mang dấu ẩn cổng một ngôi chùa cổ.
Chùa Bút Tháp được xếp hạng là một di tích quốc gia đặc biệt, chùa được tu sửa trong giai đoạn Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Chùa nằm ở giữa cánh đồng nên khung cảnh rất hoang sơ đồng thời có cấu trúc hài hòa với môi trường tự nhiên. Chùa tháp Báo Nghiêm thờ Hòa thượng Chuyết Chuyết vị hòa thượng nổi tiếng từ Trung Hoa sang Việt Nam, ngọn tháp trông giống như một cây bút nên chùa được gọi là Bút Tháp.
Đền Đô – đền thờ 8 vị vua Nhà Lý
Đền Lý Bát Đế, tục gọi là đền Đô là đền thờ 8 vị vua nhà Lý tức Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông. Riêng vị vua cuối cùng Nữ hoàng đế Lý Chiêu Hoàng không được thờ ở đền Đô mà được thờ ở một ngôi đền khác cũng trong tỉnh Bắc Ninh nhưng ít người biết đến.
“Chiếu dời đô” trong khuôn viên Đền Đô.
Đền Đô nằm ở xã Đình Bảng huyện Từ Sơn. Đền có quy mô kiền trúc hoàng tráng, phía trước là Hồ Bát Nguyệt, điện chính có tượng có tám vị vua nhà Lý, bên cạnh chính điện là gian thờ Mẫu, thờ các vị Hoàng Thái Hậu có công sinh thành các vị vua triều Lý. Hai bên chính điện là điện thờ các quan văn và võ. Hội đền Đô diễn ra vào giữa tháng 3 âm lịch thu hút đông đảo người dân khắp nơi. Đền Đô được xem là ngôi đền linh thiêng bậc nhất Kinh Bắc.
Đình Đình Bảng – đình có kiến trúc đẹp nhất còn sót lại
Đình Đình Bảng cách đền Đô 500 m là ngôi đình của làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, trước đây là làng Cổ Pháp. Đình được làm hoàn toàn bằng gỗ vào thế kỷ thứ XVIII đến nay gần như vẫn còn nguyên vẹn. Đình thờ Cao Sơn Đại Vương (Thần Núi), Thủy Bá Đại Vương (Thần Nước), Bách Lệ Đại Vương (Thần Đất). Ngoài ra đình còn thờ cụ tổ của các dòng họ chính trong làng.
Đình Đình Bảng hoàn toàn được làm bằng gỗ.
Đình Đình Bảng gồm tòa đại đình đồ sộ và hậu cung phía sau theo dạng mặt hình chuôi vò hay còn gọi nôm na là chữ Đinh. Đình độc đáo ở điểm có mái đình đồ sộ như những đầu đao. Kiến trúc bên trong thể hiện tinh hoa của nghệ thuật điêu khẵ xưa. Mái đình được lợp ngói hài, trong đình có nhiều bức hoành phi câu đối quý được sơn sơn thếp vàng.
Đền Bà Chúa Kho – ngôi đền” cầu may, vay lộc” có tiếng
Đền Bà Chúa Kho nằm ở lưng chừng núi Kho phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Đền luôn được người dân tin là một trong những ngôi chùa vay lộc, xin lộc nổi tiếng nhất miền Bắc. Đầu năm người người đến đây để cầu một năm “mưa thuận gió hòa”, làm ăn phát đạt, “thuận buồn xuôi gió”.
Đền bà Chúa Kho luôn tấp nập khách thập phương ngày đầu năm.
Ngôi đền này được cho rằng gắn liền với lịch sử về một người phụ nữ từng làm công việc giữ kho lương thực dưới thời nhà Lý. Khi bà mất người dân đã lập đến để tưởng nhớ bà. Đền ngoài thờ Bà Chúa Kho còn thờ Tam tòa Thánh Mẫu. Đến đền bà Chúa Kho là điểm đến thích hợp cho những người kinh doanh, buôn bán.
Các làng nghề truyền thông lâu đời
Bắc Ninh có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời với nhiều nghề khác nhau như đúc đồng ở Đại Bái (Gia Bình), Quảng Bố (Lương Tài), làm tranh đông hồ (Đông Hồ - Thuận Thành), làm gốm ở Phù Lãng (Quế Võ, làm gỗ ở Phù Khê, Từ Sơn), Hương Mạc (Từ Sơn)…
Các sản phẩm bằng đống của làng nghề Đại Bái (Gia Bình).
Bắc Ninh có tổng cộng 62 làng nghề truyền thống. Làng nghề truyền thống hiện nay là một địa điểm du lịch hấp dẫn của giới trẻ. Nhiều bạn trẻ tìm về các làng nghề truyền thông để tham quan và thử bắt tay vào làm công việc của cha ông xưa. Nhìn chung các làng nghê truyền thống ở Bắc Ninh tương đối phát triển dẫu vẫn có một số làng đang đứng trước ngay cơ mai một nghề truyền thống.
Bài và ảnh: Lê Đức
(Theo Congluan.vn)
(Theo Congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Bí quyết giảm cân hiệu quả nhất cho 12 chòm sao